Hành trình trốn thoát lao động khổ sai trong hầm vàng giữa rừng sâu của 2 phu vàng trẻ tuổi

ANTĐ - Trốn thoát khỏi địa ngục bãi vàng sau hơn 1 tháng lao động khổ sai tại đây, hai thiếu niên người dân tộc Mường được đưa về Trung tâm Công tác Xã hội thuộc Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam để lưu trú. Thế nhưng những cơn ác mộng kinh hoàng vẫn cứ ám ảnh hai người này. Và câu chuyện bị lừa đi lao động khổ sai, cũng như hành trình trở về của họ được kể lại với nỗi sợ hãi tột cùng.

Nỗi sợ hãi và sự hoảng loạn vẫn chưa nguôi đối với Hảo và Cường

Giấc mơ “màu… vàng” 

Đã có không biết bao nhiêu lời cảnh báo về các bãi vàng - nơi được coi là “địa ngục trần gian” thời hiện đại, nhưng dường như vì lòng tham, con người ta cố tình quên đi sự nguy hiểm, thậm chí là mất mạng để lặn lội tới đây vì một giấc mơ xa vời. Khi đã quay mặt đưa chân ném mình vào những bãi vàng thì ở đây, nhân phẩm, tính mạng của họ với thân phận kẻ làm thuê bị khinh rẻ, miệt thị. Trò chuyện với chúng tôi sau mấy ngày thoát khỏi bãi vàng, 2 phu vàng trẻ tuổi Phạm Văn Hảo (SN 1997) và Phạm Văn Cường (SN 1995), đều là người dân tộc Mường, cùng trú thôn Cao Xuân, xã Ngọc Khuê, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại tháng ngày khổ sai và cuộc vượt rừng sinh tử của mình. 

Phạm Văn Hảo kể lại, nhà Hảo và Cường đều rất nghèo, quanh năm trên mảnh đất đá sỏi gan gà quê nhà mà vẫn không đủ ăn đủ mặc, nên chuyện học hành trở thành giấc mơ xa vời. Không được tiếp tục đi học, lại đông anh em nên cả Hảo và Cường đều mong muốn được đi làm việc kiếm tiền phụ giúp gia đình. “Nhà cháu nghèo lắm, không có ruộng nương nên đói ăn. Tết vừa rồi nghe mấy đứa bạn cùng làng bảo có bác Ảnh về quê “tuyển” người đi làm công nhân khai thác vàng ở tận Phước Sơn, Quảng Nam lương cao lại được ăn no nên cháu tìm đến. Bác Ảnh nhận và lo chi phí vào bãi vàng xin việc”, Hảo kể lại. Trong suy nghĩ của mình, Hảo vẫn tưởng rằng đi làm vàng là công việc nhẹ nhàng, đơn giản nên không mấy đắn đo suy nghĩ. Hảo hồ hởi rủ thêm Cường đi. Đoàn đi hôm ấy không chỉ có Cường và Hảo, mà còn 36 người khác nữa cũng trạc tuổi Hảo. Trên đường đi, người đàn ông mà tất cả mọi người đều gọi là bác Ảnh lo ăn uống và tiền xe rồi còn hứa trả lương cao, làm vài năm là giàu. Nghe vậy, tụi trẻ đứa nào cùng khấp khởi mừng thầm.

Sau 1 ngày đêm, xe đưa cả đoàn vào đến Đà Nẵng. Sau đó, đổi sang xe khác và tiếp tục lên Phước Sơn. Ông Ảnh đưa cả đoàn lội bộ hơn 1 ngày vào bãi vàng Phước Thành (Phước Sơn, Quảng Nam) và bàn giao cho chủ bãi vàng. Trong trí nhớ của mình, Hảo và Cường kể về những tháng ngày khổ sai kinh hoàng nơi hầm vàng giữa rừng sâu xã Phước Thành, huyện Phước Sơn. “Bãi vàng ở xã Phước Thành bốn bề là núi rừng thăm thẳm, tất cả người trong đoàn được chủ bãi chia làm 2 ca làm việc dưới sự giám sát của một người đàn ông hung dữ. Cháu và Cường nhỏ nhất đoàn được phân công xuống hầm sâu đào quặng vì dễ chui. Làm việc gần 1 tháng nhưng chủ thường xuyên bỏ đói và không trả lương nên cả nhóm hơn 10 người cùng làng quyết bỏ trốn về thị trấn Khâm Đức (Phước Sơn)”, Hảo nhớ lại. Tưởng đoạn trường khổ sai đến đây sẽ kết thúc, nhưng do bỏ trốn nên Hảo và Cường đều sợ chủ bãi vàng bắt lại, muốn về quê nhưng trong tay không có tiền, không hành lý và giấy tờ vì chủ bãi đã giữ hết. Sau mấy ngày vạ vật xin ăn tại thị trấn Khâm Đức, Cường và Hảo cùng mấy người khác lại được một người đàn ông khác thu nhận và hứa hẹn sẽ tìm cho một công việc làm ăn tử tế, trả lương cao và sẽ không bị đối xử tệ bạc nữa. Đường cùng nên Hảo cùng những người khác đành chấp nhận, với hy vọng chỉ làm một thời gian để có đủ tiền xe về quê sẽ bỏ việc.

Người đàn ông đưa Hảo và Cường cùng 8 người khác đi hơn 1 ngày đường về bãi đào vàng Tam Lãnh, huyện Phú Ninh. Tưởng sẽ thoát khỏi cảnh lao động khổ sai nhưng Hảo và Cường cùng nhiều người khác lại tiếp tục thảm cảnh của những ngày trước. Nhóm thợ nhí này bị chủ hầm vàng bắt làm cả ngày lẫn đêm. Cường kể lại: “Để được 1 phân vàng cám mà nhiều anh em đã phải bỏ mạng tại mảnh đất độc địa này. Ăn uống không có chất tươi, làm việc lại quá nặng nhọc nên cháu thấy ai cũng gầy gò, rách rưới. Chủ vàng mỗi tháng mang lên gạo, mắm muối, cá khô, thuốc lá và thi thoảng là thịt tươi thôi, còn lại anh em tự lo hết. Ở đây cứ phải cắt cử nhau tự đi săn thú lấy thịt, nấu ăn. Mà chỉ những người ốm yếu mới được ở nhà, còn lại là ra suối, vào bãi, chui hầm hết. Ngày mưa hay nắng đều phải đi làm cả. Ai không đi làm là bị đánh đập dã man.

Thổ nhưỡng và không khí nhiều khi đã không hợp rồi. Có nhiều người lên, ăn uống theo kiểu núi rừng, nước thiêng khí độc lặm vào người, không bao lâu là đổ bệnh. Mà đổ bệnh trên những ngọn núi này thì chỉ có trông chờ vào may rủi mà thôi. Khiêng cho đến trạm xá thì cũng phải mất mấy ngày đường. Mà ai khiêng? Anh em cùng làm có thương lắm cũng động viên, cũng đút cho miếng cháo, ưu tiên phần cơm của mình chứ bảo khiêng xuống bệnh xá thì chịu thua, mà chủ bãi cũng chẳng cho đi đâu. Ban ngày thì nắng rát, tối đến lại bị muỗi tấn công và hầu như không có nước sạch. Tiền vàng chưa thấy đâu chỉ thấy bạc mặt vì đói khổ, bệnh tật. Hồi còn sức thì làm quần quật suốt ngày. Nhưng chỉ cần sau một trận ốm liệt giường là chẳng còn có thể làm được như cũ”. Trong nỗi nhớ của mình, cả Hảo và Cường đều không thể quên được chuỗi ngày ngắn ngủi mà kinh hoàng nơi bãi vàng của mình như thế. Không chịu nổi lao động khổ sai nên Hảo và Cường cùng 8 người trong nhóm bàn nhau tìm cách bỏ trốn.

Cuộc giải cứu phu vàng thiếu niên

Thế nhưng kế hoạch bỏ trốn lần đầu thất bại vì có một số người trong nhóm không dám đi vì sợ chủ vàng bắt được. Bởi trước đó một lần mọi người đã chứng kiến cảnh một phu vàng bỏ trốn bị bắt lại đã bị đánh đập tàn nhẫn. Sau khi thống nhất kế hoạch cùng nhiều người khác rằng ngay sau khi hết ca làm, cả nhóm sẽ bỏ chạy vào rừng để trốn thoát. Lúc bỏ chạy trong rừng, mỗi người chạy một hướng khác nhau để tránh cho chủ bãi vàng bắt được. Hảo và Cường chạy ngược lên phía núi, vừa chạy vừa sợ hãi mà không dám ngoái đầu nhìn lại. Cường nhớ lại: “Lúc ấy cháu và Hảo cứ cắm đầu chạy, chạy mãi đến cuồng cả chân mà không biết hướng nào nữa. Cứ vượt qua hết đoạn rừng này đến đoạn rừng khác, chỉ sợ chủ bãi vàng đuổi theo bắt lại được. Hảo chạy được mấy tiếng thì bị trượt chân ngã, nên cháu phải dìu Hảo chạy. Hai anh em cứ chạy mãi như thế, không có nước uống, không có gì ăn hết, đói, mệt không sợ, chỉ sợ bị chủ bắt lại thôi”. Sau hơn 2 ngày chạy trốn trong rừng sâu thuộc địa bàn Tiên Phước, đến tối ngày 28-3-2014, cả 2 anh em thấy ánh điện từ phía một nhà dân nên mừng lắm, biết là có người sẽ sống được nên lần mò tới. Lúc này Hảo đã đuối sức không đi nổi nữa, nhưng vào đến ngôi nhà trên thì mọi người đã đi vắng hết, hai anh em ra giếng múc nước uống rồi lại tiếp tục lần mò đi trong đêm tối để ra đến khu vực ngã ba xã Tiên Thọ. Tại đây, hai anh em đã đói lả nên bò vào nhà người dân xin ăn rồi xin ngủ nhờ qua đêm.

Thế nhưng đến sáng hôm sau, khi vừa ra đến đường thì cả hai hốt hoảng khi bị chủ bãi vàng bắt gặp. Hai anh em vừa cố tìm cách chạy thoát vừa cầu cứu người dân xung quanh. Thấy chuyện lạ, người dân đã báo cáo lên chính quyền địa phương và một cán bộ xã Tiên Thọ đã can thiệp rồi đưa cả 2 về nhà, đồng thời cấp báo lên chính quyền địa phương cùng công an xã. Lúc đó ông chủ bãi vàng mới bỏ đi sau mấy câu đe dọa. Sau khi được đưa về trụ sở UBND xã Tiên Thọ, hai anh em mới hoàn hồn kể lại mọi chuyện. Tại đây, hai anh em đã được chính quyền địa phương cung cấp lương thực, chỗ ngủ qua đêm và được bảo vệ để tránh sự truy lùng của chủ bãi vàng. Đến sáng ngày hôm sau, Cường và Hảo đã được Công an xã Tiên Thọ đưa xuống TP Tam Kỳ.

Sáng 1-4, có mặt tại Trung tâm Công tác Xã hội thuộc Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam, cả 2 em Cường và Hảo được các cán bộ của trung tâm chăm sóc đặc biệt. Chị Nguyễn Thị Lành, tư vấn tâm lý của Trung tâm cho biết: “Suốt mấy ngày qua chúng tôi đã chăm sóc đặc biệt và tư vấn tâm lý nên các em đã qua cơn hoảng loạn và cũng đã liên lạc với gia đình. Chờ các em bình phục sẽ tạo điều kiện đưa về nhà”. Liên quan đến 2 em Hảo và Cường bị đám cai bãi vàng hành hạ bắt lao động khổ sai, ông Nguyễn Thế Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác Xã hội trẻ em tỉnh Quảng Nam cho biết: “Ngày 29-3, Trung tâm đã tiếp nhận 2 em Hảo và Cường trong trạng thái lo sợ, tâm trí bất an, sức khỏe không được tốt. Qua mấy ngày được trung tâm chăm sóc, sức khỏe các em đã dần ổn định, tinh thần cũng ổn định được 70%. Trung tâm cũng đã liên lạc về gia đình ở quê cho 2 em nói chuyện với ba mẹ để mọi người yên tâm và đang cử người vào đón về”…

Vàng đâu chẳng thấy, lời hứa cuộc sống sung túc như các ông chủ nói cũng chẳng thấy đâu, cuộc sống nơi có giấc mơ vàng chỉ là những chiếc lán tạm bợ chìm khuất trong một không gian u uẩn của rừng già những ngày tháng lao động khổ sai. Không chỉ phá rừng, khoét suối, những bãi vàng chui như thế đang làm tan nát bao cuộc đời, nhất là các phu vàng đang ở độ tuổi thiếu niên. Tuổi thơ các em phải đánh đổi đồng tiền, sự lao động vất vả, độc hại giữa rừng hoang nước độc... Cuộc sống của những người như thế chỉ có thể bước ra khỏi nỗi u uẩn, xót xa khi những bãi vàng này được xóa sổ mà thôi.