Hàng ngoại "tấn công" chợ Tết

ANTD.VN - Tết Nguyên đán năm nay, Hà Nội thực hiện chương trình bình ổn thị trường không sử dụng ngân sách Nhà nước. 

Các doanh nghiệp trên địa bàn đã chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ lượng hàng hóa ước tính tăng 10-15% so với năm trước, với tổng trị giá khoảng 23.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại nhiều chợ truyền thống, siêu thị, các mặt hàng trái cây, bánh kẹo, hàng khô có nguồn gốc Trung Quốc hoặc không nhãn mác, xuất xứ đang lấn át, chèn ép hàng Việt.

Tại các cửa hàng trên các tuyến phố, trong hệ thống siêu thị, hàng sản xuất trong nước luôn bị lép vế và dồn vào các góc khuất. Trong khi đó, giá nhiều sản phẩm nhập từ Thái Lan như bánh kẹo, nước ngọt, hạt điều... cao hơn hàng Việt nhưng vẫn được nhiều người chọn mua. Còn tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống, hàng ngày, hàng chục xe tải nườm nượp “đánh” hàng khô từ Trung Quốc như măng, mộc nhĩ, nấm hương, hành, tỏi... 

Tình trạng hàng ngoại lấn sân, giành giật thị phần hàng nội trong dịp Tết cũng như ngày thường không còn là hiện tượng mới lạ, nhất là sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN hình thành. Theo số liệu thống kê, hàng hóa Việt Nam xuất sang các nước giảm 9,6%, nhưng  nhập khẩu lại tăng tới 40% so với năm trước.

Đơn cử, hàng Thái Lan từ trái cây đến hàng tiêu dùng đang tràn vào thị trường Việt Nam, chứng tỏ sự yếu thế của sản phẩm hàng hóa Việt. Đặc biệt, khi người Thái mua lại hệ thống siêu thị và dùng “độc chiêu” hạn chế hàng Việt Nam vào siêu thị như giảm tỷ lệ, đòi hỏi chất lượng khắt khe thì các doanh nghiệp trong nước càng khó lọt qua cửa hẹp. Giới chuyên gia đã chỉ ra, yếu kém khiến sản phẩm “Made in Vietnam” chưa đủ sức cạnh tranh cả về mẫu mã, chất lượng và giá cả. 

Trước thực trạng này, một số doanh nghiệp, công ty như Vinmart, FPT, Trường Hải đã bắt tay với hàng trăm cơ sở sản xuất, hợp tác xã... đưa một số loại trái cây, rau củ và gạo hữu cơ ra thị trường Tết Nguyên đán năm nay. Đó là những sản phẩm thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp, không sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật…

Rõ ràng, lối thoát cho hàng Việt không phải quá khó, điều đó tùy thuộc vào sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người sản xuất; đồng thời bản thân người tiêu dùng cũng phải dần đoạn tuyệt tâm lý và thói quen sính hàng ngoại đeo bám dai dẳng.