- Phòng, chống sự tha hóa quyền lực Nhà nước
- Làm trong sạch Đảng để lấy lại lòng tin của nhân dân
- Đang ngày càng có nhiều biến tướng
Bởi trước nay, theo thông lệ cứ cán bộ Nhà nước về hưu là coi như hết quyền lợi, nhưng quan trọng là cũng phủi hết trách nhiệm với xã hội, ngay cả với những việc làm sai trái do mình gây ra trước đó, nếu có. Bởi vậy, mới có nhiều cán bộ lúc đương quyền chỉ chăm chăm tranh thủ thu vén quyền lợi cá nhân, bất chấp những việc làm đó là phi pháp. Mục đích là vơ vét càng nhiều càng tốt miễn là làm sao che đậy đến khi được “hạ cánh an toàn”.
Đây cũng chính là nguyên nhân, đồng thời cũng là biểu hiện rõ rệt của tư duy nhiệm kỳ trong cán bộ hiện nay. Đã có những cán bộ trước khi về hưu hoặc chuyển công tác khác tranh thủ ký hàng chục quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm; duyệt những dự án, công trình “béo bở”… bằng mọi giá.
Khi đã về hưu rồi, hậu quả của những quyết định đó đã có người kế nhiệm... “đổ vỏ”, chứ mấy ai quy trách nhiệm cho những người đã rời nhiệm sở. Thế nhưng mọi chuyện bây giờ đã khác. Minh chứng là gần đây không ít cán bộ cấp cao khi về hưu vẫn bị phanh phui vì những việc làm sai trái lúc đương nhiệm và phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Cách đây ít ngày, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương. Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Vũ Huy Hoàng lúc đương nhiệm đã có nhiều vi phạm như thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong tiếp nhận, bổ nhiệm và điều động các ông Vũ Quang Hải (là con trai ông Hoàng) và Trịnh Xuân Thanh.
Trước đó, cuối năm 2014, ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ cũng đã chịu hình thức kỷ luật Đảng sau khi về hưu do có các vi phạm, khuyết điểm trước đó trong việc thực hiện chế độ, chính sách nhà ở, đất ở và công tác cán bộ. Mới đây nhất, Thanh tra Bộ Nội vụ cũng vừa kết thúc đợt thanh tra công tác cán bộ tại Thanh tra Chính phủ, trong đó làm rõ việc ông Huỳnh Phong Tranh (nguyên Tổng Thanh tra) trước khi về hưu đã bổ nhiệm cán bộ dồn dập.
Cụ thể, trong thời gian 6 tháng trước khi nghỉ hưu, ông Huỳnh Phong Tranh đã bổ nhiệm 35 cán bộ thanh tra, trong đó nhiều cán bộ cấp vụ, cấp phòng được bổ nhiệm mới mà không thực hiện điều chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu. Với những sai phạm đó, ông Huỳnh Phong Tranh sẽ phải chịu trách nhiệm cho những việc mình làm.
Như vậy, những cán bộ sai phạm không chỉ phải nhận những hình thức kỷ luật về Đảng, mà còn phải chịu trách nhiệm pháp lý theo đúng quy định của pháp luật là đương nhiên. Đã rõ là hết thời “hạ cánh an toàn!”.