Hà Nội: Nỗ lực xây dựng nhà ở xã hội, nâng cao điều kiện sống người dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Gần chục năm qua, TP Hà Nội tập trung phát triển các dự án nhà ở xã hội cho các đối tượng theo quy định và nhà ở cho công nhân học sinh sinh viên. Hiện nay, TP có gần 50 dự án nhà ở xã hội đang được tích cực triển khai.

Đã hoàn thành 25 dự án nhà ở xã hội

Thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, Quyết định được UBND TP Hà Nội phê duyệt vào tháng 11/2014 xác định mục tiêu phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020 khoảng hơn 6,2 triệu m2 sàn nhà ở.

Trong đó, gần 4,7 triệu m2 nhà ở xã hội cho 9 đối tượng quy định tại Nghị định số 188 của Chính phủ; hơn 560.000m2 sàn nhà ở công nhân và xấp xỉ 1 triệu m2 sàn nhà ở cho sinh viên.

Kết quả, trong giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn TP Hà Nội đã có 25 dự án hoàn thành với tổng số hơn 1,2 triệu m2 sàn nhà ở xã hội. Trong năm 2021 và 10 tháng đầu năm 2022 đã hoàn thành 4 dự án với gần 330.000m2 sàn nhà ở xã hội với 3.900 căn hộ.

Giai đoạn này, TP đã tập trung xây dựng nhà ở cho công nhân với 1 dự án với 130.000 m2 sàn, tương đương 1.170 căn hộ.

Hiện, TP đang triển khai 46 dự án với khoảng 2,9 triệu m2 sàn. Trong đó, nhà ở cho công nhân là 6 dự án với khoảng 316.000m2 sàn; còn lại là nhà ở phục vụ các đối tượng theo Điều 49 của Luật nhà ở là 40 dự án với gần 2,6 triệu m2 sàn.

UBND TP Hà Nội nhìn nhận, thời gian qua, TP đã tập trung hoàn thành các chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở được duyệt, cơ bản đáp ứng nhu cầu về nhà ở và góp phần nâng cao điều kiện, chất lượng sống cho người dân Thủ đô.

Công tác đầu tư xây dựng nhà ở, khu nhà ở xã hội đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đã gắn với phát triển đô thị, chỉnh trang đô thị;

Dự án nhà ở xã hội Đặng Xá, Gia Lâm

Dự án nhà ở xã hội Đặng Xá, Gia Lâm

Nhà ở xã hội được đầu tư với nhiều hình thức đa dạng từ các nguồn lực xã hội, như đầu tư phát triển mới các dự án nhà ở xã hội độc lập; dành diện tích đất, diện tích sàn nhà ở thương mại để làm nhà ở xã hội; triển khai nghiên cứu thí điểm xây dựng 5 khu nhà ở xã hội tập trung với quy mô lớn, hạ tầng đồng bộ, tổng diện tích hơn 272ha với 2,5 triệu m2 sàn.

Dù vậy, UBND TP Hà Nội cũng thẳng thắn nhìn nhận, với các nỗ lực như trên nhưng các chỉ tiêu về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và cho học sinh, sinh viên đều chưa đạt so với mục tiêu kế hoạch đưa ra.

Theo UBND TP Hà Nội, một trong những nguyên nhân dẫn đến các chỉ tiêu về nhà ở xã hội không đạt là do Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở, đây là nhiệm vụ mới, khó và trong bối cảnh chưa ban hành chương trình phát triển đô thị của TP.

Do đó, đề xuất nhu cầu phát triển nhà ở của TP chưa sát với thực tế, chưa lường hết được các thách thức, phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.

Thêm vào đó, các chính sách, văn bản luật của Trung ương chưa kịp thời quy định mới hoặc điều chỉnh, bổ sung các trường hợp phát sinh trong thực tế. Các khu nhà ở xã hội tập trung triển khai chậm do vướng cơ chế, chính sách; việc đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện.

Dự án nhà ở xã hội Ecomhome, Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm

Dự án nhà ở xã hội Ecomhome, Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm

Đặc biệt, theo UBND TP Hà Nội, cơ chế, chính sách ưu đãi hiện hành chưa thu hút được các nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội khu vực ngoại thành và nhà ở xã hội phục vụ các đối tượng là công nhân, sinh viên.

Tập trung hoàn thiện 55 dự án trong những năm tới

Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, tổng nhu cầu diện tích sàn nhà ở xã hội giai đoạn sau năm 2020 trên địa bàn TP cần khoảng 6,8 triệu m2 sàn nhà ở. Còn theo chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021-2030 đã được phê duyệt, mục tiêu phát triển nhà ở xã hội đến năm 2025 khoảng 1,25 triệu m2 sàn.

Giai đoạn sau năm 2030 có 28 dự án đang triển khai, dự kiến hoàn thành với khoảng 2 triệu m2 sàn nhà ở, trong đó 22 dự án phục vụ các đối tượng theo Điều 49 Luật Nhà ở, 6 dự án phục vụ công nhân, người lao động làm việc trong các khu, cụm công nghiệp.

Ngoài ra, còn triển khai 5 dự án nhà ở xã hội độc lập đang được nghiên cứu triển khai.

Cụ thể, đối với 2 khu nhà ở xã hội đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết gồm khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh. Quy mô nghiên cứu 44,72ha đất với dân số dự kiến khoảng 12.500 người.

Khu nhà ở xã hội TP kết nối xanh - “Green Link City” tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, quy mô nghiên cứu khoảng 39,50ha đất với dân số dự kiến khoảng 11.000 người.

Đến nay, Sở Xây dựng đã phê duyệt đề cương nhiệm vụ và dự toán chi phí tổ chức lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư và yêu cầu sơ bộ năng lực kinh nghiệm của nhà đầu tư; đã phối hợp Sở Tài chính trình UBND TP xem xét, quyết định phân bổ và giao dự toán để Sở Xây dựng thực hiện công tác lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư 2 dự án.

Với 3 dự án nhà ở xã hội chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết gồm khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm. Quy mô nghiên cứu khoảng 53,1ha;

Khu nhà ở xã hội tại ô đất CT1-5 thuộc quy hoạch phân khu đô thị S5 (thuộc các xã Ngọc Hồi, Đại Áng, Liên Ninh, huyện Thanh Trì và xã Khánh Hà, huyện Thường Tín). Quy mô nghiên cứu khoảng 44,62 ha và Khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh có quy mô nghiên cứu khoảng 96 ha.

Ngày 19/5/2023, UBND TP đã có quyết định về việc giao nhiệm vụ tổ chức lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư và yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư đối với 3 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập nêu trên.

Sở Xây dựng cũng đã có văn bản đề nghị Sở TN-MT, UBND các huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Thường Tín, Đông Anh báo cáo UBND TP cho phép đăng ký bổ sung 5 dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội độc lập trên vào danh mục các dự án thu hồi đất năm 2023, làm cơ sở trình HĐND TP thông qua trong năm 2023.

Dự kiến 6 tháng cuối năm nay, TP Hà Nội sẽ hoàn thành khoảng 495 căn hộ nhà ở xã hội, diện tích 32.000 m2 sàn nhà ở.

Như vậy, trong giai đoạn 2021-2025 TP xác định các nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội trọng tâm, trong đó đẩy nhanh hoàn thành 22 dự án hiện nay đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ bản xong GPMB; tiếp tục triển khai 28 dự án còn lại dự kiến hoàn thành sau năm 2025 để bù đắp diện tích nhà ở còn thiếu so với mục tiêu kế hoạch, đồng thời chuẩn bị đầu tư 5 dự án khu nhà ở xã hội độc lập.

TP sẽ tiếp tục rà soát các ô đất thuộc các quỹ đất 20%, 25% tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị và định kỳ cập nhật quỹ đất thuộc các dự án đang thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất, bổ sung thêm quỹ nhà ở xã hội TP, bù trừ cho các dự án chậm tiến độ.

Chia sẻ về chủ trương, chính sách phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn TP Hà Nội thời gian qua, bà Nguyễn Hoa Hồng Nhung, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng NHS, một doanh nghiệp khá thành công trong phát triển nhà ở xã hội tại Hà Nội - cho hay, NHS đã hoàn thiện xong 2 dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Thủ đô, bàn giao cho người dân đưa vào sử dụng gồm Khu nhà ở xã hội tại ô đất C11-ODK4, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai (hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2018) và nhà ở xã hội tại ô đất quy hoạch K-1 phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm (hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2022),

Hiện nay, công ty thực hiện dự án nhà ở xã hội tại ô đất HH-02A thuộc dự án nhóm nhà ở Đông Nam đường Tố Hữu, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm (dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2025).

“Để các dự án nhà ở xã hội của NHS sớm đưa vào vận hành, thời gian qua, NHS đã nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ phía TP Hà Nội cũng như các Sở, ngành liên quan. Cụ thể như, hỗ trợ đơn vị nhanh chóng hoàn thành các bước đầu tư như: Quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt tổng mặt bằng phương án kiến trúc, giao đất, cấp phép, miễn tiền sử dụng đất, phê duyệt giá bán, làm sổ cho người dân khi được bàn giao nhà”- bà Hồng Nhung chia sẻ.

Dù vậy, lãnh đạo NHS cũng cho rằng, để thu hút được nhà đầu tư tham gia thực hiện các dự án nhà ở xã hội thì các tổ chức tín dụng cần ưu tiên danh mục cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Đối với các doanh nghiệp tham gia các dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được các tổ chức tín dụng cho vay, giải ngân nhanh chóng, đúng trọng điểm, ưu đãi lãi suất.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu không bắt buộc phần căn hộ cho thuê đối với các dự án nhà ở xã hội (trừ nhà ở xã hội cho công nhân) vì việc bán căn hộ sau 5 năm cho thuê phát sinh nhiều bất cập.

Ngoài ra, nên có chính sách và quy định pháp luật riêng đối với nhà ở công nhân các khu công nghiệp để thu hút và ổn định cuộc sống cho người lao động tại đây.