Kẻ vạch dưới lòng đường trước nhà làm chỗ đỗ xe riêng có phạm luật?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Tại nhiều thành phố lớn, một số hộ dân nhà ở mặt đường thường xuyên đặt biển, chướng ngại vật, thậm chí kẻ vạch ghi rõ “xe nhà đậu”, “chỗ đỗ xe gia đình”, “cấm đỗ xe trước cửa nhà” ở dưới lòng đường, coi đó như phần diện tích sử dụng riêng của nhà mình. Xin hỏi luật sư, theo quy định hiện hành, hành vi này có được phép? Lưu Văn (Hải Phòng)

Luật sư Lê Hồng Vân trả lời:

Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Câu chuyện đỗ xe chắn cửa nhà luôn là vấn đề gây tranh cãi, là nguyên nhân phát sinh nhiều vụ tranh chấp, ẩu đả, hủy hoại tài sản, thậm chí cả án mạng. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì cho rằng đối với những khu vực không có biển cấm đỗ thì họ được quyền đỗ xe, còn hộ dân ở mặt đường luôn bức xúc khi có xe đỗ trước cửa nhà gây cản trở giao thông, sinh hoạt nên đã có những hành động như đổ chất bẩn, sơn hay dùng vật sắc nhọn làm xước xe người khác...

Do hành vi trên là vi phạm pháp luật nên một số gia đình đã nghĩ ra cách “đặt gạch” chiếm chỗ để ngăn người khác đỗ xe trước cửa nhà như đặt biển “cấm đỗ xe” ở phần đường trước nhà mình hoặc lấy sơn kẻ vạch xí chỗ.

Trong khi đó theo quy định hiện hành, hành vi chiếm dụng lòng đường làm của riêng là vi phạm pháp luật bởi quyền phân định lòng đường thuộc thẩm quyền của Cơ quan quản lý đường bộ.

Theo Nghị định 100/2013 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010) về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành vi lấn chiếm, sử dụng lòng đường trái phép sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí nếu gây hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị xử lý hình sự về tội “Cản trở giao thông đường bộ”.

Về xử phạt hành chính, theo Nghị định 100/2013/NĐ-CP, lòng đường được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông trong 2 trường hợp: Điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội; thời gian sử dụng tạm thời lòng đường không quá thời gian tổ chức hoạt động đó; Điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; thời gian sử dụng từ 22h đêm hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Việc sử dụng lòng đường trong các trường hợp này cũng phải xin phép UBND cấp tỉnh tại địa phương.

Cá nhân tự ý kẻ vạch chỗ đỗ xe dưới lòng đường là phạm luật

Cá nhân tự ý kẻ vạch chỗ đỗ xe dưới lòng đường là phạm luật

Do đó, trường hợp tự ý kẻ vạch đỗ xe trên lòng đường là vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ. Hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng theo Điểm b, Khoản 5 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều 261 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, người nào đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép công trình giao thông đường bộ; đặt, để, đổ trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn hoặc chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy, hành lang an toàn đường bộ… gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 3 thì bị phạt tù từ 5-10 năm.

Như vậy, xét về lý, hành vi để biển “cấm đỗ xe”, tự ý kẻ vạch xí chỗ đỗ xe ở lòng đường trước cửa nhà mình là trái quy định. Khi gặp phải tình huống này, người dân có thể thông báo với chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh những xung đột, va chạm không đáng có.

Thời gian qua, Hà Nội đã ra quân mạnh mẽ nhằm giải quyết tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường của các hộ kinh doanh, buôn bán. Vỉa hè vốn là tài sản công, tài sản chung của nhân dân. Việc lập lại trật tự đường phố, vỉa hè sẽ mang lại nhiều lợi ích như trả lại không gian đi lại cho người đi bộ, tạo bộ mặt phong quang, sạch đẹp cho thành phố và bảo đảm an toàn giao thông, giúp lập lại kỷ cương kinh doanh thương mại và xây dựng nền nếp công tác quản lý đô thị. Để đảm bảo văn minh đô thị, mọi vi phạm về lấn chiếm lòng đường, vỉa hè sẽ bị xử lý theo đúng quy định. Thành phố đã giao các quận, các quận giao các phường tăng cường kiểm tra về trật tự đô thị. Người dân khi thấy các vi phạm về chiếm dụng lòng đường, vỉa hè cần chụp ảnh, báo với UBND phường. Ngoài ra, lực lượng chức năng của quận cũng sẽ thường xuyên kiểm tra đột xuất tại một số phường, nếu có vi phạm sẽ phê bình, chấn chỉnh kịp thời. Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn sẽ nghiên cứu, đề xuất với mô hình vỉa hè rộng có thể cho phép khai thác kinh doanh nhưng phải được đơn vị quản lý Nhà nước chấp thuận và nộp thuế đầy đủ. Còn mọi vi phạm về chiếm dụng lòng đường đều bị xử lý nghiêm.

Ông Vũ Quỳnh (Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai, Hà Nội)