Nhặt được vé, chiếm đoạt xe đang trông giữ, phạm tội gì?

ANTD.VN - Nguyễn Văn D. (SN 1992) là công nhân ở khu công nghiệp. Buổi sáng 13-8 khi đến công ty để làm việc, D. tình cờ nhặt được chiếc vé gửi xe của công nhân bị rơi. D. đã nảy sinh ý định lợi dụng khi tan ca làm việc sẽ sử dụng vé xe này để lấy xe máy này...

Đến khoảng 17h cùng ngày, D. đem vé xe đã nhặt được trước đó đi đến nhà để xe của công ty. D. thấy 1 chiếc xe máy nhãn hiệu Dream còn mới, không khóa cổ, khóa càng, trên yên xe có ghi số vé xe bằng phấn trắng. D  lấy phấn trắng sửa lại số ghi trên yên xe cho trùng khớp với số trên vé xe đã nhặt được rồi dắt xe ra cổng. Cán bộ bảo vệ công ty kiểm tra thấy số ghi trên vé xe giống với số ghi ở yên xe nên cho D. dắt xe ra ngoài. Sau đó D. đem xe về nhà cất giấu. Chiếc xe máy trên là của anh Hoàng Văn P. là công nhân công ty, trị giá khoảng 30 triệu đồng. Anh P. sau khi phát hiện bị mất xe đã báo bảo vệ công ty. Qua kiểm tra hình ảnh camera quan sát, lực lượng bảo vệ phát hiện D. là người lấy chiếc xe máy nên đã trình báo cơ quan công an.

Vấn đề đặt ra trong tình huống này Nguyễn Văn D. đã phạm tội gì?

Nhặt được vé, chiếm đoạt xe đang trông giữ, phạm tội gì? ảnh 1Ảnh minh họa

Ý kiến bạn đọc

Phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản

Trong vụ việc này, Nguyễn Văn D. đã phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản theo Điều 137, Bộ luật Hình sự. Đặc điểm của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là người phạm tội ngang nhiên lấy tài sản trước mắt người quản lý tài sản mà họ không làm gì được. Người thực hiện hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản biết tài sản đó đang có người quản lý nhưng vẫn muốn tài sản đó thuộc về mình, họ cũng biết rằng chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản hành vi chiếm đoạt của họ nên thực hiện hành vi một cách công khai, không sử dụng bạo lực, đe dọa hay uy hiếp tinh thần của chủ tài sản. Trong vụ việc này có thể thấy, người bảo vệ chính là người quản lý tài sản là chiếc xe máy. Nguyễn Văn D. đã chiếm đoạt chiếc xe máy trước mặt người bảo vệ nên D. đã phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.

Nguyễn Thu Hà (Đan Phượng - Hà Nội)

Tội trộm cắp tài sản

Hành vi của Nguyễn Văn D. có dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản theo Điều 138, Bộ luật Hình sự. Đặc trưng của tội trộm cắp tài sản là hành vi lén lút, bí mật trốn tránh sự phát hiện của người quản lý tài sản để chiếm đoạt tài sản. Trong vụ việc này, Nguyễn Văn D. có hành vi lén lút với anh Hoàng Văn P. là chủ sở hữu chiếc xe máy khi thực hiện hành vi sửa số của vé ghi trên yên xe cho trùng khớp với số vé đã nhặt được. Từ đó D. đã chiếm đoạt được tài sản. Do đó, cần phải xử lý các đối tượng này về hành vi trộm cắp tài sản.

Phạm Văn Trung (Sầm Sơn - Thanh Hóa)

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Hành vi của Nguyễn Văn D. trong vụ việc này là phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139, Bộ luật Hình sự, bởi theo quy định của pháp luật, đặc trưng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là dùng thủ đoạn gian dối, đưa ra những thông tin sai sự thật để người chủ tài sản hoặc người quản lý hợp pháp về tài sản tin mà giao tài sản cho người phạm tội và chiếm đoạt tài sản đó. Khi anh Hoàng Văn P. gửi xe vào nhà để xe của công ty thì quyền quản lý chiếc xe đó thuộc về bảo vệ công ty. Hành vi của D. khi sửa số của vé ghi trên yên xe cho trùng khớp với số vé đã nhặt được là gian dối với bảo vệ công ty khiến cho bảo vệ tưởng rằng chiếc xe đó là của D. nên mới cho đi ra khỏi cổng. Từ đó, D. mới chiếm đoạt được tài sản. Do vậy các đối tượng này đã phạm tội lừa đảo.

Hoàng Văn Tuấn (Kim Sơn - Ninh Bình)

Bình luận của luật sư

Căn cứ vào nội dung của vụ việc, theo chúng tôi có cơ sở để khẳng định Nguyễn Văn D. đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139, Bộ luật Hình sự. Theo quy định của pháp luật, trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người phạm tội đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác. Cụ thể là người phạm tội đã đưa ra những thông tin không đúng sự thật làm cho chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản do nhầm tưởng mà tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu về tài sản hoặc chuyển giao quyền quản lý tài sản cho người phạm tội. Như vậy, thủ đoạn gian dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bao gồm 2 dấu hiệu:

- Thứ nhất, người phạm tội đã có hành vi gian dối như bằng lời nói, hành động hoặc những thủ đoạn khác nhằm cung cấp những thông tin sai lệch về sự việc (nói dối, trái sự thật, nói không thành có, nói ít thành nhiều, tẩy xóa con số để được nhiều hơn…). 

- Thứ hai, chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản đã nhầm tưởng, tin vào các thông tin không đúng sự thật đó nên đã tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền quản lý tài sản cho người phạm tội. Người phạm tội chỉ chiếm đoạt được tài sản khi dùng thủ đoạn gian dối và chỉ dùng thủ đoạn gian dối mới chiếm đoạt được tài sản. Trong tội lừa đảo, sau khi người phạm tội chiếm đoạt được tài sản một khoảng thời gian nhất định người quản lý tài sản mới phát hiện được là mình bị lừa đảo. 

Trong vụ việc này, sau khi nhặt được chiếc vé gửi xe, Nguyễn Văn D. đã dùng thủ đoạn lấy phấn trắng sửa lại số ghi trên yên xe cho trùng khớp với số trên vé xe đã nhặt được rồi đàng hoàng dắt xe ra cổng bảo vệ. Nếu cho rằng đây là thủ đoạn “lén lút” của Nguyễn Văn D. cũng không sai, bởi bản chất của hành vi gian dối là “bí mật” nếu không thì sẽ không ai bị lừa.

Điều này có thể gây nhầm lẫn sang tội trộm cắp tài sản, bởi đối với tội trộm cắp tài sản, người phạm tội có hành vi lén lút lấy tài sản của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản mà không dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực hoặc bất cứ một thủ đoạn nào nhằm uy hiếp tinh thần của người quản lý tài sản. Tuy nhiên, hành vi lén lút trong tội trộm cắp tài sản là lén lút đối với chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản và những người khác. Trong trường hợp này, nếu D. không dùng thủ đoạn lấy phấn trắng sửa lại số ghi trên yên xe cho trùng khớp với số trên vé xe đã nhặt được thì làm sao “qua mặt” được bảo vệ? Bằng thủ đoạn này, D. không chỉ qua mặt được bảo vệ mà còn “qua mặt” được những người xung quanh.

Hành vi lấy phấn trắng sửa lại số ghi trên yên xe cho trùng khớp với số trên vé xe đã nhặt được là nhằm lừa người quản lý tài sản (người bảo vệ). Ở đây, người quản lý tài sản đã tin nhầm là xe của D. nên mới cho dắt xe ra ngoài. Tuy không có việc giao nhận xe (tài sản) nhưng không phải trường hợp nào người bị lừa đảo cũng phải giao tài sản cho người phạm tội. Việc giao nhận ở đây là hình thức kiểm tra xem số trên vé xe có đúng với số đã ghi trên yên xe hay không chứ không nhất thiết người quản lý xe (bảo vệ) phải dắt xe giao cho D. Như vậy, theo chúng tôi hành vi và thủ đoạn của Nguyễn Văn D. thực hiện trong vụ việc này đã hội tụ đủ yếu tố cấu thành của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139, Bộ luật Hình sự.

Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản 

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng 

(Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)