Hầu hết các dự án đều chậm trễ

ANTĐ - Ngày 15-12, ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, khảo sát mới nhất cho thấy, hầu hết các dự án sử dụng vốn ngân sách đều có thời gian đầu tư kéo dài hoặc bị chậm tiến độ.

Những dự án chỉ treo mỗi tấm biển thế này xuất hiện ngày càng nhiều

- Ông có thể cho biết thực trạng các dự án dùng vốn ngân sách chậm tiến độ?

- Theo số liệu nhận được từ các bộ, ngành, địa phương và một số tập đoàn, tổng công ty… hầu hết các dự án đều có thời gian đầu tư kéo dài và chậm tiến độ. Cả 3 giai đoạn thực hiện dự án (từ khâu chuẩn bị đầu tư đến thực hiện đầu tư, đưa vào sử dụng) đều chậm trễ dẫn đến số lượng các dự án chậm tiến độ rất lớn. Rất nhiều dự án có giai đoạn chuẩn bị đầu tư kéo dài 2-4 năm. Đến giai đoạn 2 lại tiếp tục bị “ngâm”, chủ yếu do GPMB ì ạch. Có những dự án công tác GPMB kéo dài 5 năm, 10 năm. Thậm chí, dự án đường vành đai I của Hà Nội hơn 10 năm vẫn chưa xong GPMB...

- Tổng hội đã phân tích, làm rõ nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng khắp nơi là dự án “treo”?

- Dẫn đến tình trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó có phần do cơ chế đấu thầu ham rẻ, dẫn đến chủ đầu tư thuê phải nhà thầu không đủ năng lực. Bên cạnh đó, có hàng vạn nhà thầu, từ tư vấn khảo sát, thi công xây lắp đến cung cấp thiết bị... nhưng lực lượng còn rất yếu, đặc biệt là thiếu đội ngũ quản lý và thợ giỏi. Tại nhiều công trình thủy điện, thợ lắp máy lành nghề thiếu rất nhiều dẫn đến chậm tiến độ. Ngoài ra, hầu hết các công trình chậm tiến độ là do không đủ vốn, có hiện trạng này là do đầu tư dàn trải kiểu “rải mành mành”. Nếu được tập trung vốn, công trình chỉ thi công trong 2 năm nhưng do thiếu vốn phải 3 năm, 4 năm mới xong.

- Liệu có đo đếm được thiệt hại về kinh tế - xã hội do dự án chậm tiến độ?

- Thiệt hại và lãng phí là vô cùng lớn khi hầu hết các dự án đều chậm. Nhà nước, doanh nghiệp và cả xã hội bỏ vốn đầu tư vào các dự án xây dựng (chiếm 40% GDP), nhưng do chậm hoàn thành dẫn đến đình trệ sản xuất, nguồn vốn không được quay vòng kịp thời, bị “chôn” vốn, lãi suất vẫn phải trả, thiếu công trình cho xã hội, cho người dân... Đặc biệt, lãng phí về đất đai khó có thể đo đếm hết.

- Để dự án “chôn chân” nhiều năm, trách nhiệm ở khâu nào, thưa ông?

- Cần phải làm rõ ai, cơ quan nào chịu trách nhiệm với từng dự án, từ phân bổ vốn kiểu rải mành mành đến vì sao chọn nhà đầu tư thiếu năng lực, chính quyền địa phương quan liêu... để từ đó có chế tài xử lý. Thực tế, chúng ta đã có đủ quy định pháp lý để xử lý trách nhiệm dẫn đến tình trạng dự án “treo” nhưng chính chúng ta đang mắc bệnh cái gì cũng tập thể nên rất khó xử lý.

- Đâu là giải pháp để giảm số dự án “treo” đang gây lãng phí rất lớn ở khắp các tỉnh, thành phố?

- Có 3 yêu cầu quan trọng. Thứ nhất, toàn bộ các công trình xây dựng, các dự án đều phải xuất phát từ quy hoạch. Quy hoạch chung đi trước một bước, rồi quy hoạch vùng, quy hoạch chi tiết làm cơ sở cho việc thực hiện dự án. Thứ hai, Nhà nước cần sửa đổi bổ sung, thậm chí xây dựng mới hệ thống pháp luật, từ đấu thầu, quy hoạch, xây dựng, đến doanh nghiệp... Cuối cùng, chính sách, chế độ đối với cán bộ, công nhân ngành xây dựng phải đáp ứng được nhu cầu phát triển. Nóng nực hay giá rét, người công nhân vẫn phải làm việc quần quật ở ngoài công trường mà lương bình quân chỉ 2,7-3 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, ngành điện nói lương bình quân 7,3 triệu là khổ lắm rồi!

- Hiện nay, có tình trạng do trượt giá quá lớn nên một số nhà thầu chọn cách chây ỳ, cố tình không thi công bởi càng làm càng lỗ?

- Khi đã nhận thầu, nhà thầu phải tính đến rủi ro trượt giá, bởi ở Việt Nam chỉ số lạm phát luôn rất cao. Thứ hai, các trường hợp bất khả kháng phải đưa vào hợp đồng. Các nước xử lý vấn đề này rất nhanh, bản thân chủ đầu tư khi nhận thấy vấn đề này người ta sẽ xử lý ngay. Nhưng ở Việt Nam rất khó do việc sử dụng vốn Nhà nước. Chúng tôi sẽ kiến nghị, tới đây, Nhà nước sẽ đứng ra GPMB, tạo quỹ đất sạch, thậm chí đầu tư luôn hạ tầng khung. Sau đó, Nhà nước tổ chức đấu thầu trên các mảnh đất sạch đó. Giá trị chênh lệch địa tô Nhà nước sẽ hưởng chứ không phải để các doanh nghiệp thu như hiện nay.

Theo ông Phạm Văn Khánh - Vụ Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), có tình trạng hầu hết các dự án sử dụng vốn ngân sách chậm tiến độ do nguyên nhân lớn là chậm trễ trong GPMB. Nguyên nhân tiếp theo là bởi thị trường xây dựng có quá nhiều biến động, nhất là về giá cả. Còn một số nguyên nhân khác liên quan đến năng lực của các chủ thể tham gia (chủ đầu tư, nhà  thầu...) hoặc do cơ chế chính sách còn chưa rõ ràng, chồng chéo...