Hành động trước khi quá muộn

ANTĐ - Thế giới cần thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế để bảo vệ hệ sinh thái trước khi trở nên quá muộn. Đó là thông điệp mà chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đưa ra khi kêu gọi thúc đẩy 6 ưu tiên hành động để bảo vệ các hệ sinh thái có tầm quan trọng sống còn đối với hơn 7 tỷ con người.

Thế giới đang xem trọng tăng trưởng kinh tế hơn là bảo vệ môi trường sống

Tăng dân số đi kèm với tăng trưởng kinh tế và tiến trình công nghiệp hóa đang ngày càng tàn phá môi trường sinh thái của trái đất. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cảnh báo hệ sinh thái thế giới vẫn bị đe dọa nghiêm trọng mặc dù Hội nghị cấp cao về Trái đất năm 1992 đã báo động các mô hình sản xuất và tiêu dùng không bền vững là mối đe dọa lớn nhất làm cho Trái đất mất khả năng đáp ứng nhu cầu sinh sống của con người. 

Theo số liệu trong báo cáo về các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thế giới của UNEP, thế giới đã tăng sử dụng từ 6 tỷ tấn tài nguyên thiên nhiên năm 1900 lên 49 tỷ tấn năm 2.000 và hiện tại là 59 tỷ tấn. Báo cáo ước tính thế giới sẽ tiêu thụ gấp ba lần lượng tài nguyên thiên nhiên so với mức tiêu thụ hiện nay vào năm 2050, thời điểm dân số thế giới được dự đoán sẽ đạt 9,3 tỷ người.

Điều nghiêm trọng là những công nghệ mới nhất để tận thu các nguồn tài nguyên sử dụng nhiều nguồn nguyên liệu thô hơn và phá hoại hệ sinh thái lớn hơn. Để sản xuất ra cùng một lượng đồng, ngày nay cần lượng quặng gấp 10 lần trước đây. 

Giới chuyên gia cho rằng, cộng đồng quốc tế đã không đảo ngược được xu thế hủy hoại hệ sinh thái và hiện đã có nguy cơ về sức tàn phá khủng khiếp của nền kinh tế toàn cầu đối với hệ sinh thái thế giới vượt quá khả năng hành động của nhân loại để cứu hành tinh cho các thế hệ tương lai. Các tổ chức môi trường cho rằng đã đến lúc nhân loại không nên chỉ thuần túy chạy theo tăng trưởng GDP mà còn phải chú trọng bảo vệ hệ sinh thái. 

Trong nỗ lực chung bảo vệ hệ sinh thái, UNEP ngày 6-4 đã kêu gọi thế giới thúc đẩy 6 ưu tiên hành động để bảo vệ các hệ sinh thái có tầm quan trọng sống còn đối với con người. Điều đầu tiên, theo UNEP, cần tăng cường khả năng của mỗi cá nhân, cộng đồng và quốc gia thích nghi với biến đổi khí hậu, xây dựng các xã hội ít khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nâng cao nguồn tri thức về khoa học khí hậu và nhận thức của công chúng về biến đổi khí hậu Trái đất. 

Bên cạnh đó, thế giới phải nỗ lực giảm tối thiểu các mối đe dọa môi trường; hỗ trợ các phản ứng cân bằng về quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên để đáp ứng các nhu cầu của con người và hệ sinh thái trong tương lai. Các nước phải thúc đẩy quá trình hoạch định chính sách trên cơ sở tri thức để tăng cường hợp tác môi trường khu vực và toàn cầu, trong đó chỉ riêng việc cải thiện cung cấp nước sạch và vệ sinh đã có thể được cứu sống 135 triệu người vào năm 2020. 

Thế giới cũng cần tăng cường quản lý các nguồn hóa chất độc hại, đảm bảo an toàn hóa chất và cung cấp cho các nước những thông tin về hóa chất độc hại. Cuối cùng, UNEP kêu gọi thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững thông qua các nỗ lực toàn cầu đảm bảo nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên được sản xuất, chế biến và tiêu dùng bền vững. Riêng khu vực xây dựng đã chiếm tới 1/3 tổng tiêu dùng tài nguyên thiên nhiên toàn cầu và thải ra 40% chất thải cứng trên thế giới.