Hai tiếng "Đảng ta"...

(ANTĐ) - Từ khi nào dân ta gọi Đảng Cộng sản Việt Nam một cách ngắn gọn, giản dị: “Đảng ta”?

Hai tiếng "Đảng ta"...

(ANTĐ) - Từ khi nào dân ta gọi Đảng Cộng sản Việt Nam một cách ngắn gọn, giản dị: “Đảng ta”?

Có lẽ trên thế giới, hiếm có đất nước nào như nước ta, mọi người dân, mọi tầng lớp đều gọi tên Đảng cầm quyền thật thân thiết, gần gũi: “Đảng ta”.
Có lẽ trên thế giới, hiếm có đất nước nào như nước ta, mọi người dân, mọi tầng lớp đều gọi tên Đảng cầm quyền thật thân thiết, gần gũi: “Đảng ta”.

Từ khi Đảng thành lập; từ khi Đảng giành chính quyền về tay nhân dân hay từ khi Đảng lãnh đạo dân ta làm nên chiến công hiển hách trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, thắng lợi vang dội khắp năm châu bốn biển giành và bảo vệ độc lập dân tộc? Đảng từ nhân dân mà ra, quy tụ trí tuệ và sức mạnh của dân tộc. Mọi thăng trầm lịch sử của dân tộc đều gắn bó mật thiết giữa Đảng với dân.

 Thắng lợi hay tổn thất của Đảng cũng là thắng lợi, tổn thất, mất mát của nhân dân. Lợi ích của Đảng cũng chính là lợi ích của đất nước, của nhân dân. “Đảng ta”, hai tiếng ấy vang lên từ trong tâm khảm dân ta. Một chính đảng cầm quyền duy nhất trong suốt 70 năm qua mà được toàn dân coi là “Đảng ta”, thật là tài sản vô giá phải trân trọng, gìn giữ.

Nhìn lại suốt chặng đường từ khi Đảng ra đời, nhất là trong vòng ba chục năm nay, từ khi ngọn gió Đổi mới dậy lên từ những đồng lúa “Khoán 10”, sức mạnh của Đảng chính là lấy dân làm gốc.

Cách đây hơn nửa thế kỷ, Bác Hồ đã chỉ rõ: “Phải tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa”. Người còn nhấn mạnh: “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra”. Mới đây, nhiều người dân quan tâm theo dõi bộ phim “Bí thư Tỉnh ủy” dựng lại quá khứ của một thời bao cấp cách đây gần nửa thế kỷ. Một thời “ngăn sông cấm chợ” nhằm bóp nghẹt “thị trường tự do”; một thời kinh tế kế hoạch hóa, sản xuất đình trệ, kìm hãm xã hội.

Cái thời cuộc sống hàng tháng tính toán, so đo bằng những mẩu tem phiếu, cân gạo, cân mì, lít dầu, lạng thịt. Con người càng sống càng co mình lại, càng sống càng thấy mình nhỏ bé trước những ám ảnh vô hình vây quanh mình. Bộ phim dựng lại hình tượng một người cộng sản chân chính đầy bản lĩnh đi tiên phong chống lại sự trì trệ và xơ cứng của những giáo điều đã thuộc lòng, kìm hãm sự phát triển của đất nước.

Nếu không dựa vào dân, không vì lợi ích của dân, người đảng viên Cộng sản, Bí thư Tỉnh ủy ấy không thể dũng cảm xóa bỏ sự trói buộc phũ phàng của một cơ chế kìm hãm sự phát triển của đất nước. Nhân dân gọi họ bằng cái tên thật giản dị “người của Đảng ta”. Họ là ngọn lửa giữa tro tàn nguội lạnh duy ý chí, thắp sáng niềm tin trong mỗi con người, niềm tin ở Đảng ta. Xã hội mong mỏi có được những Bí thư Tỉnh ủy như thế. Đó là những đảng viên lắng nghe được tiếng nói thật và thẳng của nhân dân, của cuộc sống.

Song lắng nghe và hiểu tiếng nói trong lòng dân không phải dễ. Phải “nghe” bằng cả trái tim và khối óc sáng suốt mới hiểu thấu được tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của dân, “tiếng nói của đất”, tiếng nói của cuộc sống. Không cùng nhịp đập, cùng hơi thở của dân, chỉ ngập mình trong đống thủ tục hành chính của cơ chế quan liêu “xin - cho” hết sức xa dân và hành dân dai dẳng, làm sao nghe được sự chuyển động âm thầm mà quyết liệt của cuộc sống? Thực tiễn là thước đo của chân lý.

Trước thềm Đại hội Đảng XI, Dự thảo Cương lĩnh bổ sung, sửa đổi Cương lĩnh 1991 là văn kiện quan trọng nhất trình Đại hội XI, đã được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để toàn dân góp ý kiến. Cương lĩnh là tuyên ngôn chính trị của Đảng, xác lập con đường lãnh đạo, xây dựng đất nước trong 10 năm tới. Dự thảo Cương lĩnh đã xác định: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật”.

Khái niệm “Xã hội chủ nghĩa” khi gắn với nhà nước pháp quyền chính là nêu rõ mục tiêu của Nhà nước: “Của dân, do dân, vì dân”, sao cho đạt được mục đích cuối cùng là: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Dự thảo Cương lĩnh còn nhấn mạnh: “Nhà nước gắn bó chặt chẽ với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân; có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lộng quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân”.

Chủ nghĩa xã hội mà dân ta mong muốn xây dựng là xã hội chăm lo cho con người, chăm lo cho mọi thành viên xã hội, nhưng lợi ích của mỗi thành viên phải dựa trên cơ sở của lợi ích xã hội. Trong sự vận động của xã hội từ xưa đến nay, việc đảm bảo hài hòa lợi ích của xã hội và lợi ích của mọi thành viên xã hội luôn luôn là vấn đề khó nhất. Đấu tranh để duy trì cho Đảng ta luôn có đủ năng lực và phẩm chất lãnh đạo xã hội phát triển hài hòa được các lợi ích là công việc thường xuyên và không dễ dàng.

Sự phát triển của xã hội ta đang đứng trước những thách thức mới: tình trạng xuống cấp nảy sinh trong các lĩnh vực xã hội, nạn tham nhũng, nạn giả dối phát sinh trong nhiều lĩnh vực, nạn “phong bì” gần như thành nếp, sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng rộng sâu. Bộ máy lãnh đạo đất nước đã nhìn thấy thực trạng tiêu cực của xã hội, đã ban hành nhiều nghị quyết, đã thực thi nhiều biện pháp cương quyết, cứng rắn.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận, những công việc cụ thể đụng chạm đến cuộc sống của người dân chậm được cải thiện, không được như lòng dân mong mỏi và kỳ vọng vào Đảng ta. Trong Dự thảo Cương lĩnh nói về sự lãnh đạo của Đảng, có viết: “Trong lãnh đạo, Đảng có lúc cũng phạm sai lầm, khuyết điểm; có những sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng do giáo điều, chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan. Đảng đã nghiêm túc tự phê bình và sửa chữa khuyết điểm để tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên”.

Thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ, trí tuệ và năng lực lãnh đạo, quan trọng nhất là dựa vào dân, lấy dân làm gốc, chính là sức mạnh vô địch của Đảng ta trong suốt 70 năm qua. Người lãnh đạo đất nước, người tận tụy vì dân, vì nước, không ai muốn thấy tham nhũng trong bộ máy; không ai muốn thấy thành quả tăng trưởng kinh tế không được chia sòng phẳng, công bằng cho mọi người; tiếng nói của người dân không được lắng nghe, giải quyết; cấp thừa hành sách nhiễu người dân…

Chính trong Dự thảo “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” chuẩn bị đưa ra Đại hội Đảng XI cũng đặt ra yêu cầu: “… Phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết các mối quan hệ lớn như: Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị ”. Chính trị, suy cho cùng là quy trình đưa ra những quyết định liên quan đến mọi người dân.

“Dựa vào dân để xây dựng Đảng, chịu sự giám sát của nhân dân” như dự thảo Cương lĩnh khẳng định, chính là nguồn sức mạnh vô tận của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vận mệnh của đất nước cũng là vận mệnh của Đảng. Đảng trong sạch, vững mạnh thì đất nước cũng cường thịnh, dân được ấm no, hạnh phúc. Hai tiếng “Đảng ta” thật giản dị, nhưng giữ được hai tiếng ấy trong lòng dân thật không dễ dàng, đơn giản ngay từ mỗi đảng viên của Đảng. Nhìn cây có thể thấy cả rừng. Một giọt nước soi thấu cả dòng sông, thậm chí cả biển lớn.

Đan Thanh