Hành lang chung cư bị chiếm dụng bừa bãi

ANTĐ - Hiện nay tại một số chung cư, đặc biệt là các khu tái định cư, việc chiếm dụng hành lang, lối đi chung để  làm nơi ăn uống, bán hàng, để đồ đạc… diễn ra khá phổ biến. Tình trạng này không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng đến công tác PCCC.

Hành lang chung cư bị chiếm dụng bừa bãi ảnh 1Cầu thang thoát hiểm tại khu tái định cư Nam Trung Yên trở thành nơi chứa đồ và phơi quần áo

Mạnh ai nấy dùng

Có mặt tại khu đô thị Đền Lừ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) sáng 3-12, phóng viên nhận thấy nhiều tòa nhà đã xuống cấp nghiêm trọng dù được đưa vào sử dụng chỉ khoảng 10 năm. Không chỉ có hệ thống thang máy thường xuyên trục trặc mà nhiều hạng mục khác như đèn chiếu sáng, đường cấp thoát nước… cũng khá xập xệ. Nhiều đoạn hành lang trong các khu nhà bong tróc nham nhở và ngày càng nhỏ hẹp do bị chiếm dụng bừa bãi. Một số gia đình còn biến nơi đây thành cửa hàng tạp hóa di động, kho chứa vật dụng, sân chơi thể thao, vườn cây cảnh, thậm chí là nơi… nuôi nhốt động vật.

Bên cạnh đó là những mẩu quảng cáo nhận giặt là, bán quần áo xuất khẩu, dạy học tại nhà xuất hiện đầy các bức tường dọc hành lang.Bà Lê Thị Vân - chủ một hộ dân sống tại đây cho biết, nhiều hộ bán hàng ăn đã tận dụng lối đi chung làm nơi để bàn ghế, bát đũa, bếp than tổ ong, trong khi các hộ khác thì kéo dây phơi quần áo, chứa đồ dùng sinh hoạt…

Thời gian đầu cũng có người tỏ ý phản đối, nhưng cũng chỉ như “ném đá ao bèo”. “Có gia đình còn đặt cả khung sắt có khóa ở hành lang rồi đem máy giặt, tủ đựng đồ, xe đạp, chậu hoa cây cảnh, thậm chí cả ghế sô pha ra kê để… tranh thủ nghỉ ngơi thư giãn khiến đường đi lối lại càng chật chội, trẻ nhỏ không còn chỗ vui đùa. Cứ đà này, chẳng mấy chốc khu vực hành lang sẽ bị biến thành sở hữu riêng, chẳng khác nào các khu tập thể cũ” - bà Vân lo lắng.

Không chỉ khu đô thị Đền Lừ mà tình trạng trên còn tái diễn ở một số tòa nhà thuộc khu tái định cư Nam Trung Yên, khu đô thị mới Bắc Linh Đàm… Tại khu tái định cư Nam Trung Yên, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi cầu thang thoát hiểm cũng được tận dụng làm nơi để giá phơi quần áo và… chứa chăn đệm. Ở các tòa B10A, B10B, B10C, hành lang nhiều tầng bị sử dụng vào mục đích riêng với la liệt giường ghế, bàn tủ, xe đạp, ô dù, thậm chí cả vật liệu xây dựng. Ngoài các vật dụng khá nặng, khó di chuyển, không ít đồ dễ cháy như thùng carton, túi nilon cũng được xếp bừa bãi tại khu vực này, thậm chí ngay cạnh nguồn nhiệt nên có thể xảy cháy bất kỳ lúc nào. 

Ông Hoàng Văn Hòa ở khu tái định cư Nam Trung Yên than phiền, lối đi chung trong các khu nhà còn thường xuyên được trưng dụng để tổ chức ăn uống, cỗ bàn. Đành rằng gia đình nào cũng có việc hiếu hỉ và việc mượn hành lang 1-2 ngày không ai có ý kiến gì, nhưng có những nhà mời bạn bè đến nhậu nhẹt, ăn uống thường xuyên khiến hàng xóm không chỉ cảm thấy rất bất tiện mà còn bị tra tấn bởi mùi thức ăn, tiếng hát hò nói cười ầm ĩ, rất mất trật tự…

Tăng nguy cơ xảy ra va chạm

Về lý do chiếm dụng hành lang để sử dụng vào mục đích riêng, hầu hết các hộ dân đều cho rằng, do diện tích nhà riêng chật chội trong khi đó hành lang khá rộng nên để không rất… lãng phí (?!). Bên cạnh đó, không ít gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn nên phải kiếm kế sinh nhai bằng cách bán hàng tạp hóa, hàng ăn tại chỗ để có thêm thu nhập. Tuy vậy, theo chúng tôi, lý do chính dẫn đến tình trạng này là sự thiếu trách nhiệm của đơn vị quản lý khiến các chung cư vốn đã xuống cấp ngày càng thêm nhếch nhác.

Về vấn đề trên ông Chử Văn Tráng - Phó Giám đốc Xí nghiệp quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị thừa nhận, việc chiếm dụng hành lang tại các khu chung cư diễn ra khá phổ biến. Hiện tượng này không chỉ khiến các tòa nhà nhanh xuống cấp mà còn cản trở công tác PCCC, gây mất an toàn cho người dân. Mặc dù, hàng tháng, hàng quý, xí nghiệp vẫn phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, nhắc nhở và lập biên bản đối với những trường hợp vi phạm, yêu cầu các hộ dân thu dọn đồ đạc song chỉ được một thời gian ngắn là đâu lại vào đó. Nguyên nhân là do ý thức người dân chưa cao, việc xử lý vi phạm gặp khó khăn do các gia đình bao che cho nhau nên chưa thể giải quyết triệt để.

Bộ Xây dựng đã có Thông tư về “Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư”, trong đó quy định việc quản lý, sử dụng nhà chung cư phải tuân thủ nội quy quản lý, sử dụng và quy định của pháp luật về nhà ở. Thông tư này cũng nghiêm cấm việc gây ồn ào, mất an ninh, trật tự, nói tục, chửi bậy, cãi nhau, sử dụng truyền thanh, truyền hình gây ồn quá mức, làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh của nhà chung cư và sinh hoạt của các chủ sở hữu. Ngoài ra, các hộ dân không được tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần diện tích hoặc các thiết bị thuộc sở hữu, sử dụng chung.

Có thể nói, việc chiếm dụng không gian chung sử dụng cho mục đích riêng thể hiện sự dễ dãi, thiếu tôn trọng người khác, coi thường quy định, làm tăng nguy cơ va chạm giữa những hộ dân trong khu nhà. Để lập lại an ninh trật tự, văn minh đô thị trong các khu chung cư, đề nghị cơ quan quản lý cần nhanh chóng kiểm tra tổng thể, có biện pháp xử lý vi phạm triệt để, tránh phát sinh những mâu thuẫn, khiếu kiện phức tạp.