Hà Nội tăng cường phòng - chống dịch bệnh sốt xuất huyết

ANTD.VN -Chiều 14/6, ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Thành phố đã chủ trì hội nghị đánh giá tình hình và triển khai nhiệm vụ trọng tâm phòng, chống dịch bệnh giai đoạn hiện nay.

Tính đến tháng 6, cả nước ghi nhận 36.437 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 10 trường hợp tử vong.

Tại Hà Nội, tính đến ngày 13/6/2017, toàn Thành phố đã ghi nhận 1.662 trường hợp mắc bệnh (89% bệnh nhân đã khỏi bệnh, hiện chỉ còn 182 bệnh nhân đang điều trị), ghi nhận 1 trường hợp tử vong tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa. Số mắc tăng 3,9 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quýphát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Bệnh nhân phân bố tại 28/30 quận, huyện (trừ huyện Ứng Hòa và thị xã Sơn Tây), 235 xã, phường, thị trấn, chiếm 40% số xã, phường, thị trấn của Thành phố. Các đơn vị có số mắc cộng dồn cao là Đống Đa (484 ca mắc), Hoàng Mai (343 ca mắc), Hai Bà Trưng (128 ca mắc). Một số phường, xã có số mắc cao là: Trung Liệt, Khương Thượng, Thịnh Quang, Láng Hạ, Kim Liên quận Đống Đa; Vĩnh Hưng, Hoàng Liệt, Tương Mai, Yên Sở quận Hoàng Mai; Tiền Phong huyện Thường Tín. Bệnh sốt xuất huyết xuất hiện rải rác vào các tháng trong năm, song có xu hướng gia tăng từ giữa tháng 4 và tăng nhanh trong những tuần gần đây.

Dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến là do một số nguyên nhân. Thứ nhất có sự thay đổi bất thường, không theo chu kỳ dịch những năm trước, thể hiện qua số mắc tăng nhanh và cao sớm so với chu kỳ dịch những năm trước từ 2 đến 3 tháng.

Thứ hai, dịch được ghi nhận trên diện rộng 28/30 quận, huyện, thị xã, tuy nhiên số mắc vẫn tập trung ở khu vực trọng điểm về sốt xuất huyết như những năm trước và có xu hướng lan sang các huyện ven nội như Thường Tín, Hoài Đức. Thứ ba, xuất hiện nhiều ổ dịch phức tạp có qui mô xã, phường với số bệnh nhân cao.

Việc phòng chống dịch có một số khó khăn nhất định như: người dân chưa hoàn toàn phối hợp trong việc xử lý môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành. Một số nơi công tác chỉ đạo của cấp chính quyền chưa thực sự quyết liệt. Đồng thời, thời tiết hiện tại là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và bệnh chưa có vắc xin phòng, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên dịch bệnh có thể tiếp tục gia tăng trong các tháng cuối năm 2017. Theo dự báo thường xuất hiện đỉnh dịch vào khoảng tháng 9 đến tháng 11 hàng năm.

Ngoài sốt xuất huyết, Sở Y tế cũng ghi nhận các dịch bệnh khác như: 81 trường hợp mắc ho gà (1 trường hợp tử vong tại quận Tây Hồ); 61 trường hợp chân tay miệng; 6 trường hợp mắc liên cầu lợn; 4 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản và 2 trường hợp tử vong do dại tại huyện Quốc Oai và huyện Ba Vì.

Đến nay, chưa ghi nhận bệnh nhân tả, thương hàn, tiêu chảy cấp nguy hiểm, bệnh di vi rút Zika, cúm A (H5N1), cúm A(H7N9) và các loại dịch bệnh nguy hiểm khác như Ebola, MERS-CoV. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn TP Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh do vi rút Zika, tuy nhiên dịch bệnh đã xuất hiện tại các tỉnh thành phía Nam và Hà Nội có lưu hành loại muỗi truyền bệnh này nên nguy cơ dịch bệnh có thể xuất hiện tại Hà Nội trong thời gian tới.

Thời gian tới, ngành Y tế Thủ đô tiếp tục thực hiện tốt công tác giám sát dịch bệnh. Đặc biệt là giám sát, phát hiện sớm tại cộng đồng, khoanh vùng xử lý kịp thời, triệt để. Triển khai quyết liệt các biện pháp chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Thường xuyên cập nhật thông tin về các dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam. Làm tốt công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân mắc bệnh và triển khai các phương án phân tuyến điều trị…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh, ngay từ đầu năm, Thành phố đã ban hành Kế hoạch nêu rõ nhiệm vụ của các Sở, ngành, quận, huyện về phòng, chống dịch bệnh của Thành phố năm 2017 và ban hành Công văn về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị các đơn vị căn cứ vào kế hoạch và văn bản đã ban hành triển khai quyết liệt các mặt công tác.

Trong công tác phòng bệnh, Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý nêu cao vai trò của công tác tuyên truyền. Trong đó, đề nghị tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trên các phương tiệu thông tin đại chúng, báo, đài và đài truyền thanh cơ sở.

Sở Y tế có văn bản cụ thể hướng dẫn nội dung tuyên truyền, vận động sự vào cuộc từ hệ thống chính quyền đến cộng đồng người dân. Triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, loăng quăng, tiến hành phun thuốc tới từng hộ gia đình, cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, tăng cường phát hiện ổ dịch, khoang vùng và xử lý kịp thời không để dịch lan rộng…