Hà Nội: Rộ tình trạng phụ huynh nhận được cuộc gọi "con đang cấp cứu, chuyển tiền gấp'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -Gọi điện đến Đường dây nóng ANTĐ nhiều bạn đọc tỏ ra hoang mang, lo lắng khi chiêu lừa 'con đang cấp cứu, chuyển tiền gấp' đồng loạt xuất hiện tại nhiều trường học tại Hà Nội...

Trao đổi với phóng viên ANTĐ, anh T.V.H, 50 tuổi ở quận Tây Hồ, Hà Nội phản ánh, con trai lớn của anh đang học lớp 11 trường PTTH Chu Văn An, quận Tây Hồ.

Chiều 13-3, trong nhóm chat Zalo của phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm, cô giáo đã gửi tin thông báo của Ban giám hiệu tới các lớp với nội dung ‘hôm nay có 2 phụ huynh của trường bị kẻ xấu giả danh giáo viên/nhân viên y tế trường gọi điện báo tin con đang ở viện cấp cứu cần chuyển tiền ngay để nhập viện.

Kẻ xấu nắm rất rõ thông tin của học sinh và tên chính xác của giáo viên, kể cả môn dạy. Nếu cha mẹ học sinh nhận được tin nhắn, cuộc gọi tương tự thì liên hệ ngay với phó hiệu trưởng hoặc thầy cô chủ nhiệm để xác minh’.

Trong khi chưa hết hoang mang, anh H lại tiếp tục nhận được tin nhắn của giáo viên chủ nhiệm lớp 8 Trường THCS Thăng Long, quận Ba Đình – nơi con gái thứ hai của anh đang theo học với nội dung tương tự.

'Điều này chứng tỏ các đối tượng lừa đảo đã chuyển sang ‘tấn công’ đồng loạt cha mẹ học sinh trên địa bàn Hà Nội. Một số người do biết thông tin từ trước nên không sập bẫy nhưng vẫn có những bậc cha mẹ chưa nắm được thủ đoạn này.

Do vậy, tôi rất mong lực lượng chức năng nhanh chóng vào cuộc điều tra và xử lý nghiêm những kẻ có hành vi tung tin giả, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời làm rõ việc vì sao thông tin cá nhân của học sinh và phụ huynh bị lộ lọt, lỗi do đâu' – anh H kiến nghị.

Nhiều phụ huynh học sinh tại Hà Nội nhận được thông báo từ nhà trường về thủ đoạn 'lừa con cấp cứu, chuyển tiền gấp'

Nhiều phụ huynh học sinh tại Hà Nội nhận được thông báo từ nhà trường về thủ đoạn 'lừa con cấp cứu, chuyển tiền gấp'

Trước đó, với cùng thủ đoạn trên, tại TP.HCM, hàng chục phụ huynh đã chuyển cho kẻ lừa đảo với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng. Dù các bệnh viện, nhà trường cùng Sở GD&ĐT đã nhanh chóng phát đi cảnh báo, song do một số phụ huynh khi nhận thông tin không liên hệ được với giáo viên, lo lắng thái quá nên vẫn sập bẫy.

Lý giải về nguyên nhân nhiều bậc cha mẹ học sinh dính chiêu lừa 'con đang cấp cứu', theo các chuyên gia tâm lý, bản năng bảo vệ, chăm sóc của cha mẹ luôn thường trực hướng đến việc có thể bảo vệ tốt nhất cho con, đặc biệt là khi con không ở cạnh.

Chiêu lừa này hình thành cảm xúc hoảng loạn, sợ hãi trong thời gian ngắn, khiến tâm lý phụ huynh bất an, lo lắng, đặc biệt là khi chưa thu nhận đủ thông tin hoặc người báo tin trình bày không rõ ràng, sử dụng ngôn ngữ tiêu cực, kích động cảm xúc (bị thương rất nặng, đang nguy kịch, không cấp cứu gấp sẽ tử vong…).

Để tránh rủi ro, khi nhận được bất cứ thông tin gì liên quan đến con em mình, phụ huynh hãy bình tĩnh và tìm cách liên lạc với người trực tiếp dạy học, chăm sóc hay ở gần khoảng cách với trẻ nhằm kiểm tra thông tin.

Bên cạnh đó, cần để ý các dấu hiệu đáng ngờ của thông tin như cách xưng hô khác biệt thường ngày, thời gian báo tin vào giờ nghỉ trưa, giữa đêm hay giờ tan tầm. Việc đối tượng thuộc lòng về trường học của con, lớp học của con, giáo viên chủ nhiệm, thầy cô, hiệu trưởng nhưng lại không thể cung cấp thông tin các nhân mình một cách rõ ràng, nơi làm việc cụ thể cũng là một yếu tố quan trọng để phụ huynh cảnh giác.

Ngoài ra, các trường học cần có quy chế chặt chẽ trong việc thông tin tới cha mẹ học sinh, thường xuyên nắm bắt, cập nhật tình hình hoạt động, sức khỏe của học sinh trong thời gian ở trường cho phụ huynh biết, đồng thời thực hiện tốt chế độ bảo mật thông tin của phụ huynh, học sinh, tránh việc để kẻ xấu biết, lợi dụng…