Hậu Covid-19: Cần chủ động ứng phó

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Biến thể Omicron khiến số lượng người mắc Covid-19 tăng cao. Tuy tỷ lệ người mắc Covid-19 nghiêm trọng thấp hơn so với những biến thể trước đó nhưng với số lượng mắc cao khiến cho hậu Covid-19 đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Rụng tóc hậu Covid-19, nên ăn gì?

Nhiều người đang gặp phải tình trạng rụng tóc sau khi phục hồi Covid-19. Rụng tóc có thể là kết quả của nhiều nguyên nhân, bao gồm cả việc thiếu hụt chất dinh dưỡng trong thời kỳ nhiễm bệnh. Để có mái tóc khỏe mạnh, bạn nên uống đủ nước cùng với một chế độ ăn uống giàu protein, biotin, sắt, axit béo omega-3, vitamin B, vitamin C, E và kẽm. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn nên bổ sung 8 loại thực phẩm vào chế độ ăn uống để thúc đẩy quá trình mọc tóc và giúp tóc khỏe mạnh: Trứng, rau cải bó xôi, quả bơ, hạt chứa dầu, các loại đậu, hạnh nhân và hạt điều, chanh, ngũ cốc nguyên hạt.

Di chứng hậu Covid 19 có thể kéo dài nhưng không quá nghiêm trọng như nhiều người nghĩ

Di chứng hậu Covid 19 có thể kéo dài nhưng không quá nghiêm trọng như nhiều người nghĩ

Tiêu chảy hậu Covid-19, cần làm gì?

Nhiều người sau khi nhiễm Covid-19 không chỉ bị ho, hụt hơi kéo dài mà còn bị tiêu chảy gây nguy hiểm cho sức khỏe. Trong đại đa số các trường hợp, mất nước do tiêu chảy đều có thể được điều trị hiệu quả bằng oresol (ORS). Ngoài ra, cần lưu ý ăn chín - uống nước đã đun sôi; Có thể uống nước trái cây bổ sung thêm vitamin C và điện giải; Ăn nhiều rau xanh...

Suy giảm ham muốn tình dục hậu Covid-19, phải làm sao?

Theo các chuyên gia, sau khi mắc Covid-19, cả nam và nữ giới đều bị ảnh hưởng, trong đó, nam giới có thể mắc chứng rối loạn cương dương ngắn hạn hoặc dài hạn cao gấp 6 lần. Trong trường hợp gặp các di chứng, đặc biệt về sức khỏe sinh sản, rối loạn tình dục, người dân cần gặp bác sĩ tư vấn để được điều trị kịp thời. Không nên vì ngại ngùng mà để tình trạng kéo dài gây nhiều hệ lụy xấu về sức khoẻ sinh sản cũng như ảnh hưởng đến đời sống vợ chồng về sau.

Hậu Covid-19 dễ gặp biến chứng đột quỵ?

Mặc dù nguy cơ hình thành cục máu đông hậu Covid-19 ở các bệnh nhân tim mạch mạn tính cao hơn, nhưng ngay cả những người không mắc bệnh tim nhưng mắc Covid-19 cũng có khả năng gặp phải nguy cơ này. Do đó, việc chăm sóc sức khỏe sau khi khỏi Covid-19 đúng cách đóng vai trò rất quan trọng trong việc ngăn ngừa đau tim, đột quỵ, thuyên tắc phổi và những biến chứng ở các cơ quan khác do cục máu đông gây ra. Người từng mắc Covid-19 cần tuân thủ lối sống lành mạnh sau khi hết giai đoạn cấp tính nhằm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông cũng như các triệu chứng tim mạch khác.

Trẻ bị ho hậu Covid-19 nên ăn uống thế nào?

Ho là một triệu chứng phổ biến xuất hiện sau khi khỏi Covid-19. Khi bị ho, trẻ thường rất khó chịu, dễ nôn, dẫn đến biếng ăn. Bên cạnh việc đảm bảo cho trẻ một chế độ ăn uống bình thường đầy đủ 4 nhóm chất (tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất), khi trẻ bị ho cha mẹ cần lưu ý lựa chọn món dễ ăn . Giai đoạn hậu Covid-19 cần chú ý tăng cường dinh dưỡng để thúc đẩy quá trình phục hồi sức khỏe. Đặc biệt, đối với trẻ em, một chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ chất chính là chìa khóa để tăng sức đề kháng, ngăn ngừa và cải thiện các triệu chứng hậu Covid-19.

Mất ngủ hậu Covid-19, dùng thuốc thế nào?

Nỗi sợ hãi hậu Covid-19 khiến nhiều người mất ngủ. Điều trị mất ngủ sẽ giúp tránh ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe não bộ, tim mạch và toàn thân. Để điều trị mất ngủ hậu Covid-19, có rất nhiều loại thuốc, tuy nhiên, đều có điểm chung gây buồn ngủ, giảm lo lắng, căng thẳng ở người bệnh. Lưu ý, không nên tự ý dùng các thuốc an thần mạnh để trị mất ngủ.

Khi nào mới cho trẻ đi khám hậu Covid-19?

Trẻ mắc Covid-19 thường nhẹ và phục hồi nhanh hơn người lớn nhưng một số ít trẻ bị tình trạng hậu Covid-19 từ nhẹ đến nặng, nhất là hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C). Biểu hiện của hậu Covid-19 thường xảy ra: sốt nhẹ, khó thở, ho kéo dài, mệt mỏi, đau cơ, tim đập nhanh, nổi ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc; ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng tập trung tư tưởng và rối loại giấc ngủ. Trẻ có thể bị rối loạn tiêu hóa: nôn, đau bụng, tiêu chảy; gặp dấu hiệu sốc, rối loạn đông máu, tổn thương thận cấp… Sau khi trẻ âm tính 2- 6 tuần nếu có biểu hiện như trên cần cho trẻ đi khám điều trị sớm.

Cần làm gì để tránh hậu Covid-19?

Theo các chuyên gia y tế, có rất nhiều triệu chứng hậu Covid-19 mà người bệnh có thể phải đối mặt. Cách tốt nhất để bảo vệ bản thân trước tình trạng hậu Covid-19 vẫn là tránh nhiễm virus ngay từ đầu, tiêm phòng vaccine đầy đủ, tuân thủ các biện pháp sức khỏe công cộng... Dù đã khỏi, người bệnh cần phải tiếp tục theo dõi và nâng cao sức khỏe toàn diện, phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, dinh dưỡng và chăm sóc tinh thần, giấc ngủ, tập thở, tập thể dục, dinh dưỡng hợp lý…