Hành vi giết người trong trạng thái vượt quá giới hạn phòng vệ hay bị kích động?

ANTD.VN - Đỗ Quang T (SN 1993) cùng Trần Văn H (SN 1991) đến phòng trọ của bạn để uống rượu. Tại phòng trọ bên cạnh có Đinh Quốc V cũng đang uống rượu với một số người bạn khác. Đến khoảng 23 giờ, H lấy xe máy đi về trước. Khi cách nhà trọ khoảng 100m thì gặp nhóm của V điều khiển xe chở nhau. Do say rượu, Trần Văn H gây sự, đạp vào xe của nhóm Đinh Quốc V. Nhóm của V đã đánh H. Nghe tiếng H kêu cứu, lúc này T từ phòng trọ chạy đến và đẩy V ra để can ngăn. V thấy vậy liền lấy cục gạch trên đường đập vào đầu T khiến T bị ngã. V lao tới tiếp tục dùng tay đánh T thì T lấy con dao bấm trong túi quần ra đâm vào ngực trái của V, khiến V bị thủng tim và tử vong sau khi đưa đến bệnh viện. Sau đó, Đỗ Quang T đến cơ quan công an đầu thú, khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Kết luận giám định xác định thương tích của T bị  gạch đập vào đầu là 6%. Vấn đề đặt ra trong tình huống này là Đỗ Quang T có phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động hoặc vượt quá giới hạn phòng vệ hay không?

Hành vi giết người trong trạng thái vượt quá giới hạn phòng vệ hay bị kích động? ảnh 1Ảnh minh họa

Ý kiến bạn đọc

Vượt quá giới hạn phòng vệ

Trong vụ việc này Đỗ Quang T đã phạm tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, theo Điều 126, Bộ luật Hình sự năm 2015. Giữa T và Đinh Quốc V trước đó không có mâu thuẫn, mà mâu thuẫn bắt nguồn từ hành vi gây sự, đạp xe của Trần Văn H. T nghe H kêu cứu chỉ chạy đến can ngăn, đẩy V ra vì V đang đánh H. Tuy nhiên sau đó V lại dùng gạch đánh vào đầu T, khi T ngã thì V tiếp tục dùng tay lao đến tấn công T. Trong trường hợp này, theo tôi thì quyền phòng vệ của Đỗ Quang T đã phát sinh bởi theo quy định của pháp luật, phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người  khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Tôi cho rằng,  trong trường hợp này mặc dù luật cho phép T thực hiện hành vi phòng vệ tuy nhiên so sánh về hậu quả giữa hai hành vi dùng gạch đập vào đầu của V và hành vi dùng dao bấm đâm vào ngực của T thì hậu quả của hành vi do T gây ra là lớn hơn nhiều vì nó đã tước đoạt đi tính mạng của V. Do đó, theo tôi đã vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Nguyễn Thị Huyền (Lê Chân - Hải Phòng)

Tinh thần bị kích động mạnh

Trong vụ việc này, Đỗ Quang T đã phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo Điều 125, Bộ luật Hình sự năm 2015. Mặc dù T có mang theo dao bấm trong túi quần, nhưng ngay từ đầu ý thức của T chỉ là can ngăn không cho Đinh Quốc V đánh Trần Văn H. Tuy nhiên, trong lúc T đẩy V ra thì V lại dùng gạch đập vào đầu của T, khiến T ngã. Lúc đó V vẫn không dừng lại mà tiếp tục lao đến để tấn công T.  Theo tôi, đây là căn cứ để xác định tinh thần của T bị kích động mạnh, vì đối với bất kỳ một người nào khi bị gạch đập vào đầu thì không còn đủ tỉnh táo để điều khiển hành vi của mình, đương nhiên việc T lấy dao trong túi quần ra để đâm V là phù hợp với diễn tiến tâm lý của một con người cụ thể. Như vậy nguyên nhân dẫn đến việc T có hành vi dùng dao bấm đâm V chết là xuất phát từ hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của V đối với T, gây ra sự kích động về mặt tinh thần cho T. Do đó cần phải xử lý T về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.

Nguyễn Trí Đức (Đông Anh - Hà Nội)

Phạm tội giết người

Đỗ Quang T đã phạm tội giết người theo quy định tại Điều 123, Bộ luật Hình sự. Theo nội dung vụ việc, khi T can ngăn đẩy Đinh Quốc V ra thì V đã dùng gạch đập vào đầu T, khiến T ngã. V lao đến định đánh T bằng tay không nhưng chưa đánh được thì T đã lấy dao bấm trong túi quần mang theo trước đó, đâm vào ngực V, khiến V tử vong. Bản thân Đỗ Quang T phải nhận thức được rằng dao bấm là hung khí nguy hiểm, đâm vào vùng trọng yếu trên cơ thể con người sẽ gây ra cái chết cho nạn nhân, mà ở đây cụ thể là đâm thủng tim của V, khiến V tử vong. Giữa hành vi dùng dao đâm của T và cái chết của V có mối quan hệ nhân quả nên T phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự do hành vi của mình gây ra. Tuy nhiên trong vụ việc này cũng cần xem xét đến việc Đinh Quốc V đã dùng gạch đánh vào đầu T trước, nên V cũng có một phần lỗi dẫn đến việc phạm tội của T. Như vậy theo tôi đủ căn cứ để xử lý T về tội giết người.

Phan Đình Tuấn (Đồng Đăng - Lạng Sơn)

Bình luận của luật sư

Thứ nhất, về quan điểm giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ. Căn cứ vào nội dung vụ việc, tôi cho rằng Đỗ Quang T không phạm tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, theo quy định tại Điều 126, Bộ luật Hình sự năm 2015. Bởi lẽ, mặc dù Đinh Quốc V đã dùng gạch đánh vào đầu của Đỗ Quang T, tiếp đó khi T ngã thì V tiếp tục dùng tay lao đến tấn công T, nhưng hành vi này của V chưa thực hiện và cũng chưa thực sự gây nguy hiểm đến tính mạng của T, chưa dồn T vào đường cùng, chưa làm cho T không còn cách chọn lựa nào khác để tự vệ. Hơn nữa sau khi T bị V dùng gạch đánh vào đầu khiến T bị ngã nhưng sau đó V không dùng gạch nữa mà sử dụng tay không đến định tấn công V cho thấy sức tấn công của V đã giảm. Mặt khác trong tình huống trên thì sự việc xảy ra ngoài đường, không gian không bị giới hạn thì T vẫn có thể chọn cách xử sự khác ngoài việc dùng dao đâm V như là bỏ chạy, kêu cứu hoặc dùng tay không phòng vệ lại… Nhưng T đã chọn cách rút dao (đã chuẩn bị sẵn trong túi quần) đâm trúng vào tim của V làm V tử vong. Điều này cho thấy thái độ hung hãn, xem thường tính mạng của người khác của Đỗ Quang T. Với một người có ý thức pháp luật chắc chắn sẽ không hành động như T. Do đó, không thể nói Đỗ Quang T đã phạm tội trong trường hợp vượt quá phòng vệ chính đáng. 

Thứ hai, về quan điểm giết người do tinh thần bị kích động. Tôi cũng không đồng tình với quan điểm Đỗ Quang T phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, theo quy định tại Điều 125, Bộ luật Hình sự. Mặc dù trong vụ việc này, sau khi bị Đinh Quốc V dùng gạch đập vào đầu, T có bị kích động về tinh thần nhưng chưa tới mức mất khả năng tự chủ nên không thể xem T bị kích động mạnh. Bởi lẽ, người bị kích động mạnh về tinh thần là người không còn nhận thức đầy đủ về hành vi của mình như lúc bình thường, nhưng chưa mất hẳn khả năng nhận thức. Lúc đó họ mất khả năng tự chủ và không thấy hết được tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình; trạng thái tinh thần của họ gần như người điên (người mất trí).

Trạng thái này chỉ xảy ra trong chốc lát, sau đó tinh thần của họ trở lại bình thường như trước. Theo quan điểm của chúng tôi thì trong trường hợp trên Đỗ Quang T tuy có bị kích động nhưng chưa đến mức mất khả năng tự chủ, thể hiện ở việc mặc dù trong tình trạng bị ngã nhưng vẫn nghĩ đến việc rút dao bấm trong túi quần ra và bấm cho dao bật ra, đâm một nhát vào người V trúng vào vùng nguy hiểm. Như vậy T vẫn còn nhận thức và làm chủ được hành vi của mình nên không phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.

Căn cứ vào nội dung vụ việc thì Đỗ Quang T đã phạm tội giết người theo quy định tại Điều 123, Bộ luật Hình sự. Bởi lẽ, xét về hành vi khách quan, T đã dùng dao nhọn (là hung khí nguy hiểm) đâm vào ngực trái của Đinh Quốc V (đâm vào vùng nguy hiểm) khiến V bị thủng tim và tử vong. Nguyên nhân cái chết của V là do T gây ra, T nhận thức rõ hành động của mình tất yếu hoặc có thể gây ra cái chết của V nhưng vẫn làm. Hơn nữa, lúc ở trong nhà T thấy Trần Văn H kêu cứu khi bị V đánh, T chạy ra can ngăn nhưng lại mang theo dao bấm trong người thể hiện sự hung hãn, sẵn sàng tấn công lại nếu có ai đó xâm phạm đến.

Xét về ý thức chủ quan, T đã có hành vi tước đoạt tính mạng của V một cách cố ý. Ý thức của T biết rằng dùng dao đâm vào ngực trái của V sẽ dẫn đến hậu quả chết người xảy ra và việc V tử vong là do T gây ra có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Trong trường hợp này, T có thể chọn cách xử sự khác đúng quy định của pháp luật, được pháp luật bảo vệ, tuy nhiên T đã không làm như vậy. Trong lúc T ngã thì V chỉ xông tới dùng tay không định đánh T nhưng chưa kịp đánh, tính nguy hiểm của T trong trường hợp này không có gì đáng kể, nhưng T lại chọn cách xử sự côn đồ là dùng dao bấm trong người đâm vào ngực trái của V khiến V tử vong. Điều này đã thể hiện sự hung hãn, xem thường tính mạng người khác của T. Do đó, Đỗ Quang T phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo quy định tại khoản Điều 123, Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, cần xem xét đến hành vi có lỗi của bị hại đã dùng  gạch đập vào đầu T, nên xem đây là tình tiết giảm nhẹ.

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng luật sư Hùng Mạnh)