Hà Nội sau 8 năm mở rộng địa giới hành chính: Thu nhập người dân Thủ đô tăng gấp đôi

ANTĐ - Hôm nay 1-8, Hà Nội tròn 8 năm mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII. Nhìn lại 8 năm đã qua để thấy, Thủ đô Hà Nội đã có những biến chuyển rất lớn và chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức.

Hệ thống hạ tầng của Hà Nội đã có nhiều đổi thay tích cực

Nâng vị thế, thêm trách nhiệm

Kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ là thành tựu dễ nhận thấy qua 8 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội. Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, kinh tế Hà Nội vẫn duy trì tăng tưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 5 năm 2011-2015 tăng 9,23%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước.

Thu nhập bình quân đầu người vào cuối năm 2015 đạt 77 triệu đồng, gấp 2,1 lần so với năm 2010. Các ngành kinh tế tiếp tục tăng trưởng mạnh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Các ngành dịch vụ chất lượng cao, trình độ cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thông tin và truyền thông... có mức tăng trưởng cao. Thành phố bước đầu hình thành một số khu công nghệ cao. 

Một trong những mảng việc được ưu  tiên thúc đẩy, “phải đi trước một bước” sau khi các địa phương sáp nhập vào Hà Nội là công tác quy hoạch; phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng. Kết quả, sau 8 năm, hệ thống quy hoạch của Thủ đô đã cơ bản được hoàn thiện. Mới đây nhất, hôm 30-7, Quy hoạch giao thông vận  tải Thủ đô Hà Nội tới năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được công bố.

Cùng đó, Trung ương và thành phố đã đầu tư rất lớn cho hệ thống hạ tầng giao thông Thủ đô. Các tuyến cao tốc, quốc lộ hướng tâm; trục chính đô thị và nhiều công trình lớn, hiện đại trên địa bàn Hà Nội đã được hoàn thành trong 8 năm qua như Nhà ga T2 Nội Bài; đường vành đai 3; đường Nhật Tân – Nội Bài; đường 5 kéo dài; cầu Nhật Tân; cầu Vĩnh Tuy; cầu Vĩnh Thịnh, cầu Đông Trù...

Sau khi Hà Nội mở rộng, khu vực nông nghiệp cũng ghi nhận những kết quả tích cực, bình quân tăng trưởng 2,46%/năm, giá trị sản xuất đạt 268,3 triệu đồng/ha đất canh tác (ở thời điểm cuối năm 2015), tăng 1,44 lần so với năm 2010.

Chỉ trong 5 năm  (2011-2015), thành phố đã huy động bình quân khoảng 5.800 tỷ đồng/năm cho đầu tư xây dựng nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn được củng cố, nâng cấp. Đến cuối năm 2015, toàn thành phố có 201/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 52,07% tổng số xã, gấp hơn 2 lần chỉ tiêu cả nước.

Bên cạnh đó, văn hóa Thủ đô tiếp tục phát triển; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đạt kết quả đáng ghi nhận. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. An sinh xã hội được bảo đảm, chất lượng cuộc sống của nhân dân từng bước được nâng cao. Hoạt động đối ngoại, hợp tác, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Vị thế, uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao.

Còn nhiều thách thức

Nhìn thẳng vào thực tế, thành phố Hà Nội đánh giá, tốc độ phát triển kinh tế của Hà Nội hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh Thủ đô. Chất lượng tăng trưởng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp. Kinh tế tri thức, hàm lượng chất xám có giá trị gia tăng cao của các ngành kinh tế chủ lực chưa rõ nét. Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng còn yếu kém. Con số  1.592 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2016 là minh chứng. 

Tuy quỹ đất của Hà Nội tăng gấp 3,6 lần sau mở rộng địa giới song tới nay, tỷ lệ giãn dân khu vực nội đô còn rất thấp. Việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, trường đại học, cao đẳng, cơ sở khám, chữa bệnh ra khỏi khu vực nội đô cũ hầu như không biến chuyển gì.

Việc cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang các khu chung cư cũ trong nội thành cũng rất ì ạch, chỉ đạt khoảng 1% yêu cầu và còn nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách. Tình trạng ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm... chậm được giải quyết cũng là những điểm nghẽn mà chính quyền các cấp ở Hà Nội cần tập trung tháo gỡ.

Chưa giải quyết dứt điểm được những tồn tại trên, bên cạnh những nguyên nhân khách quan, thành phố Hà Nội cũng thừa nhận, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành, hiệu quả giải quyết công việc ở một số cấp, ngành, lĩnh vực chưa thực sự quyết liệt, thiếu năng động, sáng tạo. Có việc, có lúc còn trì trệ. Một bộ phận cán bộ, đảng viên còn đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong khi thành phố chưa có các chế tài đủ mạnh trong việc ngăn chặn, xử lý kịp thời các sai phạm và biểu hiện tiêu cực xảy ra trên địa bàn.

Xác định trong giai đoạn sắp tới, Hà Nội phải phát huy vai trò đầu tàu, trung tâm phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, thành phố đã đề ra 4 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 3 khâu đột phá. Cùng với đó, Hà Nội cũng đề ra các chỉ tiêu cụ thể tới năm 2020 để phấn đấu.

Theo đó, đáng chú ý, tới 2020, thu nhập bình quân đầu người của Thủ đô sẽ tăng gấp đôi thời điểm năm 2015, đạt khoảng 140-145 triệu đồng (khoảng 6.700-6.800 USD). Để đạt được những kỳ vọng đó, thực tế đòi hỏi sự đồng thuận xã hội và thống nhất cao trong quá trình tổ chức thực hiện cũng như sự thay đổi quyết liệt trong chỉ đạo và điều hành ở tất cả các cấp của thành phố.