Hải quân Ấn Độ 14 năm không có nổi 1 chiếc tàu ngầm mới

ANTĐ - Bộ trưởng Bộ quốc phòng Ấn Độ A.K Anthony vừa lên tiếng xác nhận kế hoạch mua thêm 6 và tự đóng 4 chiếc tàu ngầm thông thường trong sự trông đợi “dài cổ” của hải quân nước này.

Theo ông A.K Anthony, bộ quốc phòng nước này đã quyết định lựa chọn doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng quốc doanh PSUs phụ trách kế hoạch phát triển tàu ngầm mang mật danh P-75I (công trình 75 - Ấn Độ), bao gồm việc mua sắm 6 tàu ngầm thông thường của 2 nhà thầu nước ngoài khác nhau và các doanh nghiệp quốc phòng trong nước tự đóng 4 tàu khác.

Được biết, trong gói thầu lần này, Ấn Độ đã mạnh tay loại bỏ các doanh nghiệp tư nhân tham gia hạng mục đóng tàu trong nước. Đồng thời bộ quốc phòng cũng đã soạn thảo thư mời thầu đến các công ty nước ngoài. Dự kiến, tổng ngân sách dành cho bản kế hoạch này vào khoảng 500 tỷ rupee (khoảng 8,75 tỷ USD).

Theo Bộ trưởng Anthony, "Ủy ban mua sắm trang bị quốc phòng" đã quyết định phê duyệt “Kế hoạch phát triển tàu ngầm P-75I”, đồng thời giao cho Nhà máy chế tạo tàu thuyền Mazagón đóng 3 tàu, chiếc còn lại do Công ty đóng tàu Hindustan chế tạo. Để có được quyết định này, tổng thời gian nó loanh quanh qua lại giữa các cơ quan chính phủ đã mất tới hơn 1 năm mới chính thức được khởi động.

Dự án tàu ngầm AIP lớp Scorpene của hải quân Ấn Độ hiện đang bị "treo" khi mới hoàn thành được 30% kế hoạch


Tháng 6 vừa qua, Bộ Tài chính Ấn Độ đã trả lại hồ sơ của kế hoạch phát triển tàu ngầm này và đề nghị Bộ Quốc phòng phải giải thích thêm một số vấn đề. Sau khi “qua ải” bộ tài chính, “Kế hoạch phát triển tàu ngầm P-75I” được chuyển sang “Ủy ban an ninh Nội các” xem xét, sau khi được thông qua nó mới được chuyển sang “Ủy ban mua sắm trang bị quốc phòng quyết định”.

Thư mời thầu quốc tế lại cần phải được sự phê duyệt của “Ủy ban an ninh nội các” rồi mới được phát hành, nếu như tại thời điểm này Ấn Độ công bố “Dự án P-75I” thì ít nhất cũng phải mất 2 năm sau mới lựa chọn được đối tác nước ngoài để ký hợp đồng, sau đó cũng phải mất thêm 5-7 năm nữa mới hoàn tất chiếc tàu ngầm thứ nhất. Vì vậy, sớm nhất là năm 2020 Ấn Độ mới có chiếc đầu tiên thuộc Dự án này.

Hải quân Ấn Độ thường có những dự án rất hoành tráng, nhưng “đầu voi, đuôi chuột”. Tờ “Thời báo Ấn Độ” cho biết, ngay từ năm 1999, “Ủy ban an ninh nội các” Ấn Độ đã từng phê chuẩn một kế hoạch đóng tàu ngầm dài hạn trong 30 năm. Kế hoạch này đặt ra mục tiêu đến trước năm 2012 sẽ đưa vào phục vụ 12 tàu ngầm, sau đó đến năm 2030 sẽ hoàn tất nốt 12 chiếc nữa. Thế nhưng, sự thiếu quyết đoán và cơ chế lằng nhằng của Chính phủ đã làm cho 14 năm trôi qua mà lực lượng hải quân nước này không hề nhận được 1 chiếc tàu ngầm nào! Hiện nay, kế hoạch đóng 6 tàu ngầm lớp Scorpene, do tổng vốn đầu tư đã vượt qua 230 tỷ rupee, thời hạn chậm trễ so với kế hoạch ban đầu những 4 năm và hiện đang bị đình đốn đã gióng lên những hồi chuông báo động. 

Tàu ngầm Kilo S-63 Sindhurakshak Ấn Độ mua của Nga trước khi bị cháy


Trước đây, Nhà máy đóng tàu Mazagón đã ký hiệp định có thời hạn đến 15-03-2013 với Công ty Navantia của Tây Ban Nha, trong đó có điều khoản quy định đối tác Tây Ban Nha phải tư vấn các giải pháp công nghệ và chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc. Hiện nay, họ đã rời khỏi nhà máy khi hết hạn hợp đồng, còn đối tác Pháp cũng đang đòi tăng giá trong khi hợp đồng mới hoàn tất được khoảng 30% kế hoạch, đại bộ phận công tác lắp đặt trang bị vẫn chưa hoàn thành.

Hải quân Ấn Độ hiện chỉ có 14 tàu ngầm thông thường đã lão hóa, bao gồm 10 tàu ngầm lớp Kilo của Nga (1 tàu đã bị cháy, 5 tàu cần phải nâng cấp gấp) và 4 tàu ngầm đã cũ do Nhà máy đóng tàu Horvath của Đức đóng. Dự báo cho thấy, đến năm 2020, hải quân Ấn Độ chỉ còn lại 5-6 chiếc trong tổng số 14 tàu ngầm hiện đang sử dụng là còn hoạt động được.

Giả sử đến lúc đó, vài chiếc tàu ngầm Scorpene đã được đưa vào sử dụng cũng chẳng thấm tháp gì, vì để đối phó với sự uy hiếp của tàu ngầm Trung Quốc và Pakistan, hải quân Ấn Độ phải có ít nhất 18 tàu ngầm thông thưởng trở lên. Đến giai đoạn đó, lực lượng tác chiến ngầm của Ấn Độ đã tụt hậu rất xa so với 2 đối thủ nặng ký của mình.