Một thoáng Việt Nam giữa đất Hàn
Không dám ly hôn vì sợ mất con Sinh ra ở một làng quê nghèo ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, cô gái Nguyễn Thị Xuân (sinh năm 1986) luôn mang trong mình nỗi trăn trở phải làm gì để kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Do không thi đỗ vào lớp 10, Xuân đã lên thành phố Vinh bán hàng thuê rồi làm giúp việc gia đình. Giống như bao cô gái khác, Xuân rất mê phim Hàn Quốc. Và không biết từ bao giờ, mong ước được sang Hàn, lấy chồng Hàn để được yêu chiều, để có cuộc sống nhàn hạ, được đến những nơi có phong cảnh lãng mạn như trong phim ngày càng lớn dần trong cô gái trẻ. Do vậy, khi được một người quen ngỏ ý mai mối cô với một người đàn ông Hàn Quốc, Xuân gật đầu ngay. “Dù khi gặp em cũng hơi thất vọng vì người đàn ông này hơn em những 14 tuổi, tính tình lại khá lạnh lùng nhưng rồi em nghĩ có lẽ đó là đặc tính chung của con trai Hàn Quốc nên không suy nghĩ nhiều. Trong ngày cưới bên cạnh những món đồ trang sức sắm cho em, chồng em còn biếu bố mẹ em 1.000USD nên em cũng thấy mở mày mở mặt. Tuy vậy đến khi sang Hàn Quốc được hơn 1 năm, bi kịch mới thực sự bắt đầu” - Xuân ngậm ngùi. Sau khi cưới được 2 tháng Xuân phát hiện mình có thai. Do gia đình chồng cô có một quán ăn nhỏ, giá thuê người phục vụ cao nên hàng ngày Xuân phải làm quần quật từ sáng đến tối. Từ chuẩn bị đồ ăn đến bưng bê, dọn bàn, rửa bát… Xuân đều phải làm hết, chỉ mỗi khâu thu tiền là không đến lượt. Chồng Xuân tuy không phải là người lười biếng nhưng ham nhậu nhẹt, mỗi khi anh ta uống say là không biết trời đất là gì. Sau khi sinh con, ngoài chăm sóc con nhỏ cô vẫn phải làm các công việc ở quán ăn. Mọi chi tiêu trong gia đình chồng Xuân là người quản lý và quyết định. Mỗi khi Xuân xin tiền mua sữa hay quần áo cho con, anh ta chỉ đưa số tiền rất hạn chế và đòi hỏi cô phải đưa hóa đơn về để đối chiếu. “Lúc con ốm đau, quấy khóc, anh ta không những không dỗ dành mà còn trút giận lên đầu em. Những cái bạt tai, những cú đạp vào cạnh sườn… đã trở thành chuyện thường ngày. Do quá căng thẳng và bí bách em đã xin chồng ra ngoài đi làm nhưng anh ta không chịu. Đến khi em dọa tự vẫn chồng em mới miễn cưỡng đồng ý” - Xuân chia sẻ. Do chăm chỉ lại khéo tay, Xuân nhanh chóng xin được việc tại một xưởng may tư nhân. Tuy giờ giấc làm việc khá vất vả (từ 7h sáng đến 8h tối) nhưng số tiền công được nhận đã giúp cho cô đủ để trang trải cuộc sống còn dư chút ít gửi về Việt Nam phụ giúp gia đình. Hiện tại Xuân sống gần như ly thân với chồng. Cô vừa tìm được chỗ làm mới, thuê một căn phòng nhỏ ở cùng với cô bạn người Việt Nam nhưng không cho chồng biết vì sợ anh ta tìm đến gây sự. Mỗi tháng Xuân về thăm con vài lần, dù lần nào về cũng bị hành hạ nhưng vì thương con nên Xuân phải cắn răng chịu đựng. Khi được hỏi tại sao không làm thủ tục ly hôn để được tự do, Xuân thở dài: “Nếu em chấp nhận ly hôn, dù được giải phóng nhưng em sẽ mất con và bị đuổi vể nước. Đằng nào thì em cũng mang tiếng một đời chồng. Em định bụng ở đây ít năm nữa, cố gắng làm ăn, khi có được một số vốn kha khá thì về. Sang đây em mới thấy hầu hết những người đàn ông Hàn Quốc muốn lấy vợ Việt Nam có điều kiện kinh tế không khá giả gì, tuổi lại cao và không ít trong số đó đầu óc không bình thường”.Vô số bi kịch Dù không được như mơ ước song so với nhiều cô dâu Việt khác, Xuân vẫn là người may mắn. Gần đây, ngày 6-3, một cô dâu Việt tên là Phạm Thị L quê Cần Thơ vừa theo chồng về Hàn Quốc chưa đầy 3 tháng đã bị chồng ra tay sát hại tại hạt Jeongseon, tỉnh Gangwon. Trước đó, một phụ nữ Việt Nam đã bị người chồng Hàn Quốc đâm 53 nhát dao và chết ngay tại nhà. Vụ việc xảy ra tại huyện Jeongto, tỉnh Kyeongsang Bắc. Theo lời khai của người chồng do vợ đã nhiều lần đòi ly hôn và muốn bế con ra khỏi nhà trong đêm nên đã dẫn đến xung đột. Vào tháng 7-2010, cô dâu Việt Thạch Thị Hoàng N cũng đã bị người chồng có tiền sử tâm thần đánh chết khi mới sang Hàn Quốc được một tuần. Năm 2007, một cô dâu Việt khác là Huỳnh M đã bị người chồng Hàn Quốc đánh gãy 18 xương sườn và chết tại tỉnh Cheonan. Theo thống kê của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, những năm gần đây có khoảng 40.000 phụ nữ Việt đã kết hôn với người Hàn Quốc. Sau khi xảy ra các vụ việc nghiêm trọng nêu trên, chính phủ Hàn Quốc đã đề ra nhiều quy định mới nhằm tổ chức tốt hơn việc môi giới lấy vợ ngoại. Một số điều kiện chặt chẽ hơn đã được áp dụng đối với các chú rể người Hàn Quốc nhằm loại bỏ các trường hợp người tàn tật về tâm thần ra nước ngoài kết hôn. Bên cạnh đó hàng chục trung tâm trợ giúp phụ nữ nước ngoài cũng đã được hình thành nhằm hỗ trợ, giải đáp thắc mắc của các cô dâu người Việt nói riêng và người nước ngoài nói chung tại Hàn Quốc song trên thực tế hiệu quả của các trung tâm này còn hạn chế. Cũng theo cô dâu Nguyễn Thị Xuân, nguyên nhân dẫn đến tình trạng cô dâu Việt bị đối xử tàn tệ, bị hành hạ cho đến chết bên cạnh sự kém hiểu biết của người trong cuộc còn do lỗi của các trung tâm môi giới. Hầu hết các đơn vị này đặt mục đích lợi nhuận lên trên hết nên thường không cung cấp thông tin một cách trung thực về hoàn cảnh xuất thân, sức khỏe của người chồng. Bên cạnh đó trở ngại lớn nhất đối với các cô gái Việt Nam khi sang Hàn Quốc là sự bất đồng ngôn ngữ. Khi vợ chồng và những người trong gia đình không thể chia sẻ được với nhau sẽ rất dễ phát sinh những ức chế, dẫn đến mâu thuẫn và hiểu lầm. Bên cạnh đó, do không thể chia sẻ nên các cô dâu Việt thường không dám ra khỏi nhà, âm thầm chịu đựng mọi sự hành hạ từ người chồng. Chia tay Xuân, nhìn dáng gầy gò của cô bước vội vào ga tàu điện ngầm trong buổi chiều mưa ở Seoul, tôi không khỏi ngậm ngùi. “Nếu có thể, chị hãy nói giúp em với các cô gái Việt Nam đang ôm mộng làm dâu xứ Hàn rằng hãy tìm hiểu kỹ văn hóa và ngôn ngữ trước khi quyết định làm dâu một gia đình khác quốc tịch và cuộc sống ở Hàn Quốc không phải chỉ là màu hồng. Dù Hàn Quốc và Việt Nam có những nét tương đồng, nhưng cũng có vô số khác biệt về ứng xử trong cuộc sống mà nếu không chuẩn bị kỹ sẽ không thể vượt qua nổi. Em chỉ mong một ngày sớm nhất được trở về Việt Nam, bởi với em không đâu bằng quê mình”- Xuân nói mà mắt ngấn lệ.