Hạm đội phương Bắc của Nga- "ông chủ" mới ở Bắc Cực

ANTĐ - Nga đang xây dựng một lực lượng vũ trang thống nhất mới ở phía bắc đất nước - Bộ Tư lệnh tác chiến thống nhất (OSK) - trên cơ sở Hạm đội phương Bắc và các lực lượng được tăng cường cho Hạm đội. Quyết định tuy chưa công bố chính thức bằng văn bản, nhưng nó khẳng định sự cần thiết của cơ cấu vũ trang bảo vệ lợi ích của Nga ở vùng Bắc Cực.

Tình hình hiện nay ở phương bắc khác xa với giai đoạn đối đầu giữa 2 khối đồng minh quân sự NATO và WARSZAWA, khi không thể tách rời cuộc cạnh tranh Bắc Cực với các lĩnh vực hoạt động quân sự khác. Thời kỳ đó, các cứ điểm ở Bắc cực có ý nghĩa then chốt quyết định đối với Liên Xô, tựa như một đột phá khẩu vào Đại Tây Dương, đồng thời là không gian tiềm năng nhất của một cuộc chiến hạt nhân.

Liên Xô đã biến Bắc Cực trở thành nơi triển khai hướng bay ban đầu của máy bay ném bom chiến lược và sau đó là các tên lửa liên lục địa. Vào cuối những năm 1970, sau sự ra đời của tên lửa liên lục địa phóng từ tàu ngầm, các vùng nước Bắc Cực trở thành “lãnh địa bất khả xâm phạm” của lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược Liên Xô.

Trong những điều kiện như vậy, hoạt động của Hạm đội phương Bắc được coi là một phần không tách rời trong bức tranh tổng thể một cuộc chiến tiềm năng chống NATO. Tuy nhiên, vốn là một tập đoàn quân sự chiến lược độc lập, Hạm đội phương Bắc của Nga được xây dựng riêng các cơ chế chỉ huy cũng như khả năng hoạch định chiến lược trong phạm vi địa bàn quân sự do Hạm đội chịu trách nhiệm.

Cùng với công tác xây dựng các bộ tư lệnh tác chiến thống nhất (OSK) nằm trong quá trình cải cách quốc phòng được bắt đầu cách đây vài năm, Hạm đội phương Bắc đã trở thành một bộ phận cấu thành của Quân khu phía Tây, có trụ sở tại St. Petersburg. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây tình hình đã có những thay đổi lớn đòi hỏi quân đội Nga phải có những điều chỉnh chiến lược.

Nội dung cơ bản trong kế hoạch quân sự của quân khu phía Tây vẫn như trước, tức là sẵn sàng cho một cuộc chiến giả định ở châu Âu. Nhưng do các lý do khách quan và chủ quan, Quân khu phía Tây không thể đánh giá toàn diện và kịp thời các tình huống ở Bắc Cực, cũng như đề ra kế hoạch tác chiến phù hợp và cần thiết. Trong khi đó, nhiệm vụ khôi phục vị thế của Nga ở Bắc Cực đang ngày càng trở nên cấp bách.

Quyết định xây dựng bộ tư lệnh tác chiến thống nhất mới sẽ đánh dấu sự trở lại của Hạm đội phương Bắc như một tập đoàn chiến lược độc lập kiểm soát địa bàn hoạt động chiến sự của Nga ở Bắc Cực. Tuy nhiên, sự hình thành OSK với "diện mạo mới" cũng có nghĩa cơ cấu quân sự sẽ mang tính liên quân, binh chủng, có khả năng chỉ huy tất cả các lực lượng trên mọi hướng, từ hạm đội cho đến các lữ đoàn Bắc Cực.

Ngoài ra, trong thời gian qua còn xuất hiện thông tin về các kế hoạch phối hợp liên ngành giữa các lực lượng của Bộ Nội vụ, Bộ tình trạng khẩn cấp và cơ quan biên phòng, dưới sự chỉ huy của OSK.

Cấu trúc OSK mới sẽ phải giải quyết không chỉ các nhiệm vụ quân sự truyền thống, lập chế độ trực chiến và đảm bảo an ninh tầu ngầm tên lửa, bảo vệ căn cứ hải quân và vùng nước, mà còn tích cực hỗ trợ hoạt động phát triển kinh tế ở Bắc Cực. Trong đó, có tác chiến chống hải tặc và phòng ngừa tấn công cơ sở hạ tầng dầu khí, yểm hộ lợi ích của Nga bên ngoài lãnh hải trong các tình huống cần thiết.

Tuy nhiên, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Bộ Tư lệnh tác chiến thống nhất mới sẽ phải là khôi phục cơ sở hạ tầng quân sự của Nga ở Bắc Cực và tăng cường hạm đội. Đồng thời, không thể xem nhẹ việc củng cố lực lượng không quân chiến đấu và tuần tra. Đặc biệt là phải xây dựng được Bộ tham mưu của OSK mới có khả năng phản ứng và dự đoán trước mọi tình huống, đề ra "chiến lược Bắc Cực" của lực lượng vũ trang Nga ở khu vực này.