Hiểm họa khủng bố mạng

ANTĐ - Sau vụ khủng bố đẫm máu 11-9-2001, vấn đề này vẫn luôn là một mối đe doạ thường trực với nước Mỹ. Nay mối đe doạ thêm phần gia tăng khi xuất hiện hiểm hoạ khủng bố mạng.

Bên trong một cơ quan an ninh mạng của quân đội Mỹ

Phát biểu trước một ủy ban của Hạ viện Mỹ ngày 7-3, Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Robert Mueller cảnh báo những phần tử cực đoan đang âm mưu tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào nước Mỹ. Theo ông Mueller, những kẻ khủng bố có thể tìm cách huấn luyện tân binh hoặc thuê các đối tượng ngoài tổ chức tiến hành các vụ tấn công mạng nhằm vào các mục tiêu ở Mỹ. 

Giám đốc FBI và Cố vấn    An ninh Quốc gia Mỹ John Brennan cũng đã lên lịch họp kín với các thượng nghị sỹ Mỹ để bàn về các biện pháp an ninh mạng. Nội dung quan trọng của cuộc họp là bàn các biện pháp chống lại một cuộc tấn công mạng giả định, có quy mô lớn nhằm phá hủy hệ thống điện của thành phố New York trong những ngày nắng nóng gay gắt nhất. 

Những cảnh báo và hành động gấp gáp trên được giới chức Mỹ đưa ra trong bối cảnh các vụ tấn công mạng nhằm vào nước Mỹ ngày càng dày đặc và nguy hiểm hơn. Hầu hết các cơ quan Chính phủ Mỹ từ Nhà Trắng, Quốc hội, các bộ cho tới cơ quan quân sự - an ninh như Lầu Năm góc, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), FBI... đều đã bị tin tặc tấn công.

Cùng với các cơ quan chính phủ, những cơ sở nghiên cứu, sản xuất quan trọng của Mỹ như Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), hãng Lockheed Martin chế tạo máy bay tàng hình F-35 hiện đại nhất... đều đã bị tấn công, lấy cắp các thông tin tuyệt mật. Thật khó  tưởng tượng nổi nước Mỹ sẽ bị tổn thất ra sao nếu những kẻ khủng bố có thể làm tê liệt hay chiếm quyền kiểm soát hệ thống máy tính của một cơ quan như NASA hay các trung tâm điều khiển vũ khí quan trọng.

Với hơn 15.000 mạng máy tính kết nối 7 triệu máy tính cá nhân rải ra khắp toàn cầu, tính ra Lầu Năm góc phải đương đầu với khoảng 250.000 cuộc tấn công mạng mỗi giờ đồng hồ. Bộ Quốc phòng Mỹ vì thế đã triển khai việc xây dựng hệ thống an ninh mạng “lá chắn và thanh gươm” để đối phó với nguy cơ chiến tranh mạng đang ngày càng tăng. 

Trước mối đe dọa nghiêm trọng từ chiến tranh và khủng bố mạng, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã triển khai thực hiện chiến lược an ninh mạng với tên gọi “Chiến lược không gian ảo quốc tế”. Chiến lược xác định, tấn công mạng giống như các cuộc tấn công quân sự từ trên bộ, trên không và trên biển vào nước Mỹ vì thế cần phải có biện pháp đáp trả tương xứng.

Khẳng định an ninh mạng là một nhân tố quan trọng trong việc định hình sức mạnh quân sự của Mỹ trong tương lai, nước này đã đầu tư ít nhất 500 triệu USD để xây dựng các trung tâm công nghệ cao phục vụ cho cuộc chiến trên mạng. Chính quyền Mỹ cũng đã đặt hàng các công ty và trung tâm nghiên cứu triển khai xây dựng một thao trường huấn luyện chỉ huy chống tin tặc từ nước ngoài. Đây cũng là nơi thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chống các cuộc tấn công và khủng bố trên mạng.