Hà Nội tiên phong vận hành chính quyền đô thị

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hà Nội là thành phố đầu tiên trên cả nước thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị với việc không có Hội đồng nhân dân cấp phường. Đây được xem là bước tiến quan trọng để Thủ đô tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; thể hiện trách nhiệm, tiên phong, gương mẫu trong việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Triển khai thí điểm chính quyền đô thị hướng tới việc phục vụ người dân nhanh và tốt nhất

Triển khai thí điểm chính quyền đô thị hướng tới việc phục vụ người dân nhanh và tốt nhất

Tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả chính quyền địa phương

Thành phố Hà Nội từ ngày 1-7-2021 chính thức thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội và Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Theo đó, toàn bộ các phường của 12 quận và thị xã Sơn Tây ở thành phố sẽ không còn Hội đồng nhân dân (HĐND).

Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội sẽ có nhiều quy định mới, phân định rõ cách quản lý của chính quyền đô thị khác với chính quyền ở khu vực nông thôn; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp với đặc thù đô thị... Cùng với đó, biên chế công chức làm việc tại Ủy ban nhân dân (UBND) phường thuộc biên chế công chức của UBND quận, thị xã và do UBND quận, thị xã quản lý, sử dụng.

Cơ cấu tổ chức của UBND phường gồm: chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng công an, chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự, các công chức khác: văn phòng - thống kê; địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường; tài chính - kế toán; tư pháp - hộ tịch; văn hóa - xã hội. UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng. Chủ tịch UBND phường là người đứng đầu, có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của phường theo quy chế làm việc, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và tuân thủ các quy định của pháp luật.

Đặc biệt, để phục vụ nhân dân nhanh nhất, chủ tịch UBND phường được ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của UBND phường đối với việc chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản theo quy định của pháp luật.

Bộ Nội vụ cho biết, việc tổ chức chính quyền đô thị để hướng đến mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị ở thành phố Hà Nội. Cụ thể là cần quản lý theo ngành, lĩnh vực, theo địa bàn thống nhất, tập trung, xuyên suốt; phát huy hiệu quả việc công tác giám sát của các đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc các cấp…

Việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị giúp tạo nền tảng để phục vụ cho cải cách công vụ trong thời gian tới. Thực hiện chính quyền đô thị, tổ chức và hoạt động, chế độ trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND phường cũng có nhiều điểm mới. Một trong những quan điểm quan trọng để tổ chức chính quyền đô thị ở Thủ đô là UBND phường được xác định là cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn, hoạt động theo nguyên tắc chế độ thủ trưởng, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ; gắn với cải cách hành chính, hiện đại hóa nền hành chính để giải quyết nhanh, phục vụ người dân nhanh nhất.

Những điểm mới quan trọng trong việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị là sẽ giải phóng được các nguồn lực, phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm, sáng tạo của các địa phương trong quá trình phục vụ người dân một cách tốt nhất, đáp ứng sự hài lòng của người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội tại các đô thị.

Phục vụ người dân nhanh và tốt nhất

Thời gian qua, để cụ thể hóa nhiệm vụ thực hiện Nghị định số 32/2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch chi tiết với yêu cầu: việc tổ chức thực hiện mô hình chính quyền đô thị phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật; sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng các cấp. Sau khi sắp xếp, các tổ chức trong hệ thống chính trị ở phường hoạt động ổn định, bình thường với bộ máy UBND tinh gọn, công tác điều hành giữa quận và phường bảo đảm đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tốt các giao dịch hành chính, dân sự.

Những băn khoăn về việc bảo đảm dân chủ cũng như quyền kiểm tra, giám sát khi thực hiện thí điểm chính quyền đô thị đã sớm được giải tỏa. Dù không tổ chức HĐND cấp phường tại 12 quận của Hà Nội và thị xã Sơn Tây, song quyền dân chủ và giám sát của nhân dân vẫn được bảo đảm, tăng cường hơn bằng hình thức trực tiếp của nhân dân hoặc gián tiếp qua các tổ chức, đoàn thể khác ở địa phương.

Tổ chức Đảng ở địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và trực tiếp người dân sẽ thực hiện giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật tại địa phương. HĐND quận sẽ giám sát UBND phường trong việc thực hiện các nhiệm vụ mà HĐND, UBND quận giao cho các phường thông qua hoạt động giám sát của các tổ đại biểu HĐND quận.

Bên cạnh đó, việc tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội phường tập hợp và báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Hằng năm ít nhất 2 lần, trước kỳ họp thường kỳ của HĐND quận, thị xã, chủ tịch UBND phường có trách nhiệm tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân về những vấn đề liên quan đến quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của công dân ở phường mình.

Một số băn khoăn khác như: cán bộ đang là bí thư, phó bí thư, trưởng các đoàn thể đang là công chức phường sắp tới có được chuyển thành công chức của quận không? Nếu được chuyển thì là công chức thuộc quận ủy hay UBND quận, dự toán ngân sách ra sao, ủy quyền thu thế nào?... cũng đã được giải đáp đầy đủ. Bộ Nội vụ cùng Ban Tổ chức Trung ương trao đổi nhằm đề ra phương thức thực hiện thỏa đáng, hợp tình hợp lý để công chức cấp phường tin tưởng, yên tâm công tác.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, thành phố đã đề xuất nhiều nội dung để xây dựng chính quyền đô thị hiệu quả, phù hợp với đặc thù của Thủ đô và đều được Bộ Nội vụ ủng hộ. Trong đó, Hà Nội đề nghị Bộ Nội vụ sớm giao biên chế bổ sung cho các quận, có quy định khung bộ máy các phường và quy định chế độ công vụ khi chuyển về công chức quận. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 của thành phố là rà soát, xử lý các vướng mắc trong việc chuyển công chức phường thành công chức do UBND quận, thị xã quản lý khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

Triển khai thực hiện thí điểm chính quyền đô thị vì thế, bước tiến quan trọng để thành phố Hà Nội tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; thể hiện trách nhiệm, tiên phong, gương mẫu trong việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, giải phóng được các nguồn lực, phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm, sáng tạo của các địa phương trong quá trình phục vụ người dân một cách tốt nhất, đáp ứng sự hài lòng của người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội tại các đô thị.