Hà Nội: Tự ý treo biển "cấm shipper, đồng nát vào ngõ" có vi phạm quy định?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những ngày qua, hình ảnh tấm biển "cấm shipper, đồng nát vào ngõ" treo ở một ngách nhỏ thuộc quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, được lan truyền trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt, thu hút sự chú ý của dư luận. Nhiều người cho rằng, hành vi này là vi phạm pháp luật.

Từ “cấm shipper, đồng nát vào ngõ” đến “cấm đỗ xe trước cửa nhà”

Tấm biển "cấm shipper, đồng nát vào ngõ, nếu cố tình vào tịch thu xe" được treo tại một con ngách nhỏ dài gần 100 mét ở phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm. Sự xuất hiện của tấm biển đã khiến nhiều shipper, người thu gom đồng nát, sắt vụn tỏ ra khá dè chừng, không dám đi vào trong, chỉ có thể đứng ngoài rồi gọi người ra lấy hàng, hoặc để xe và tự đi bộ mang đồ vào cho khách gây bất tiện không nhỏ.

Biển "cấm shipper, đồng nát vào ngõ" gây nhiều tranh cãi

Biển "cấm shipper, đồng nát vào ngõ" gây nhiều tranh cãi

Anh L.V.H - người có thâm niên 6 năm làm shipper chia sẻ, “tôi đã giao hàng tại khá nhiều ngõ, ngách trên địa bàn Hà Nội, chỉ gặp những biển cấm do Sở Giao thông tận tải cắm về việc cấm dừng đỗ, cấm đi ngược chiều…chứ chưa bao giờ bị cấm đi vào ngõ ngách nào.

Tôi được biết, một trong những quyền cơ bản của công dân là tự do đi lại, nay một vài cá nhân treo biển cấm tại đường đi chung không những cản trở việc đi lại của người khác, gây khó khăn cho công việc của chúng tôi mà còn vi phạm quy định”.

Được biết, ngách nhỏ này là đường cụt, thuộc diện tích đất sử dụng của một gia đình, trước đây vẫn có rất nhiều shipper hoạt động. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh phức tạp, xuất hiện nhiều F0 nên hộ gia đình sống trong ngách đã quyết định treo biển cấm để cảnh báo shipper, đồng nát biết và tránh, không đi vào nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh. Người này cũng khẳng định, khi nào ngõ hết người nhiễm bệnh sẽ lập tức gỡ biển.

Không chỉ treo biển “cấm shipper, đồng nát vào ngõ”, hiện có không ít hộ dân sống ở mặt đường, mặt ngõ còn tự ý đặt biển “cấm đỗ xe trước cửa nhà”, thậm chí còn kẻ vạch cấm đỗ xe.

Lý giải về việc làm này, một số cá nhân cho biết, do tình trạng đỗ xe ô tô bừa bãi, tràn lan trên đường làm cản trở xe ra vào nhà hoặc cửa hàng gây ảnh hưởng đến việc đi lại và kinh doanh, buôn bán của họ nên buộc phải treo biển, thậm chí đặt chướng ngại vật cảnh báo. Đây chính là một trong những nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn giữa chủ nhà và người đi đường, tạo ra hình ảnh nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị.

Tự ý treo biển cấm đi lại, cấm đỗ xe là phạm pháp

Nhìn nhận các hành vi trên dưới góc độ pháp lý, theo Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội, quyền tự do đi lại là một trong những quyền cơ bản của công dân được pháp luật ghi nhận.

Ngõ là lối đi chung của cộng đồng dân cư không thuộc quyền sử hữu, sử dụng của bất kỳ ai, trừ trường hợp ngõ đi thuộc quyền sử dụng đất riêng của một số hộ gia đình (khi chia lô, chủ đất để lại một phần diện tích làm ngõ đi chung cho các hộ và phần diện tích này được thể hiện trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với chỉ dẫn là đất sử dụng chung của một số hộ nhất định).

Trường hợp để thực hiện công vụ, hoặc giải quyết sự cố hỏa hoạn hay phòng chống dịch Covid-19… cần hạn chế, hoặc cấm công dân đi lại trên một tuyến phố hay con ngõ nào đó, thì phải do người có thẩm quyền quyết định.

Do vậy, cộng đồng dân cư hoặc bất cứ ai trong khu vực dân cư đó không có quyền ngăn cản người khác sử dụng ngõ đi. Cá nhân tự ý treo biển cấm một số đối tượng nhất định sử dụng ngõ đi chung là hành vi trái pháp luật.

Biển cấm dừng, đỗ xe do người dân tự ý lập ra không có giá trị pháp lý

Biển cấm dừng, đỗ xe do người dân tự ý lập ra không có giá trị pháp lý

Về hành vi tự ý đặt biển cấm đỗ xe trên phần đường giao thông trước cửa nhà, Luật sư Hồng Vân cho rằng, Điều 37, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã nêu rõ, UBND cấp tỉnh trở lên mới có thẩm quyền tổ chức giao thông trên hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý‎. Trong đó có thẩm quyền quy định các đoạn đường cấm đi, đường một chiều, nơi cấm dừng, đỗ; cấm quay đầu xe; lắp đặt báo hiệu đường bộ.

Như vậy, các biển cấm dừng, đỗ xe do người dân tự ý lập ra không có giá trị pháp lý và cá nhân có quyền đỗ xe trên vỉa hè, dưới lòng đường nếu tại đoạn đường đó không có biển cấm.

Song, để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc, những mâu thuẫn không đáng có, người điều khiển phương tiện cần đỗ xe có ý thức, tránh gây cản trở lối đi ra vào nhà của người khác hoặc cản trở việc kinh doanh buôn bán của họ.

Về phía các hộ dân ở mặt ngõ, mặt đường, thay vì đặt biển cấm, nếu phát hiện người đỗ xe cản trở việc đi lại của gia đình, không đúng quy định thì có thể liên hệ lực lượng chức năng để xử l‎ý - Luật sư Hồng Vân đưa ra lời khuyên.