“Hậu” chất vấn
(ANTĐ) - Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII, phiên chất vấn các thành viên Chính phủ gồm có các Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Tất cả các bộ trưởng khác cũng được mời đến Quốc hội để trả lời những vấn đề mang tính liên nghành. Quốc hội cũng tập hợp 37 câu chất vấn Thủ tướng và các Phó Thủ tướng. Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội khẳng định, Quốc hội phấn đấu ra nghị quyết ràng buộc rõ trách nhiệm của các thành viên Chính phủ. “Hậu” chất vấn mới thực sự là mối quan tâm, sự mong mỏi của cử tri và nhân dân.
Đoàn Thư ký ký họp thứ 6 đã nhận được 236 câu chất vấn của 105 đại biểu Quốc hội thuộc 42 đoàn. Trong đó có 26 câu dành cho Bộ trưởng Bộ Công Thương, 21 câu chất vấn Bộ Lao động-thương binh và Xã hội, Bộ GTVT và Bộ Giáo dục và Đào tạo 20 câu, Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn 18 câu, Bộ Tài nguyên môi trường 13 câu… Có thể nói, chỉ với 236 câu chất vấn hầu như đã “gói trọn” những vấn đề bức xúc nhất và “nóng hổi” nhất trong mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội của đất nước.
Nội dung chất vấn chủ yếu xoay quanh các vấn đề: Hiệu quả của gói kích cầu kinh tế, quản lý ngoại hối, thuế; quản lý vốn tại các tập đoàn và tổng công ty nhà nước; đầu tư cho nông nghiệp và nông dân, thu mua xuất khẩu lúa gạo; triển khai xây dựng các nhà máy thủy điện; quản lý nhà nước và hoạt động ở các trạm thu phí, quản lý đô thị và giao thông ở các thành phố; quản lý đất đai; phòng chống ô nhiễm môi trường; an toàn vệ sinh thực phẩm; đào tạo nghề và tạo việc làm; quản lý chất lượng giáo dục, chính sách an sinh xã hội với người nghèo…
Qua 2 ngày rưỡi trả lời chất vấn, cho thấy không nhất thiết các bộ trưởng nhận được nhiều chất vấn thì mới trả lời trực tiếp trên nghị trường. Có những vấn đề mà kỳ họp lần trước vừa chất vấn, thì đương nhiên phải để các bộ trưởng có thời gian tiếp thu, chỉnh sửa, nếu chất vấn tiếp tất sẽ làm loãng vấn đề. Ngược lại, có những bộ trưởng nhận được cả chục câu hỏi mà là những vấn đề mới, nóng bỏng thì cần dành thời gian để bộ trưởng đó trả lời.
Phải nói rằng, tại kỳ họp hồi thứ 5 của Quốc hội, một số thành viên Chính phủ đã thực hiện tốt lời hứa trước Quốc hội và cử tri. Đơn cử vấn đề “loạn” sân golf trên cả nước đã được chất vấn quyết liệt. Sau đó, Bộ Kế hoạch đầu tư và Bộ Tài nguyên môi trường đã quyết định “xóa sổ” 77 dự án sân golf. Hoặc như vấn đề quản lý vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, sau khi đoàn kiểm tra của Quốc hội đưa ra kết luận thì Chính phủ đã có điều chỉnh bằng biện pháp không cho phép kinh doanh thành lập ngân hàng.
Các đại biểu Quốc hội và cử tri chừng nào cũng “thông cảm” và chia sẻ với những người đứng đầu các Bộ một lời hứa không phải một lúc thực hiện ngay được bởi còn “đụng chạm” tới cả một cơ cấu và hệ thống chính sách. Có khi thực hiện một lời hứa đòi hỏi một loạt Bộ, nghành, cùng bắt tay nhau rà soát, ra lại chính sách.
Song, nói như vậy không có nghĩa là hứa rồi để đấy, đổ trách nhiệm chung chung. Không chỉ trong kỳ họp này, không chỉ trong một đợt chất vấn chờ đợi một năm hai lần, không ít đại biểu Quốc hội và cử tri cũng như nhân dân nhận thấy rằng, “hậu” chất vấn không được như mong muốn chính là do cơ chế “hậu” giám sát không quy rõ trách nhiệm cá nhân. Bởi thế tính hiệu quả, chất lượng của chất vấn không cao.
Trưởng đoàn Thư ký kỳ họp thứ 6 Quốc hội nhấn mạnh, Luật cho phép ra nghị quyết và khi ra nghị quyết phải nói rõ trách nhiệm của ai, khi nào thì khắc phục hoặc đưa ra chính sách, giải pháp gì để sửa những vấn đề tồn tại và ai sẽ thực hiện điều đó. Hy vọng rằng ngày càng rút ngắn khoảng cách giữa “hậu” chất vấn và “hậu” giám sát chất vấn.
Đan Thanh