Hành trình 45 lần hiến máu và lòng nhân ái của nữ nhân viên y tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lần đầu hiến máu năm 21 tuổi, đến nay chị Nghiêm Thị Hà (SN 1988), viên chức Phòng khám đa khoa Tri Thủy (Trung tâm y tế huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đã có 45 lần hiến máu, trong đó 27 lần toàn phần và 18 lần hiến tiểu cầu. Năm 2022, chị vinh dự được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt - việc tốt”.

Tấm lòng “một người vì mọi người”

Lần đầu tiên chị Hà tham gia hiến máu là vào năm 2008, khi còn là sinh viên trường Cao đẳng Y tế cộng đồng. Sau khi học tập trở về địa phương rồi công tác tại Trung tâm y tế huyện Phú Xuyên, mỗi năm chị hiến 1 đến 2 lần vào những dịp mà đoàn vận động hiến máu về tổ chức tại địa phương hoặc những đợt hiến máu do Công đoàn ngành y tế Hà Nội tổ chức. Nhưng có gì đó thôi thúc chị phải làm nhiều hơn thế. Thay vì phải ở nhà chờ đợi các đoàn về vận động thì chị đã quyết định tự lên Viện Huyết học truyền máu Trung ương định kỳ 3 tháng/lần. Đến khoảng tháng 10 năm 2020, chị Hà được các bác sĩ giới thiệu về hình thức hiến tiểu cầu. Nắm được tầm quan trọng cũng như nhu cầu truyền tiểu cầu rất cao, từ đó chị quyết định sẽ hiến tiểu cầu thường xuyên.

“Hãy làm những việc tốt khi chúng ta còn có thể”

“Hãy làm những việc tốt khi chúng ta còn có thể”

Nói về cơ duyên khiến mình “đam mê” việc hiến máu tình nguyện này, chị Hà cho biết: “Nhiều năm công tác trong ngành y, lại là một nữ hộ sinh, tôi chứng kiến không ít các ca cấp cứu đặc biệt, tai nạn giao thông, hay những sản phụ chửa ngoài tử cung bị vỡ mất máu nhiều, sản phụ băng huyết sau sinh… rất cần được truyền máu. Nhưng lúc đó các bệnh viện tuyến dưới không có đủ máu, phải đưa lên tuyến trên. Vì vậy tôi chỉ có một ý nghĩ nếu mọi người thường xuyên hiến máu thì sẽ có nguồn máu dồi dào để cứu người bệnh”.

Hiện nay, chưa có bất kỳ loại thuốc nào có thể thay thế được nguồn máu hiến tặng từ người khỏe mạnh. Đều đặn hàng tháng, tranh thủ dịp cuối tuần, chị Hà lại vượt 50km lên Bệnh viện Huyết học truyền máu Trung ương. Mỗi lần trước khi vào hiến đều được các bác sĩ lấy máu xét nghiệm và kiểm tra kỹ càng các chỉ số sức khỏe, nếu đảm bảo mới tiếp tục.

Không chỉ tích cực tham gia hiến máu nhân đạo, các hoạt động của cơ quan, năm 2020, chị Hà là người đầu tiên của huyện Phú Xuyên đăng ký hiến mô tạng cho y học

Không chỉ tích cực tham gia hiến máu nhân đạo, các hoạt động của cơ quan, năm 2020, chị Hà là người đầu tiên của huyện Phú Xuyên đăng ký hiến mô tạng cho y học

Cũng có một số lần do thức khuya khi tham gia trực chuyên môn, trực phòng chống dịch, do ăn uống không tốt nên huyết áp thấp, lượng tiểu cầu trong máu giảm, ăn nhiều đạm hay mỡ sẽ khiến huyết tương bị đục… đều không đủ điều kiện nên chị phải ra về. “Những lần đó tôi rất buồn và tự trách bản thân. Tôi hứa với mình sẽ cố gắng thay đổi thói quen sinh hoạt và ăn uống để đảm bảo sức khỏe, tiếp tục duy trì hiến máu cho người bệnh”. Tính đến nay chị Hà đã có tổng 45 lần hiến máu, trong đó có 27 lần là hiến máu toàn phần và 18 lần hiến tiểu cầu.

Mọi người thường gọi chị là “Hà đam mê hiến máu”. Chị bảo: “Quả đúng như vậy, mỗi người có một đam mê và niềm đam mê của tôi khá đặc biệt so với mọi người. Nhiều lần đến ngày đi hiến mà chưa đi được tôi rất sốt ruột. Để có đủ điều kiện hiến máu, tôi luôn tuân thủ nghiêm túc chế độ ăn uống và tập luyện. Hiến tiểu cầu có những quy định khắt khe hơn hiến máu như phải ăn uống đầy đủ, ngủ sớm, cân nặng đủ, xét nghiệm máu đảm bảo lượng tiểu cầu đủ thì mới được hiến”.

Dù liên tục hiến máu nhưng chị cho hay là cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh. Thậm chí trước đây chị thường xuyên bị ho, sổ mũi, zona… nhưng từ ngày thường xuyên hiến máu chị thấy cơ thể khỏe hơn, ít bị bệnh vặt. “Hiến máu là “sức ép” cho cơ thể sinh máu mới, nhất là hồng cầu để bù cho lượng hồng cầu đã hiến đi, qua đây kích thích tủy xương tăng sinh máu. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, hiến máu thường xuyên sẽ góp phần giảm ứ đọng sắt, giảm nguy cơ xuất hiện các cơn đột quỵ, tim mạch.

Tính đến nay chị Hà đã có tổng 45 lần hiến máu, trong đó có 27 lần là hiến máu toàn phần và 18 lần hiến tiểu cầu

Tính đến nay chị Hà đã có tổng 45 lần hiến máu, trong đó có 27 lần là hiến máu toàn phần và 18 lần hiến tiểu cầu

Ước tính mỗi lần hiến 450ml máu giúp đốt cháy khoảng 650 calo trong cơ thể và giảm lượng cholesterol trong máu. Hiến máu cũng đem lại cho người hiến cảm giác tự hào và hạnh phúc vì hành động của bạn có thể cứu giúp tính mạng của ai đó. Ngoài ra, người hiến máu còn được kiểm tra sơ bộ về sức khỏe, đo huyết áp, nhịp tim… và được xét nghiệm trước hiến máu. Với những lợi ích như vậy, tôi thường xuyên vận động bạn bè, đồng nghiệp tham gia hiến máu. Có lần tôi vận động được hơn 10 đồng nghiệp, bạn bè cùng đi hiến máu. Nhờ hiến máu bạn mới biết mình bị viêm gan B để có lộ trình điều trị phù hợp” - chị Hà nói.

Hãy làm những việc tốt khi chúng ta còn có thể

Trong thời gian cả nước phải gồng mình chiến đấu với đại dịch Covid-19, ngành y tế là đơn vị tuyến đầu vô cùng vất vả, chị Hà và đồng nghiệp khi đó phải làm khối lượng công việc lớn gấp nhiều lần so với khi chưa có dịch. Chị cũng được cơ quan cử đi cùng đoàn công tác của Hà Nội xuống hỗ trợ phòng chống dịch cho tỉnh Hà Nam. Trong 5 ngày làm việc khẩn trương (từ 24 đến 28-9-2021), vừa phải đảm bảo chống dịch cho bà con nhân dân, vừa phải đảm bảo an toàn cho tất cả các thành viên trong đoàn, chị và đoàn công tác đã xét nghiệm, tiêm phòng cho khoảng 15.000 lượt người.

Quay trở về và thực hiện nhiệm vụ trong Khu thu dung, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại huyện Phú Xuyên, mỗi ngày chị Hà và đồng nghiệp tiếp đón, hướng dẫn, theo dõi, chăm sóc, phát thuốc và lấy mẫu xét nghiệm cho hàng trăm bệnh nhân nhiễm Covid-19. Tết Nguyên đán 2022 cũng là cái Tết đầu tiên chị phải ăn Tết xa nhà, xa gia đình để cùng các đồng nghiệp chăm sóc bệnh nhân.

Không chỉ tích cực tham gia hiến máu nhân đạo, các hoạt động của cơ quan, năm 2020, chị Hà là người đầu tiên của huyện Phú Xuyên đăng ký hiến mô tạng cho y học sau khi qua đời tại Trung tâm Điều phối và ghép tạng quốc gia. Chị tâm sự: “Qua báo chí, tôi cũng được biết rất nhiều người suy tim, suy thận… cần được ghép tạng, nhưng lượng người hiến mô tạng tại Việt Nam vẫn còn rất ít. Trong khi đó một người khỏe mạnh hiến tạng có thể cứu được 6-8 người. Tôi cũng hy vọng các bộ phận trên cơ thể mình khỏe mạnh để có thể cứu được nhiều người. Tôi quan niệm chết không phải là hết, hãy làm cho cái chết của chúng ta trở nên ý nghĩa hơn khi tiếp nối sự sống cho nhiều người khác”.

Vừa qua, chị Nghiêm Thị Hà vinh dự được Chủ tịch UBND TP Hà Nội trao tặng danh hiệu “Người tốt việc tốt”. Nói về việc này, chị tự hào bảo: “Đây là phần thưởng lớn nhất của tôi từ trước đến nay. Mặc dù việc hiến máu và hiến tiểu cầu của tôi xuất phát từ tấm lòng và không hề mong muốn sẽ nhận lại gì, nhưng sự vinh danh này là nguồn động viên, khích lệ tôi làm nhiều việc tốt hơn nữa cho cộng đồng”. Chị Hà cũng muốn gửi đi một thông điệp đến tất cả mọi người: “Hãy làm những việc tốt khi chúng ta còn có thể”. Đặc biệt là các bạn đoàn viên thanh niên, hãy dùng hết sức trẻ để đóng góp nhiều hơn cho đất nước, làm nhiều việc tốt và cùng nhau tạo nên một cộng đồng thân thiện, giàu lòng nhân ái.