Hà Nội trước giờ tiếp quản

ANTĐ - Trong những ngày diễn ra Hội nghị Phù Lỗ, từ 17-9 đến 2-10-1954 để đi tới ký kết những điều khoản cụ thể về tiếp quản Hà Nội, có một người cán bộ Hà Nội biện bác vừa mềm dẻo vừa đanh thép bằng tiếng Pháp trước đại diện của Pháp, buộc thực dân xâm lược phải thực hiện đúng nguyên tắc chuyển giao cho bộ đội ta tiếp quản Thủ đô trong trật tự, an toàn. Đó là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Tài - một cán bộ liêm khiết, đức độ, tài giỏi của Thành ủy Hà Nội thời chống Pháp, một cán bộ kiên trung, bất khuất của công an nhân dân Việt Nam thời chống Mỹ.

Bót Hàng Trống - trung tâm chỉ huy của cảnh sát Pháp ở Hà Nội
trước giờ tiếp quản ngày 10-10-1954

Làm báo tay ngang

Nguyễn Tài sinh năm 1926 và là con thứ hai của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Năm 1944, ở tuổi 18, tràn đầy hoài bão và lý tưởng cách mạng, ông tham gia Đội Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Năm 1945, ông được cử lên chiến khu Việt Bắc học lớp quân sự ngắn ngày tại trường Quân chính kháng Nhật, nhưng mãn khoá học, ông bị phân công  trái ngạch quân sự - về nhà in báo Nước Nam mới đặt tại Khu giải phóng. Ông kể lại: “Ru lô chỉ là một nửa ống tre ngắn bằng nửa bề ngang trang báo, bọc bằng xăm xe đạp; lõi ru-lô là chiếc đũa để hai tay cầm hai đầu lăn. Phải lăn 100 lần thì mới in xong một trang báo. Khổ nhất là in dưới ánh sáng của loại nến làm  bằng lá chuối cuộn lại tẩm nhựa trám, khói cay xè mắt, lại thêm cái tội nhựa hay nổ, bắn vào mặt báo, mất nhiều chữ là phải mài lại mặt đá, viết lại (theo lối viết chữ ngược). Bốn chúng tôi cứ hì hụi  làm như thế, lần lượt in đủ bốn trang báo  khổ nhỏ bằng ¼ tờ báo bây giờ, cho đến nửa đêm mới xong số báo mới. Sáng hôm sau, nhìn báo ra lò, phát hành rộng rãi trong khu giải phóng, anh em chúng tôi như nở mày nở mặt, vui lắm. Nhưng cũng có phen bị Cụ “Ké” viết bài phê thẳng cánh, đại ý: các đồng chí làm báo thì đừng có cắt đầu cắt đuôi các bài, làm cho người đọc chẳng hiểu ý tứ của bài báo. 

Sau này, nhìn thấy báo Nước Nam mới trong Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, ông mới biết, hoá ra mình  đã làm biên tập báo từ  cái thuở ban đầu đầy bỡ ngỡ, sôi nổi  ấy.

Tháng 9-1945, ông từ chiến khu về  khi Hà Nội đã tưng bừng trong cờ hoa của tự do, độc lập và  nhận công tác tại Sở Liêm phóng, sau là Sở  công an Bắc bộ, đảm trách một số công tác bí mật của Phòng chính trị. Tháng 10-1946, ông là người cán bộ công an đầu tiên đã xin giấy phép cho ra báo “Công an Mới”. Ông khẳng định: số đầu tiên của báo ra ngày 1-11-1946 chính là tiền thân của báo Công an nhân dân hiện nay.

Đấu tranh trong lòng địch

Giữa năm 1949, ông nhận nhiệm vụ  mới: là Thành uỷ viên Thành ủy Hà Nội, phụ trách công tác trí thức vận. Đồng thời, ở cương  vị  Phó Giám đốc Ty Công an, ông phải trực  tiếp vào nội thành nắm tình hình, thực hiện Chỉ thị của Trung ương: “Chuẩn bị chiến trường, tiến tới Tổng phản công”. Lúc này, phong trào kháng chiến ở Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn, cơ  sở bị vỡ nhiều nên vào được nội thành là cả một hành trình phức tạp, gian khổ. Từ căn cứ, ông phải đi theo các đường dây giao thông, bí mật qua Hữu Văn - vùng tự do huyện Chương Mỹ, Quảng Bị, Kim Bài rồi về Văn Điển, Nam Dư Thượng và cuối cùng tới Tương Mai. Ở đây, ông mới có thể yên tâm đi giày Tây, lên xe kéo, vào cơ sở trong nội thành.

Giặc Pháp chiếm đóng, lập bốt ngay đầu phố Vọng, Khâm Thiên, Hàng Đậu… nhưng lòng dân vẫn son sắt chung thủy với chính phủ kháng chiến, với Bác Hồ. Trong câu chuyện  của mình, ông nhắc nhiều đến người đồng chí thân yêu - ông  Ngọc “đen” - tức Vũ Tá Ngọc, một trong những “thổ công” giỏi của Công an nội thành. Nhờ có các đồng chí đang hoạt động bí mật, ông được bố trí đến nhà cơ sở, đóng vai gia sư cho gia đình ông bà Huấn Linh, một trí thức yêu nước ở phố Wíélé (nay là phố Tô Hiến Thành) để che mắt địch. Những tấm lòng yêu nước như ông dược sĩ Chế (anh vợ đồng chí Trần Duy Hưng), bác sĩ Phạm Khắc Quảng, luật sư Vũ Văn Hiền, bác sĩ Trần Văn Lai… là tấm áo giáp che chở cho cán bộ kháng chiến hoạt động và chuyển ra căn cứ tin tức, sách báo tiếng Pháp và nhiều loại thuốc tây rất cần cho thương binh. Những trí thức yêu nước mà địch gọi là “trùm chăn”, kiên quyết không cộng tác với chúng nên chúng rất tức tối. Những tháng năm hoạt động bí mật ở nội thành đã cho ông kinh nghiệm để sau này hoạt động bí mật trong miền Nam đó là lấy dân làm gốc mới đẩy phong trào ở thành phố lên vững chắc được. 

Hà Nội trước giờ tiếp quản ảnh 2
Lính Pháp trên xe tăng chuẩn bị rút khỏi Hà Nội cạnh một nhà dân treo cờ đỏ sao vàng

Không để cho địch “cãi lý của kẻ mạnh”

Tháng 7 năm 1954, Hiệp định Geneva được ký kết, theo đó, quân đội Pháp sẽ rút khỏi miền Bắc theo từng đợt. Hà Nội nằm trong khu vực tập kết của quân đội Pháp trong vòng 80 ngày, và ta sẽ tiếp quản thành phố ngày 10-10-1954. Do đó, Hội nghị đàm phán  giữa chính phủ ta và đại diện chính phủ Pháp về tiếp quản thành phố đã được mở ở Phù Lỗ. Là Đảng ủy viên Đảng ủy tiếp quản, ông Nguyễn Tài cùng ông Trần Vỹ - Thành uỷ viên, được cử vào đoàn đại biểu của Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Hội nghị Phù Lỗ. Cuộc đấu trí trên bàn hội nghị bắt đầu từ ngày 17-9-1954 và kết thúc vào 2-10- 1954, tập trung vào ba vấn đề cốt yếu: Đưa đội trật tự thực chất là công an, cảnh vệ vào trước ngày tiếp quản; thống nhất nguyên tắc chuyển giao hành chính, đảm bảo cho guồng máy hoạt động bình thường, không bị gián đoạn và bồi thường tài sản đã bị phá hoại; thời gian và kế hoạch rút quân của quân đội Pháp ra khỏi khu Hà Nội phải được phía Pháp thực hiện nghiêm túc. Trong các phiên họp, đoàn đại biểu của ta đã kiên quyết đấu tranh, đòi phía Pháp thực hiện đúng những nguyên tắc đã ghi trong Hiệp định Geneva để chuyển giao quân sự trong trật tự an toàn. 

Đây là một thắng lợi lớn của ta trên bàn Hội nghị, để sớm đưa công an, cảnh vệ vào bảo vệ trật tự, trị an và an ninh thành phố. Ngày 5-10-1954, Đội trật tự gồm 158 công an có vũ trang vào thành phố, chuẩn bị nhận bàn giao các đồn cảnh sát, các cơ quan công an của chính quyền Pháp và ngụy quyền tay sai. Ngày 8-10-1954, Ban tiếp thu quân sự cùng một đơn vị cảnh vệ gồm 214 cán bộ chiến sĩ vào nội thành, bố trí gác chung với quân đội Pháp ở các vị trí trọng yếu như nhà máy điện Yên Phụ, đèn Bờ Hồ, ga… và chuẩn bị nhận bàn giao các vị trí quân sự.

Cùng với đó, vấn đề chuyển giao hành chính đảm bảo guồng máy hoạt động bình thường, không bị gián đoạn, cũng diễn ra gay gắt. Phía Pháp ngoan cố, giữ quan điểm bàn giao công sở chỉ là bàn giao tài sản với tình trạng hiện đang bị phá hoại, không chịu đền bù. Bằng trí thông minh, sắc sảo, lại có tài liệu cụ thể từ trong nội thành do ông Tiến Đức, cán bộ quận ủy nội thành kịp thời gửi ra, nêu rõ những nhà máy, xí nghiệp, công sở đã bị địch phá hoại máy móc, cất giấu, chuyển đi nhiều tài liệu quan trọng, nên trong các phiên họp, ông Nguyễn Tài đã đưa ra chứng cứ, lý lẽ xác đáng, buộc phía Pháp phải bàn giao đủ tài sản, đảm bảo guồng máy hoạt động bình thường sau khi ta tiếp quản; những tài sản quý bị mất hoặc hư hỏng thì phải bồi hoàn. Lúc đầu, đại diện của phái đoàn Pháp, ông De Bresson  buộc phải  thừa nhận, nhưng vẫn quanh co “cãi lý” của kẻ mạnh. Nhưng ông đặt thẳng vấn đề: “Ông De Breson là cố vấn pháp lý của toà Đại sứ Pháp mà tuyên bố như vậy, tôi xin phép được công bố trên đài phát thanh lời tuyên bố ấy”. Cuối cùng, phía Pháp sợ mất thể diện nước thua trận nên phải hứa sẽ bồi hoàn lại tài sản bị phá hoại. “Đó là những thắng lợi lớn của ta trong cuộc đấu tranh ngoại giao mà trên thế giới chưa từng có tiền lệ về việc chuyển giao, tiếp quản  thành phố từ lực lượng đối địch bằng phương pháp hoà bình”, ông trầm tĩnh nói khi nhìn lại sự kiện này.

Lửa thiêng sáng mãi

Thế kỷ XX đã khép lại, những đau thương, hy sinh thầm lặng cho khát vọng độc lập của dân tộc đã ở trong ký ức mỗi người nhưng niềm tự hào, vinh quang vẫn là ánh lửa soi rọi cho các thế hệ con Lạc cháu Hồng. Ông cho tôi xem hồi ký, trong đó, đêm 30-4-1975, thoát khỏi ngục tù của địch, ông làm bài thơ tràn đầy hân  hoan:   

Trở về: Thoát xiềng long lanh đôi mắt/ Cao đầu hổ trở về rừng/ Dạt dào niềm tin sức sống/Vui đời sáng mãi ban maiChín năm kháng chiến chống Pháp lăn lộn ở miền Bắc, 11 năm trải  luyện chiến trường miền Nam  và các trận đòn thù của Mỹ - Ngụy càng tôi luyện ý chí gang thép của người cộng sản Nguyễn Tài. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ông cũng là  người cán bộ  son sắt, kiên trung với Dân, với Đảng, kiên quyết bảo vệ lẽ phải. Ngày 8-12-2008, ông được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cao quý. 

Đã gần 90 tuổi đời, mỗi  khi trái gió trở trời, ông bị đau nhức khớp xương, và căn bệnh mất ngủ do bị địch tra tấn tinh vi trong tù biệt giam vẫn luôn hành hạ ông; nhưng ông vẫn khắc phục bệnh tật, sinh hoạt Đảng đều đặn. Với ông, ngọn lửa thiêng trong tim người cán bộ luôn trung thành với dân tộc, với Đảng, sáng mãi suốt đường đời.