Hàn Quốc tuyên chiến với nạn say xỉn

ANTĐ - Ở một đất nước mà uống rượu được xem là “thước đo” trong tình bạn, sẽ làm việc tốt hơn, nên những người say xỉn gây rối, phạm tội là “chuyện thường ngày”. Trước tình trạng ngày càng gia tăng các trường hợp bạo lực do say rượu gây ra, người đứng đầu chính quyền đã kêu gọi siết chặt hình phạt đối với tội phạm gây ra do rượu.

Những thanh  niên say rượu vật vạ trên đuờng phố Seoul 

Chuyện cơm bữa

Cuối tháng 12 vừa qua, một lái xe taxi 51 tuổi nhận được lệnh tới đón khách ở phía nam Thủ đô Seoul. Khi ông tới nơi, có hai cô gái lên xe và bảo ông chở tới Jamshil. Hai cô gái này lên xe trong tình trạng đã ngà ngà say. Được một đoạn, hai cô gái gần như nằm ra ghế, chân gác lên tay nắm cửa. Người lái xe nhắc nhở khách về an toàn nhưng hai cô gái đã lập tức phản ứng lại. Họ chồm người lên phía ghế lái liên tục đánh, đấm người lái xe khiến ông ta không kịp phản ứng.

Sau khi xảy ra sự việc, người lái xe gọi điện báo cảnh sát. Nhà chức trách cho hay, hai cô gái này là một cặp diễn viên sinh đôi. Thông tin này đã khiến cộng đồng mạng rất quan tâm. Nhiều người nghi ngờ rằng đó là cặp chị em sinh đôi thuộc nhóm nhạc Wink.

Trong một đồn cảnh sát ở trung tâm Thủ đô Seoul, một người đàn ông say rượu liên tục lấy đầu gối thúc mạnh vào cánh cửa gian phòng tạm giam. Anh ta còn xé nát những miếng lót trên tường và luôn miệng chửi rủa nhân viên cảnh sát. Hầu như mỗi đêm, tại các phòng tạm giam ở Thủ đô Seoul đều  có những người đàn ông, và đôi khi có cả phụ nữ, bị tạm giữ vì những hành vi do say rượu gây ra. Và cảnh sát cũng thường xuyên phải nghe những lời rủa xả của họ. Quậy chán, họ lăn ra ngủ và thường là sau khi bị tạm giữ một đêm, họ được tha về, chỉ bị phạt số tiền không đáng kể. “Chúng tôi đã quá quen với việc bị những người say rượu chửi bới và cách tốt nhất là bỏ mặc họ cho đến lúc tỉnh lại” - sĩ quan cảnh sát Park Dan-won nói.

“Uống được làm được”?

Người dân Hàn Quốc được xem là những người có số giờ làm việc nhiều nhất trên thế giới. Họ luôn cho rằng, một trong những cách nhanh nhất để tạo dựng mối quan hệ bạn bè và sự thân thiết giữa các đồng nghiệp chốn công sở là cùng nhau “chén chú chén anh”. Câu nói cửa miệng rất phổ biến nơi đây là  “uống được làm được”. Đồ uống ưa thích của phần lớn công chức và người dân là loại rượu trộn. Họ pha rượu soju - một loại rượu truyền thống làm từ ngũ cốc, vào với bia rồi rót đều cho tất cả mọi người. Tất cả đều dốc cạn sau một tiếng hô vang “Cạn chén“.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hàn Quốc xếp thứ 13 trong số những nước tiêu thụ các loại rượu trên thế giới nhưng lại đứng thứ nhất trong việc tiêu thụ rượu mạnh. Một công bố của trung tâm nghiên cứu những vấn đề về rượu Hàn Quốc năm 2010 cho thấy, 44% sinh viên đại học cho biết họ đã từng bị say xỉn.

“Một vấn đề đối với cách thức uống rượu của người Hàn Quốc là họ uống rất nhanh và do đó cũng rất nhanh bị say” - ông Chan     Ki-hwun, thuộc trung tâm trên nói -  “Trong môi trường với một tâm lý tập thể lấn át như vậy, mọi người khó có thể chối từ trước những lời mời như “ép” uống rượu.

Vào những đêm cuối tuần, dễ dàng tìm thấy những người đàn ông, nhiều người trong trang phục công sở, áo cổ cồn cà vạt nôn mửa hay nằm dài trên tàu điện ngầm hoặc trên đường phố. Một số người tháo bỏ giầy và kính ra nằm ngủ, dùng cặp hay cục bê tông làm gối. Họ thậm chí còn được xem như là hình ảnh “đặc trưng” cho cuộc sống ban đêm của Hàn Quốc. 

Cảnh sát Seoul đưa một thanh niên say rượu quậy phá về đồn

Tăng nặng mức phạt

Choi Jeong-wook, một trợ lý Thanh tra cảnh sát quận Yeongdeungpo thuộc Seoul nói, 80% số lượng công việc tại đồn cảnh sát của anh là giải quyết liên quan đến người say rượu.

Tại Seoul năm ngoái, gần 77% số người bị buộc tội cản trở công lý, lăng mạ cảnh sát trong tình trạng say rượu, trong đó có nhiều trường hợp tái phạm, có người đã “ghé” sở cảnh sát hơn 20 lần. Số người bị phạt do lái xe trong tình trạng say rượu liên tục tăng trong 4 năm qua. Trung bình có khoảng 900 người bị phạt mỗi ngày, thời gian vi phạm thường từ 22h đến 1h sáng những ngày cuối tuần. Trong đó, lái xe là nữ chiếm 10,1%. Theo số liệu thống kê của Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc, năm 2010 nước này có 781 trường hợp tử vong khi lái xe trong tình trạng có nồng độ cồn cao trong máu, chiếm 14,2% nạn nhân của các vụ tai nạn giao thông. Để góp phần giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông theo Luật Giao thông sửa đổi mới của Hàn Quốc có hiệu lực từ tháng 12-2012, sẽ tăng nặng mức phạt đối với những lái xe có nồng độ cồn trong máu cao. Mức phạt cao nhất là 3 năm tù giam hoặc phạt tiền 10 triệu won (8.748 USD). 

Năm 2012,  trong khuôn khổ chiến dịch nhằm làm giảm số lượng tội phạm gây ra khi say rượu, nhiều nhà sản xuất đồ uống có cồn ở Hàn quốc đã ghi cảnh báo trên nhãn chai. Trên các chai rượu do Hite-Jinro, nhà sản xuất đồ uống có cồn lớn nhất có ghi chữ: “Không hung hăng trong trạng thái say! Sửa đổi thiếu sót trong văn hóa uống rượu”.