Hãy làm tốt những việc mình yêu thích

(ANTĐ) - Nguyễn Trọng Nghĩa - tay keyboard kiêm nhạc sỹ của nhóm nhạc M&M (Major & Minor - Đô trưởng & Đô thứ) nổi đình, nổi đám mấy năm trước với 20 sáng tác mang phong cách Beatles như Save the world, Tuổi trẻ của chúng ta, ánh trăng...

Hãy làm tốt những việc mình yêu thích

(ANTĐ) - Nguyễn Trọng Nghĩa - tay keyboard kiêm nhạc sỹ của nhóm nhạc M&M (Major & Minor - Đô trưởng & Đô thứ) nổi đình, nổi đám mấy năm trước với 20 sáng tác mang phong cách Beatles như Save the world, Tuổi trẻ của chúng ta, ánh trăng...

Gặp lại Nghĩa, chính chúng tôi đã được Nghĩa tiếp thêm cho nội lực, khát vọng tuổi trẻ muốn vươn lên khẳng định mình. Như lời đề nghị của chúng tôi muốn Nghĩa tự bạch về quá trình phấn đấu của bản thân mình như một bài học kinh nghiệm cho các bạn trẻ - Nghĩa nhận lời...

“Tôi sinh năm 1983... Những năm đó, tôi học THPT tại trường dân lập Lương Thế Vinh, rồi tốt nghiệp. Tôi thi vào khoa Tài chính ngân hành, ĐH Kinh tế Quốc dân với điểm số Toán 9, Lý 9, Hóa 10 và 2 điểm thưởng vì đạt kết quả tốt nghiệp trên 54 điểm. Với 30 điểm có được, tôi đứng thứ 3 trong kỳ thi đại học. Cũng vào thời điểm đó tôi được biết về chương trình học bổng và hỗ trợ tài chính cho sinh viên quốc tế ở Singapore.

Song song với việc học tại ĐH Kinh tế Quốc dân, tôi cũng bắt đầu chuẩn bị cho kỳ thi vào ĐH Quốc gia Singapore (NUS). NUS xét tuyển chủ yếu dựa vào kết quả học tập THPT, điểm thi tốt nghiệp và thi tiếng Anh IELTS. Tôi được nhận vào khoa Quản trị Kinh doanh của NUS và chọn chuyên ngành Tài chính. Tốt nghiệp,  tôi ở lại trường NUS một năm và làm trong phòng tài chính, phụ trách về tài chính, ngân sách của các viện nghiên cứu trong trường. Trong thời gian đó, thông qua 1 người bạn, tôi được biết về học bổng Erasmus Mundus - đây là chương trình học bổng của European Commission cho sinh viên trên khắp thế giới đến châu Âu để học master.

Quá trình xin học bổng Erasmus Mundus rất khó. Mỗi ngành, họ cho mỗi nước khoảng 1-2 suất học bổng. Vì đây là chương trình học bổng danh tiếng của châu Âu và việc được đi nhiều nước khác nhau trong quá trình học nên mức độ cạnh tranh để xin được học bổng này là rất cao. Năm đó, đối với ngành tôi học, Việt Nam được một suất duy nhất và tôi đã may mắn dành được học bổng này. Có rất nhiều khóa học khác nhau trong chương trình học. Mỗi khóa học do nhiều trường đại học danh tiếng ở các nước châu Âu hợp tác giảng dạy. Chương trình tôi học là Master of Economics in International Trade and European Integration. Chương trình do 7 trường đại học hàng đầu ở các nước Anh, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Bỉ và CH Czech lập ra. Học kỳ đầu tiên học ở Anh, học kỳ II ở Bỉ, học kỳ III ở CH Czech... dưới sự giảng dạy của các giáo sư tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới.

Cũng nhân đây, tôi xin nêu lên sự khác biệt giữa các nền giáo dục của Việt Nam, Singapore và châu Âu. ở Việt Nam, cách giảng dạy thường thấy là sinh viên đến lớp nghe thầy giáo giảng bài và ghi chép lại. Sau đó học thuộc lòng để đi thi. Chính vì vậy kiến thức thu thập được của sinh viên khá hạn chế. Ngoài ra, mức độ nghiên cứu của các giảng viên đại học ở Việt Nam cũng còn thấp. Thường thì công việc của giảng viên chỉ dừng lại ở mức độ giảng dạy. Singapore phát triển giáo dục theo hướng khác. Đa số các giáo sư ở NUS đều tốt nghiệp tại các trường ĐH danh tiếng của Mỹ như Havard, MIT, Stanford... Công việc chính của họ là nghiên cứu, chính vì vậy mà mức độ hiểu biết của các giáo sư là rất rộng nên khi giảng dạy, cũng truyền đạt được nhiều cho sinh viên hơn.

Việc học ở Singapore hiệu quả hơn bởi sinh viên phải làm rất nhiều dự án, thường thì mỗi môn học có 1 dự án/1 học kỳ và họ làm việc theo nhóm nhằm giúp phát triển khả năng giao tiếp, làm việc độc lập. Sau đó dự án sẽ được giới thiệu trước cả lớp, điều này giúp phát triển khả năng nói, diễn đạt, thuyết trình của sinh viên. Giáo dục ở châu Âu là một nền giáo dục phát triển. Sinh viên phát triển một cách toàn diện khi được học ở châu Âu. Có một điểm khác biệt theo tôi nghĩ là ở châu á, điểm là yếu tố quan trọng nhất, chính vì vậy sinh viên học rất chăm chỉ để đạt điểm cao. Chính vì vậy, việc thấy sinh viên châu á ngồi trong thư viện 10 tiếng/ngày là rất bình thường. Nhưng ở châu Âu thì khác, sinh viên không quan trọng điểm, họ dành nhiều thời gian cho các hoạt động ngoại khóa...

Hiện tại tôi đang làm luận án về đề tài: ảnh hưởng của sự biến động trong tỉ giá hối đoái đến thương mại quốc tế. Tôi sẽ trở lại Anh để dự Lễ tốt nghiệp vào tháng 12-2008. Ngoài ra, tôi cũng đang học và hoàn thành các chứng chỉ về tài chính tại châu Âu như CFA (Chartered Financial Analyst) và FRM (Financial Risk Manager). Định hướng của tôi cho nghề nghiệp sẽ là phân tích tài chính. Tôi được chào đón với mức lương bổng rất cao tại Singapore lẫn châu Âu, nhưng tôi sẽ về Việt Nam. Bởi Việt Nam là quê hương, nơi mà bố mẹ, các anh chị em và rất nhiều bạn bè của tôi đang ở đó.

 Hơn nữa, Việt Nam đang phát triển rất mạnh và có rất nhiều cơ hội, tôi sẽ về Việt Nam để tận dụng các cơ hội mà nền kinh tế đem lại. Tôi cũng luôn cố gắng cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Thời gian rảnh rỗi tôi sống với niềm đam mê là chơi đàn piano và sáng tác nhạc. Tôi muốn khuyên các bạn trẻ nên làm tốt những công việc mà mình yêu thích chứ không ép mình làm những việc mà mình không thích...”.      

ĐTQuân (Ghi)