Hà Nội: Người dân hối hả đi chợ sớm, mua hàng phòng bão đổ bộ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Người dân nhiều khu vực tại nội đô Hà Nội đi chợ sớm trong 2 ngày qua để mua hàng thiết yếu, phòng khi bão đổ bộ.
Lực lượng QLTT kiểm tra việc cung ứng và nguồn gốc hàng hóa tại điểm bán lẻ

Lực lượng QLTT kiểm tra việc cung ứng và nguồn gốc hàng hóa tại điểm bán lẻ

Sức mua thực phẩm, rau xanh tăng mạnh

Tại chợ Thành Công, sáng 21-7, ngay sau khi có tin bão Wipha đang sắp đổ bộ, người dân quanh khu vực đã tranh thủ đi mua sắm hàng hóa. Chị Hồng Thu (tập thể Thành Công, phường Giảng Võ) cho biết: “Từ sáng sớm 21-7 mưa rát mặt nhưng tôi vẫn phải đi chợ mua đồ ăn đủ cho 2-3 ngày, xong mới về đi làm. Mới 7 giờ sáng mà các hàng thịt đã vãn, ai đi muộn chỉ còn thịt vụn. Hàng cá người mua cũng xôn xao”.

Đến sáng nay, 22-7, mặc dù Hà Nội trời quang hơn và chỉ có mưa nhỏ nhưng các chợ vẫn họp sớm để “chạy bão”. Chị Minh Phương (phường Cầu Giấy) cho biết: “Hơn 6h sáng tôi đã mua đủ rau xanh, thực phẩm cho 2 ngày. Người dân đi chợ sớm, tranh thủ lúc mưa nhỏ. Tôi không mua tích trữ hàng hóa nhiều ngày nhưng cũng đủ dùng phòng mưa bão, ngập lụt”.

Theo chị Minh Phương, giá thịt lợn tại các chợ khá ổn định, dao động từ 140.000-150.000 đồng/kg với các loại thịt ngon, 160.000 đồng/kg sườn. Giá các mặt hàng cá tăng nhẹ. Thịt bò, thịt gà giữ ổn định.

Tuy nhiên, nhiều loại rau xanh nhích giá nhẹ. Rau muống tăng khoảng 2.000 đồng/mớ, lên 8.000-9.000 đồng/mớ; mồng tơi 8.000 đồng/mớ; rau dền 8.000 đồng/mớ… Bí xanh, bí đỏ, khoai tây, hành lá cũng bán chạy hàng hơn.

Tại phường Từ Liêm, chợ Mỹ Đình sáng nay ít người bán hơn. Chị Bảo Anh (nhà ở phố Trần Bình) cho biết: "Tôi dự định đi mua cá về kho nhưng ban đầu thấy hàng cá đông quá, đi mua rau và gia vị trước, đến lúc quay lại cá to đã hết. Tôi đành chuyển sang mua thịt ăn tạm vài ngày. Có người bảo trời khá tạnh ráo không cần mua nhiều nhưng cũng có người bảo "lặng yên trước cơn bão" nên cứ mua thêm chút ít cho yên tâm".

Tại các siêu thị lớn như: GO! Thăng Long, Winmart Lê Đức Thọ…, tối 21-7, dù có mưa to nhưng khách hàng đông đúc. Các siêu thị không xảy ra tình trạng hết hàng hay chen lấn, xô đẩy để mua sắm.

Chủ động kiểm soát thị trường, đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu

Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) vừa có văn bản khẩn số 1819/TTTN-VP ngày 21/7/2025 gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc ứng phó khẩn cấp với bão số 3 Wipha.

Theo đó, Cục đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố nằm trong vùng ảnh hưởng như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hà Nội, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Đắk Lắk khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm ổn định thị trường và đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân trong mọi tình huống.

Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước yêu cầu các địa phương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường thường xuyên bám sát diễn biến và tình hình thị trường tại cơ sở. Đồng thời, cần tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra và kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân trước, trong và sau mùa mưa bão.

Đặc biệt, trong trường hợp xảy ra thiên tai, các địa phương cần chủ động xử lý các hành vi lợi dụng tình hình để đầu cơ, găm hàng, hoặc tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm và vật liệu xây dựng.

Cùng với đó, các Sở Công Thương cần khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Kế hoạch này phải xác định rõ danh mục, số lượng, phương thức bảo quản, vận chuyển và phân phối các mặt hàng như lương thực, thực phẩm, nước sạch, vật liệu xây dựng và xăng dầu, nhằm bảo đảm khả năng cung ứng kịp thời trong trường hợp thiên tai gây chia cắt địa bàn.

Ngoài ra, các địa phương cần thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình cung cầu, giá cả và hệ thống phân phối, qua đó đảm bảo thông tin điều hành thị trường được thông suốt và chính xác.

Theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội, TP Hà Nội sẽ thực hiện dự trữ hàng hóa thiết yếu trong 7 ngày gồm lương thực (gạo, mì ăn liền, cháo ăn liền, cơm khô, lương khô), nước sạch đóng chai, thực phẩm chế biến, sữa hộp, nến thắp sáng và các vật dụng thiết yếu khác.

Tổng khối lượng hàng hóa đủ phục vụ cho khoảng 250.000 người trong 7 ngày, với tổng kinh phí 122,7 tỷ đồng.

Ngoài các mặt hàng phục vụ cứu trợ khẩn cấp, nhằm đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu cho người dân vùng bị ảnh hưởng khi xảy ra thiên tai, TP Hà Nội còn dự trữ các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu như: áo mưa, ủng cao su, đèn pin, pin, bạt che mưa, chất đốt, vật liệu xây dựng, thuốc y tế…

TP Hà Nội cũng triển khai chương trình bình ổn thị trường năm 2025 với 13 nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thịt, thủy hải sản, rau củ quả, dầu ăn, trứng, sữa trẻ em, đường, nước giải khát…