Mở cửa bầu trời khối ASEAN và Trung Quốc:

Hàng không Việt Nam đứng trước cơ hội lớn

ANTD.VN - Theo đánh giá của nhà chức trách hàng không, hội nhập là một xu thế bắt buộc, tự do hóa hàng không là tất yếu và mang tính sống còn. Các hãng hàng không Việt Nam hiện đã có “màu cờ sắc áo” trên thị trường hàng không ASEAN nên cơ hội trước việc “mở cửa bầu trời” lớn hơn thách thức.

Thị trường hàng không Việt được đánh giá là năng động trong khu vực ASEAN 

Tăng trưởng hàng không ASEAN đạt 270%

Vừa qua, tại Hà Nội, Nghị định thư thực hiện Gói cam kết thứ 11 về dịch vụ vận tải hàng không (theo Hiệp định khung ASEAN) và Nghị định thư số 3 về mở rộng quyền vận chuyển thứ 5 (thuộc Hiệp định vận tải hàng không ASEAN - Trung Quốc) đã được các bên ký kết. Ông Lưu Văn Đoan - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế (Cục Hàng không Việt Nam) cho biết, giai đoạn 2010 - 2018, lưu lượng hành khách hàng không nội khối ASEAN tăng trưởng với tốc độ trung bình là 9%/năm. Đến nay đã có hơn 40 hãng hàng không được các quốc gia thành viên ASEAN chỉ định khai thác vận tải trong nội vùng ASEAN trên cơ sở các hiệp định đa bên đã được ký kết. 

Đối với hàng không trong nước, giai đoạn từ năm 2015 đến nay đã tăng thêm gần 10 cặp đường bay giữa Việt Nam và ASEAN, đạt tổng số hơn 30 đường bay giữa Việt Nam và ASEAN. “Các thỏa thuận chung về xây dựng và khai thác thị trường hàng không ASEAN thống nhất, tự do, trong thời gian qua đã kích thích sự gia tăng kết nối trong ASEAN, chi phí đi lại thấp hơn. Với sự xuất hiện của các hãng hàng không mới, các quốc gia thành viên ASEAN có ngành hàng không đang trên đà phát triển như Campuchia, Lào và Myanmar cũng được hưởng lợi. Mức tăng trưởng lưu lượng vận chuyển hàng không trong khối đạt mức trung bình 270%” - ông Đoan nói.

Thương quyền 5: Quyền nhận hành khách, hàng hoá, thư tín từ nước thứ 2 để chở đến nước thứ 3 và quyền nhận hành khách, hàng hoá, thư tín từ nước thứ 3 để chở đến nước thứ 2.

Còn ông Lê Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GTVT) thông tin, hàng không là lĩnh vực được đặc biệt chú trọng trong hợp tác GTVT các nước ASEAN, giữa ASEAN với các nước là đối tác của khu vực trong thời gian qua. Đây được xem là lĩnh vực hợp tác vận tải xương sống, là nhân tố quan trọng trong thúc đẩy giao thương, du lịch, phát triển kinh tế và kết nối con người. Các nước ASEAN, kể cả các nước đối tác, luôn tìm kiếm các cơ hội thúc đẩy hợp tác hàng không, hướng tới mục tiêu “bầu trời mở” ASEAN.

Từ năm 2007, ASEAN đã thông qua sáng kiến thành lập một thị trường hàng không thống nhất vào năm 2015 nhằm hỗ trợ cho việc phát triển cộng đồng kinh tế khu vực. Năm 2011, các Bộ trưởng GTVT ASEAN đã thông qua khung thực hiện thị trường hàng không thống nhất ASEAN. Mục tiêu là tạo ra một thị trường vận tải hàng không mở cửa quyền tiếp cận thị trường, hướng tới một môi trường kinh doanh cạnh tranh và linh hoạt.

“Việc mở cửa bầu trời ASEAN đối với các hãng hàng không trong khu vực sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh, khả năng lựa chọn lớn hơn về thị trường, nguồn khách. Tạo ra các loại hình hợp tác giữa các hãng hàng không trong khu vực, tăng năng lực phục vụ, mở rộng mạng đường bay, giúp cho người tiêu dùng có cơ hội sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng không nhiều hơn” - ông Tuấn Anh khẳng định.

Trung Quốc là thị trường hàng không lớn

Cũng theo ông Tuấn Anh, việc “mở cửa bầu trời” ASEAN sẽ khiến cạnh tranh khốc liệt hơn, nhưng cũng là điều kiện để các hãng hàng không Việt Nam tự khẳng định mình và phát triển. Các hãng của Việt Nam buộc phải nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá thành, phát triển đội tàu bay hiện đại, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, đảm bảo tốt an ninh, an toàn cho hoạt động khai thác.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện có hơn 40 hãng hàng không ASEAN được chỉ định khai thác các điểm, đường bay tại 10 quốc gia thành viên. Trong đó, các hãng bay Việt Nam được đánh giá là hội nhập nhanh, hiệu quả. Bộ GTVT đặt mục tiêu đến năm 2020, vận tải hàng không trở thành loại hình giao thông phổ biến, có vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đứng thứ 5 trong ASEAN. Thông tin thêm về việc này, ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho hay, với việc ký Gói cam kết số 3 tại Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN lần thứ 25 thì Trung Quốc có quyền bay tới 18 điểm của ASEAN. Các nước ASEAN có quyền bay tới 36 điểm của Trung Quốc. Đây là một cố gắng rất lớn của cả 2 bên để mở rộng thị trường.

Trên thực tế, Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất với các nước ASEAN bởi ASEAN đang có lượng chuyến bay khổng lồ đến Trung Quốc. Bản thân Việt Nam cũng có hàng trăm chuyến bay đến Trung Quốc mỗi ngày. Việc ký  gói cam kết sẽ tạo điều kiện rất lớn cho các hãng hàng không ASEAN bay đến Trung Quốc rồi từ đó bay tiếp đến nước thứ 3, thứ 4.

Tuy vậy, ông Thắng cũng thừa nhận, việc mở rộng thị trường cũng dẫn đến thách thức, cạnh tranh, bởi hiện có nhiều hãng đang đặt vấn đề muốn khai thác đường bay tới Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng hay Cam Ranh… “Nhưng tôi nghĩ rằng các hãng hàng không của chúng ta sẽ có cơ hội nhiều hơn vì thị trường Việt Nam rất năng động. Các doanh nghiệp cũng mạnh, sức cạnh tranh của Vietjet, Vietnam Airlines… trong khu vực cũng không hề nhỏ, thậm chí chúng ta còn có “màu cờ sắc áo” trong khu vực” - ông Thắng bày tỏ.

Nói về cơ hội, thách thức khi Việt Nam mở cửa với ASEAN và Trung Quốc, ông Đặng Ngọc Hòa - Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho hay: “Hiện Vietnam Airlines đã bay đến 12 điểm thường lệ và 20 điểm thuê chuyến của Trung Quốc. Khi Gói cam kết số 3 được ký kết sẽ rất thuận lợi cho Vietnam Airlines đẩy mạnh quảng bá thương hiệu của Hàng không quốc gia Việt Nam, vì Trung Quốc là một trong những thị trường trọng điểm của hãng” - ông Hòa thông tin.

Bình luận về các thương quyền mà khối ASEAN mở cho Trung Quốc, ông Hòa đánh giá, ít nhiều việc này sẽ có ảnh hưởng đến các hãng hàng không Việt Nam. Tuy vậy, những    tác động đó sẽ không nhiều và Vietnam Airlines sẽ hợp tác với các hãng hàng không trong khu vực để làm tốt hơn. 

Còn ông Phạm Nguyên Tùng - Giám đốc phát triển kinh doanh của Vietjet Air nêu quan điểm: “Vietjet là hãng hàng không ra đời sau nên cơ sở bảo dưỡng kỹ thuật tàu bay trong nước đang rất hạn chế. Vì vậy chúng tôi rất vui mừng đón nhận kết quả của Nghị định thư số 11 về việc mở rộng việc tự do hóa các dịch vụ  cung cấp cho kỹ thuật tàu bay. Từ trước đến nay, Vietjet đã hợp tác chặt chẽ với Thái Lan, Singapore, Malaysia trong lĩnh vực này. Tôi tin rằng sau này chúng tôi sẽ đạt được những thuận lợi hơn nữa trong việc bảo dưỡng đội tàu bay ngày càng lớn mạnh của mình”.

Bên cạnh đó, đại diện Vietjet Air cũng cho rằng, hãng cũng xác định Trung Quốc là thị trường hàng không lớn và có tính chiến lược. Dự báo trong vài năm tới, Trung Quốc sẽ là thị trường hàng không lớn nhất thế giới với sản lượng khoảng 1 tỷ hành khách/năm. Vietjet đã bay đến Trung Quốc được 5 năm và đạt được những kết quả ấn tượng.