Hà Nội: Xử lý nghiêm mọi vi phạm có thể gây tai nạn giao thông đường sắt

ANTD.VN - Đại úy Đặng Hồng Giang, Đội trưởng Đội CSGT đường sắt, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội bày tỏ sự lo lắng khi đánh giá về tình hình TTATGT đường sắt trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay. 

Vi phạm về TTATGT đường sắt diễn ra tràn lan, kéo dài trong nhiều năm qua. Việc thành lập Đội CSGT đường sắt, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng giúp cho công tác đảm bảo ATGT đường sắt thêm nhiều “gam” màu tươi sáng dù không dễ dàng.

Hà Nội: Xử lý nghiêm mọi vi phạm có thể gây tai nạn giao thông đường sắt ảnh 1Lực lượng CSGT đường sắt đi nhắc nhở các vi phạm về hành lang ATGT đường sắt 

Tràn lan vi phạm

Lý do chọn đúng giờ cao điểm buổi sáng đi kiểm tra được Đại úy Đặng Hồng Giang, Đội trưởng Đội CSGT đường sắt giải thích, đó là muốn đánh giá đúng thực chất tình hình vi phạm hành lang ATGT đường sắt trên địa bàn Hà Nội hiện nay. Cung đường sắt quan trọng nhất được lựa chọn đó chính là tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy dọc theo các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hoàng Mai kéo dài đến huyện Thường Tín, Phú Xuyên.

Tại ngã tư Đại Cồ Việt - Giải Phóng, dù đèn đỏ ở hai chiều đường bật sáng để nhường cho dòng phương tiện lưu thông theo hướng ngược lại nhưng nhiều người vẫn cố tình len vào bên trong đường sắt để đi. Việc phương tiện cắt ngang dòng đã khiến cho cả tuyến đường bị ảnh hưởng, dồn ứ lại tràn trên mặt đường ray. “Tàu hỏa có thể đến bất kể lúc nào. Với giao thông hỗn loạn mạnh ai nấy đi như vậy, khi có đoàn tàu chạy đến thì không biết hậu quả sẽ ra sao”, Đại úy Đặng Hồng Giang cho biết.

Sau khi chỉ huy tổ công tác ngăn không cho dòng phương tiện đi vào phần đường dành riêng cho tàu hỏa và bàn giao lại cho tổ công tác của Đội CSGT số 4 duy trì, Đại úy Đặng Hồng Giang tiếp tục xuống ngã ba Phương Mai - Giải Phóng để kiểm tra, xử lý về vi phạm hành lang ATGT đường sắt.

Tại ngã ba này dù có chốt gác chắn của ngành Đường sắt nhưng vi phạm về hành lang ATGT đường sắt vẫn không giảm. Nhiều phương tiện được trông giữ ở sát đường ray. Các nhân viên gác chắn tại đây cho biết, cứ mỗi khi có đoàn tàu chạy qua ngã ba này, dù đã ra tín hiệu cảnh báo, kéo gác chắn nhưng nhiều người vẫn cố tình muốn chạy xe qua. Phải rất vất vả các nhân viên gác chắn ở đây mới có thể ngăn không cho những người này vượt qua. 

Cách đó không xa, cổng Bệnh viện Bạch Mai dù có khá nhiều lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo ANTT và ATGT, tuy nhiên hàng quán bán rong vẫn tràn xuống mặt đường ray. Những chiếc bàn trà đá di động được bày tràn lan ở mặt đường ray. Những hành khách vô tư kê dép ngồi trên đường ray ăn uống. Mỗi khi có tàu qua, mọi người chạy dạt hết vào lề đường rồi sau khi đoàn tàu vừa di chuyển, tất cả lại túa ra ngồi tụm lại.

Hà Nội: Xử lý nghiêm mọi vi phạm có thể gây tai nạn giao thông đường sắt ảnh 2Nhiều hàng quán bán rong bày bán tràn lan trên mặt đường ray bất chấp nguy hiểm

Nhiệm vụ không dễ dàng 

Trao đổi với phóng viên, chỉ huy Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội cho biết: Hiện nay trên địa bàn thành phố có 6 tuyến đường sắt gồm 5 tuyến hướng tâm và 1 tuyến vành đai phía Tây với tổng chiều dài 152,20km đi qua 17 quận, huyện, 37 phường, 9 thị trấn, 40 xã. Cụ thể, gồm các tuyến: Hà Nội - Hồ Chí Minh, Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hải Phòng, Bắc Hồng - Văn Điển.

Qua kiểm tra thực tế, trên địa bàn thành phố Hà Nội có tổng số 580 điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Trong đó 184 đường ngang hợp pháp, gồm 81 đường ngang có người gác, 70 đường ngang cảnh báo tự động (có hoặc không có cần chắn tự động), 33 đường ngang biển báo. 

Đánh giá về tình hình vi phạm TTATGT đường sắt, Đại úy Đặng Hồng Giang cho biết: “Vi phạm diễn biến phức tạp nhất là ở những đường ngang trọng điểm trên các tuyến đường sắt chạy song song với các đường quốc lộ thường xảy ra ùn ứ giao thông khi tàu chạy qua.

Muốn kéo giảm TNGT đường sắt, đặc biệt là đảm bảo ATGT theo hướng bền vững, ngoài lực lượng CSGT đường sắt cần có sự tham gia tích cực hơn nữa của các ban, ngành chức năng có liên quan, chính quyền sở tại.

Ở một số đường ngang khi có tàu chạy qua vẫn còn hiện tượng người tham gia giao thông không chấp hành báo hiệu của hệ thống tín hiệu, chỉ dẫn của nhân viên gác chắn tự ý vượt rào chắn khi chắn đã đóng. Các hộ dân sinh sống nằm trong hành lang bảo vệ đường sắt, nhiều trường hợp xây dựng nhà, lều quán bán hàng, để vật liệu xây dựng, mái che, mái vẩy, biển quảng cáo... làm che khuất tầm nhìn của lái tàu và người tham gia giao thông khi đi ngang qua đường sắt, có nguy cơ tiềm ẩn xảy ra TNGT đường sắt…”. 

Việc xử lý còn mang tính hình thức và chưa có sự vào cuộc đồng bộ của các ban, ngành. “Nhiệm vụ đảm bảo ATGT đường sắt không hề dễ dàng. Muốn kéo giảm TNGT đường sắt, đặc biệt là đảm bảo ATGT theo hướng bền vững, ngoài lực lượng CSGT đường sắt cần có sự tham gia tích cực hơn nữa của các ban, ngành chức năng có liên quan, chính quyền sở tại, nơi có những tuyến đường sắt đi qua. Sức mạnh tổng hợp phải được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ trong việc tiếp cận người dân để tuyên truyền cũng như xử lý nghiêm những vi phạm dẫn đến TNGT đường sắt”, Đại úy Đặng Hồng Giang kiến nghị.