Hàng giả, hàng nhái: Nhiều biện pháp hữu hiệu, mới mong triệt tận gốc

ANTĐ - Tại cuộc tọa đàm xây dựng và bảo vệ thương hiệu, đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ ngày 20-6, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam đã chỉ rõ danh mục 30 loại ngành hàng bị làm giả nghiêm trọng. Trong số này, các loại  mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ điện tử, điện lạnh... thường  bị làm giả, làm nhái, thậm chí đến “tem chống hàng giả” cũng bị... làm giả.
Hàng giả, hàng nhái:  Nhiều biện pháp hữu hiệu, mới mong triệt tận gốc  ảnh 1

CATP Hà Nội phát hiện một xưởng sản xuất và kho chứa kho hàng hóa là các sản phẩm túi xách, ví da nghi giả thương hiệu nổi tiếng như “Dior”, “Hermes”, “Louis Vuitton” tại Phú Xuyên tháng 5-2015

Xử nghiêm cán bộ nào tiếp tay, dung túng 

Tại cuộc tọa đàm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là hành vi tội ác, vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng. Phó Thủ tướng cũng nêu lên một thực tế hiện nay là một số doanh nghiệp trong nước chưa quan tâm đúng mức đến thương hiệu của mình. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng cơ quan chức năng vào cuộc chưa quyết liệt, thậm chí có lực lượng bao che, tiếp tay cho hàng giả, hàng lậu.

Hàng giả, hàng nhái:  Nhiều biện pháp hữu hiệu, mới mong triệt tận gốc  ảnh 2

Hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng được bán với giá rẻ mang lại nguồn thu nhập bất chính không nhỏ

Có một thực trạng đáng lưu tâm là các lực lượng chức năng đã phát hiện trong hơn một năm qua trên 30.500 vụ hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ, nhưng những vụ đã đưa ra khởi tố lại rất ít. Cụ thể, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan tại cuộc tọa đàm, trong 5 tháng đầu năm 2015, lực lượng chức năng đã phát hiện 8.800 vụ hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ, tuy nhiên trong số này mới chỉ có 25 vụ được khởi tố.

Ông Trịnh Văn Ngọc - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng, trong khi phương thức thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả diễn biến ngày càng phức tạp thì lực lượng thực thi còn yếu về nguồn lực, cơ chế thực thi chưa được hoàn thiện dẫn đến việc kiểm tra, kiểm soát phát hiện và xử lý vi phạm chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Bên cạnh đó, công tác phối hợp liên ngành vẫn chưa tương xứng với vai trò, trách nhiệm và tiềm năng của mỗi bên, ảnh hưởng đến hiệu quả đấu tranh.

Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, điều tra những vụ vận chuyển, buôn bán hàng giả, đặc biệt là những mặt hàng liên quan trực tiếp đến sức khỏe của nhân dân như thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh; xử lý nghiêm những cán bộ tiếp tay, dung túng buôn bán hàng giả, hàng lậu, đồng thời tập trung triệt phá tận gốc các đường dây, ổ nhóm  sản xuất hàng giả trên cả nước.

Đâu là biện pháp hữu hiệu? 

 Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam, ông Lê Thế Bảo nhấn mạnh một biện pháp tiêu dùng thông minh để đảm bảo quyền lợi là: người tiêu dùng nên tìm hiểu rõ thông tin và nguồn gốc trước khi mua sản phẩm, kiên quyết từ chối không mua hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. 

Người tiêu dùng cần được bảo vệ quyền lợi trước nạn hàng giả là một lẽ, nhưng ngay cả các doanh nghiệp thì việc lựa chọn biện pháp xử trí trước hàng giả, hàng nhái cũng là một yêu cầu cấp thiết. Theo đó, doanh nghiệp cần thể hiện rõ hơn vai trò, trách nhiệm trong việc bảo vệ thương hiệu, quyền lợi chính đáng đối với mỗi sản phẩm của chính mình. 

Trước thực trạng tôn giả, tôn nhái, tôn kém chất lượng đang vô cùng nhức nhối, ông Vũ Văn Thanh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen - một trong những tên tuổi lớn ở thị trường tôn, thép trong nước cho rằng, doanh nghiệp phải có biện pháp tự bảo vệ mình bằng cách minh bạch các thông tin về tiêu chuẩn, chất lượng, sản phẩm, kênh phân phối, giá bán..., đồng thời đẩy mạnh quảng cáo tới người tiêu dùng. 

Còn theo ông Trần Minh Loan - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Dầu khí An Pha: Xây dựng và bảo vệ thương hiệu chính là xây dựng và bảo vệ doanh nghiệp. Để có thể tự bảo vệ mình tốt nhất, bản thân doanh nghiệp phải xây dựng hệ thống phân phối và thay đổi cách bán hàng. Theo ông Trần Minh Loan, nếu hệ thống phân phối nhiều tầng lớp thì sẽ mất tập trung, khó kiểm soát. Cách bán hàng tốt nhất, theo ông Loan, là phải hướng đến người tiêu dùng. 

Bên cạnh nỗ lực tự cứu mình, các doanh nghiệp đều cho rằng phải coi nạn hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ là kẻ thù của nền kinh tế; đồng thời cần có sự chung tay góp sức tạo thành một khối liên minh vững chắc giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp chân chính, các cơ quan truyền thông và người tiêu dùng. 

Khẳng định cuộc đấu tranh với tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ là công việc không chỉ của riêng một tổ chức, cá nhân mà là việc của toàn xã hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các doanh nghiệp, người tiêu dùng khi nhận thấy dấu hiệu không bình thường về sản phầm thì thông tin nhanh chóng tới cơ quan quản lý thị trường, báo chí để kịp thời đấu tranh, xử lý và coi đây là biện pháp hữu hiệu trong đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.