Hàng chục nghìn lao động tại các doanh nghiệp phá sản được giải quyết lương hưu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết trong số 206.468 lao động tại các đơn vị đã phá sản, đơn vị đang làm thủ tục giải thể, đơn vị ngừng hoạt động, đơn vị chủ bỏ trốn, đến nay 30.241 người lao động đã được cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết các chế độ hưu trí, tử tuất, bảo hiểm xã hội một lần.

Tiền chậm nộp mang tính chất "luân phiên"

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tình trạng chậm đóng, trốn đóng diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương, nhất là từ năm 2020 đến nay. Thời gian qua, với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các địa phương cũng đã cố gắng đẩy mạnh các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội và có được những cải thiện. Tỷ lệ chậm đóng so với số phải thu của năm 2020 chiếm 4,4%, đến năm 2021 giảm xuống còn 3,64%, năm 2022 con số này là 2,9% trên tổng số phải thu. Tuy vậy, số chậm đóng vẫn chiếm từ 3 - 5% tổng số phải thu và việc doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Quyền lợi của người lao động được giải quyết theo nguyên tắc thu đến đâu ghi nhận đến đó

Quyền lợi của người lao động được giải quyết theo nguyên tắc thu đến đâu ghi nhận đến đó

Về phía cơ quan thực hiện chính sách, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho hay, nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho người tham gia bảo hiểm xã hội, trong thời gian qua, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn nỗ lực kiểm soát, đôn đốc, thu hồi số tiền chậm đóng và đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến ngày 31-12-2022, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chỉ chiếm 2,91% số phải thu. Đây là tỉ lệ số tiền chậm đóng/số phải thu thấp nhất từ năm 2016 (6%) trở lại đây. Đánh giá về tình hình thu bảo hiểm xã hội, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến tình hình phục hồi sản xuất, kinh doanh trong nước, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, làm suy giảm khả năng thanh toán và mất cân đối dòng tiền dẫn đến chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trong đó chủ yếu tiền chậm nộp mang tính chất “luân phiên”.

Đóng đến đâu, hưởng đến đó

Cũng theo thống kê của ngành Bảo hiểm xã hội, hiện cả nước có khoảng 2,79 triệu lao động đang bị doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội từ 1 tháng trở lên, trong đó hơn 200.000 người bị treo quyền lợi do doanh nghiệp đã phá sản, giải thể hoặc có chủ bỏ trốn. Với việc bảo vệ quyền lợi của người đóng bảo hiểm, nhiều ý kiến cho rằng, do hàng tháng người lao động bị doanh nghiệp trừ lương để đóng bảo hiểm xã hội, bị “treo” trợ cấp ốm đau, thai sản khi doanh nghiệp nợ tiền đóng và nay không được tính thời gian bị nợ là thiệt thòi. Để công bằng, cơ quan bảo hiểm phải giải quyết tất cả quyền lợi cho lao động từ lúc phát sinh. Nguồn kinh phí có thể trích từ các khoản đầu tư sinh lời của quỹ bảo hiểm xã hội.

Thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã cùng các đơn vị liên quan đã bàn hướng xử lý các nhóm lao động trong doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội. Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản hướng dẫn Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải quyết quyền lợi cho người lao động bị nợ đóng với nguyên tắc thu đến đâu ghi nhận đến đó. Bước đầu, ngành Bảo hiểm xã hội đã giải quyết quyền lợi cho người lao động ở các đơn vị doanh nghiệp đã phá sản, các doanh nghiệp đang làm thủ tục phá sản, các doanh nghiệp ngừng hoạt động và các doanh nghiệp không có người đại diện theo pháp luật. Theo đó, những người đủ thời gian thực đóng 20 năm, đủ tuổi nghỉ hưu sẽ được giải quyết chế độ hưu trí.

Thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã cùng các đơn vị liên quan đã bàn hướng xử lý các nhóm lao động trong doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội. Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản hướng dẫn Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải quyết quyền lợi cho người lao động bị nợ đóng với nguyên tắc thu đến đâu ghi nhận đến đó. Bước đầu, ngành Bảo hiểm xã hội đã giải quyết quyền lợi cho người lao động ở các đơn vị doanh nghiệp đã phá sản, các doanh nghiệp đang làm thủ tục phá sản, các doanh nghiệp ngừng hoạt động và các doanh nghiệp không có người đại diện theo pháp luật. Theo đó, những người đủ thời gian thực đóng 20 năm, đủ tuổi nghỉ hưu sẽ được giải quyết chế độ hưu trí.

Cập nhật tiến độ giải quyết chế độ cho người lao động, ông Dương Văn Hào - Trưởng ban Quản lý thu, sổ, thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho hay, sau khi bóc tách số liệu lao động bị “treo” quyền lợi do doanh nghiệp phá sản, doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, thực tế chỉ còn 125.000 người chưa được giải quyết chính sách. Đến nay, cơ quan bảo hiểm xã hội đã giải quyết chế độ cho 30.241 người lao động, gồm hưu trí, tử tuất, bảo hiểm xã hội một lần; 34.575 người được xác nhận quá trình đóng đang bảo lưu; 77.627 lao động được xác nhận quá trình đóng và tiếp tục tham gia tại đơn vị mới. Số còn lại nếu đủ điều kiện hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội thì cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tiếp tục giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động theo quy định. Việc giải quyết các chế độ còn lại như bảo hiểm xã hội một lần, ốm đau, thai sản, tử tuất thực hiện theo nguyên tắc đóng đến đâu ghi nhận đến đó, không cộng thời gian bị nợ bảo hiểm xã hội. Nếu sau này có nguồn tài chính đóng bù cho thời gian nợ thì cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ điều chỉnh mức hưởng.

Có chế tài mạnh mẽ để hạn chế việc trốn đóng

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại các đơn vị không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động mà còn sẽ tác động đến công tác an sinh xã hội tại các địa phương. Nhằm tiếp tục tăng cường công tác thu, thu hồi số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại các đơn vị, bên cạnh sự nỗ lực, quyết liệt của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm chấp hành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đúng quy định của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, để hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, về lâu dài, cần sửa Luật Bảo hiểm xã hội. Dự kiến, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi sẽ dành một chương quy định về quản lý thu và đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có các biện pháp cũng như các chế tài về hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội. Trong dự thảo dự kiến bổ sung một số các quy định. Ví dụ làm rõ khái niệm về trốn đóng bảo hiểm xã hội để đồng bộ, thống nhất với quy định ở trong Bộ luật Hình sự về hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội. Cũng có quy định về việc sau khi xử lý các biện pháp về mặt hành chính mà các đơn vị, doanh nghiệp vẫn trốn đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên thì sẽ ngừng sử dụng hóa đơn hay hoãn xuất nhập cảnh đối với các trường hợp mà doanh nghiệp nợ dài từ 12 tháng trở lên.

Ngoài ra, trong dự thảo cũng đang dự kiến bổ sung thẩm quyền là cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm cũng như thẩm quyền khởi kiện các doanh nghiệp ra tòa. Theo kế hoạch, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10-2023.