Hàng loạt chính sách quan trọng chính thức được áp dụng từ tháng 3-2024

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tăng giá trần vé máy bay nội địa, áp dụng chuẩn mới với cơ sở giáo dục đại học…cùng nhiều những quy định mới nổi bật sẽ có hiệu lực từ tháng 3-2024.

Thông tư 34/2023/TT-BGTVT về sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 17/2019/TT-BGTVT ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa có hiệu lực từ 1-3.

Theo đó, khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản đã được sửa đổi. Cụ thể, nhóm đường bay có khoảng cách dưới 500km có giá vé tối đa không đổi là 1.6 triệu đồng cho nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1.7 triệu đồng cho nhóm đường bay khác.

Đối với các đường bay có khoảng cách từ 500-dưới 850km có giá vé tối đa là 2.250.000 đồng (giá cũ là 2.200.000 đồng); giá vé tối đa của nhóm đường bay có khoảng cách từ 850km đến dưới 1.000km là 2.890.000 đồng (cũ là 2.790.000 đồng); đối với đường bay từ 1.000km đến dưới 1.280km có giá vé tối đa là 3.400.000 đồng (giá cũ là 3.200.000 đồng) và đối với đường bay từ 1.280km trở lên có giá tối đa là 4.000.000 đồng (giá cũ là 3.750.000 đồng).

Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học với các yêu cầu tối thiểu về điều kiện bảo đảm chất lượng và chỉ số hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học.

Theo đó, từ 22-3, chuẩn cơ sở giáo dục đại học sẽ bao gồm 6 tiêu chuẩn với 20 tiêu chí. Cụ thể, tiêu chuẩn về tổ chức và quản trị, tiêu chuẩn về giảng viên (có 3 tiêu chí về tỉ lệ giảng viên cơ hữu, giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ...), tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, tiêu chuẩn về tài chính, tiêu chuẩn về tuyển sinh và đào tạo, tiêu chuẩn về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

Trong đó có các nội dung đáng chú ý như: các vị trí lãnh đạo chủ chốt (chủ tịch hội đồng trường/hội đồng đại học và hiệu trưởng/giám đốc cơ sở giáo dục đại học) phải được kiện toàn kịp thời, thời gian khuyết đồng thời 2 vị trí không quá 6 tháng. Tỉ lệ giảng viên cơ hữu trong độ tuổi lao động trên giảng viên toàn thời gian không thấp hơn 70%.

Về tuyển sinh và đào tạo, tỉ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy, tỉ lệ người tốt nghiệp hài lòng tổng thể về quá trình học tập và trải nghiệm không thấp hơn 70%.

Nghị định 03/2024/NĐ-CP quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có hiệu lực từ 1-3. Nghị định này được ban hành nhằm quy định chi tiết một số điều khoản của Luật Thanh tra năm 2022, như: Thanh tra Tổng cục, Cục được thành lập tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ; thanh tra sở; cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành...

Thông tư 10/2024/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản và lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản.

Theo đó, từ 21-3, mức thu lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản đối với hoạt động thăm dò: Diện tích thăm dò nhỏ hơn 100 ha, mức thu là 4 triệu đồng/1 giấy phép. Diện tích thăm dò từ 100 ha đến 50.000 ha, mức thu là 10 triệu đồng/1 giấy phép. Diện tích thăm dò trên 50.000 ha, mức thu là 15 triệu đồng/1 giấy phép.

Mức thu lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản đối với hoạt động khai thác: Giấy phép khai thác cát, sỏi lòng suối: có công suất khai thác dưới 5.000 m3/năm: 1 triệu đồng/giấy phép; công suất khai thác từ 5.000-10.000 m3/năm: 10 triệu đồng/giấy phép; công suất khai thác trên 10.000 m3/năm: 15 triệu đồng/giấy phép.

Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có diện tích dưới 10 ha và công suất khai thác dưới 100.000 m3/năm: 15 triệu đồng/giấy phép; giấy phép khai thác khoáng sản quý hiếm: 80 triệu đồng/giấy phép; giấy phép khai thác khoáng sản đặc biệt và độc hại: 100 triệu đồng/giấy phép.