Hà Nội phân công lại quản lý về an toàn thực phẩm: Chủ tịch huyện, xã là Trưởng Ban chỉ đạo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo quyết định mới do UBND TP Hà Nội vừa ban hành, Chủ tịch UBND huyện, xã sẽ là Trưởng Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm tại địa phương…
Kiểm tra ATTP tại Hà Nội

Kiểm tra ATTP tại Hà Nội

UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Quyết định 28/2022/QĐ-UBND quy định phân công, phân cấp quản lý về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn thành phố. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 4/7/2022.

Theo đó, Sở Y tế được giao là cơ quan đầu mối Thường trực Ban Chỉ đạo công tác ATTP thành phố.

Quyết định cũng cụ thể hóa trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã trong quản lý về ATTP. Trong đó, Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo công tác ATTP; chủ động tổ chức lực lượng thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn…

Đối với UBND cấp xã, thực hiện quản lý nhà nước về ATTP trên phạm vi địa phương, chịu trách nhiệm trước UBND cấp huyện và UBND thành phố về ATTP tại địa phương. Chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo công tác ATTP ở địa bàn quản lý.

Thống kê của Cục ATTP - Bộ Y tế, trong 5 tháng đầu năm 2022, cả nước xảy ra 11 vụ ngộ độc thực phẩm với 263 người bị ngộ độc, trong đó có 2 người tử vong.

Cục ATTP cảnh báo, trong mùa hè nắng nóng, việc gia tăng sử dụng nước đá, nguyên liệu tươi sống, chế biến thức ăn không nấu chín kỹ, nấu xong không ăn ngay hoặc không đun lại sau khi bảo quản thức ăn quá 2 giờ... dễ dẫn tới ngộ độc thực phẩm.

Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng khuyến cáo: Với rau quả ăn sống, cần phải rửa kỹ, ngâm nước muối 0,9% trước khi ăn. Các loại thực phẩm cần phải được nấu chín, khi chưa dùng đến hoặc thực phẩm thừa trong các bữa ăn mà muốn giữ lại thì chỉ để ở nhiệt độ của phòng không quá 2 giờ, sau đó cần cho vào tủ lạnh.

Khi chế biến thực phẩm, cần đảm bảo vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến, sử dụng nguồn nước sạch…