Hà Nội: Mở rộng hệ thống cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau giai đoạn thí điểm, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2020 - 2025”, nhằm đưa trái cây an toàn đến với đông đảo người dân.

Hệ thống cửa hàng trái cây an toàn sẽ được mở rộng

Theo Đề án này, trong giai đoạn 2020-2021, tại 12 quận nội thành, 100% các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh trái cây tại tuyến phố biết đến Đề án, đặc biệt là các cửa hàng mới mở; duy trì 100% cửa hàng bán trái cây trên địa bàn các quận nội thành của thành phố có đăng ký kinh doanh theo quy định;

100% người kinh doanh trái cây được đào tạo, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; 100% cửa hàng kinh doanh trên các tuyến phố được cấp biển nhận diện “Cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn”, có biển hiệu và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện bảo quản trái cây, bảo đảm chất lượng lưu giữ trái cây tươi theo quy định khi đến tay người tiêu dùng; 30%-50% các tuyến phố văn minh không có các hộ kinh doanh bán hàng rong, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.

Tại các huyện, thị xã, trong năm 2020 đạt 40%, hết năm 2021 đạt 100% các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các huyện, thị xã có đăng ký kinh doanh; 100% người kinh doanh trái cây có kiến thức, được đào tạo, tập huấn kiến thức về an toàn thực phấm theo quy định; 100% cửa hàng có biển nhận diện “Cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn” và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện bảo quản trái cây, bảo đảm lưu giữ được trái cây tươi, chất lượng khi đến tay người tiêu dùng.

Phấn đấu các tuyến phố tại trung tâm các huyện, thị xã đạt tuyến phố văn minh không có các hộ kinh doanh bán hàng rong, lan chiếm lòng đường, vỉa hè; Phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong kinh doanh cũng như vi phạm về an toàn thực phẩm, nhất là sử dụng các chất độc hại, chất cấm... đế sản xuất, bảo quản trái cây.

Trong giai đoạn từ năm 2022- 2025, triển khai quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây đồng bộ trên 30 quận, huyện, thị xã đạt 100% các cửa hàng kinh doanh trái cây đủ điều kiện để cấp biển nhận diện cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn.

Tăng cường kiếm tra, kiểm soát đảm bảo trái cây lưu thông trên địa bàn được kiểm soát về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, các điều kiện về ... xóa bỏ các điểm kinh doanh trái cây không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và trật tự đô thị (nhất là ở lòng đường, vỉa hè, nơi công cộng).

Theo UBND TP Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 26 trung tâm thương mại và 142 siêu thị, trong đó có 25 trung tâm thương mại và 111 siêu thị kinh doanh tổng hợp có kinh doanh trái cây. Các trung tâm thương mại, siêu thị này bố trí phân khu riêng biệt bày bán sản phẩm trái cây với nhiều chủng loại phong phú, có đầy đủ các trang thiết bị nhằm đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm phục vụ kinh doanh như: kho bảo quản, tủ bảo quản, giá, kệ trưng bày trái cây.

Người quản lý và người bán hàng định kỳ khám sức khỏe, có kiến thức về an toàn thực phẩm và được cấp giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm. Sản phẩm trái cây có hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Các đơn vị kinh doanh trái cây với số lượng lớn là Vinmart, Big c, Qmart, Citimart, Intimex, Hapro, Lan Chi... Lượng tiêu thụ trái cây bình quân 5 tấn/tháng/siêu thị.

Bên cạnh đó, Hà Nội còn có hàng nghìn cửa hàng tiện lợi (trong đó có hơn 1.000 cửa hàng kinh doanh tổng hợp có trái cây), khoảng 600 cửa hàng chuyên doanh trái cây. “Trái cây bán tại hệ thống cửa hàng này đảm bảo rõ nguồn gốc xuất xứ, chủng loại phong phú, trang bị đầy đủ tủ, kệ, giá trưng bày trái cây. Người quản lý và người bán hàng định kỳ khám sức khỏe, có kiến thức về an toàn thực phẩm và được cấp giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm”- UBND TP Hà Nội cho biết.

Tuy nhiên, 2 chợ đầu mối, 5 chợ hoạt động với tính chất chợ đầu mối lại chưa phát huy triệt để chức năng đầu mối tập trung nguồn trái cây cũng như chưa thu hút được đa dạng chủng loại, nguồn trái cây cung cấp cho thị trường Hà Nội, trong khi nhu cầu tiêu thụ trái cây của Hà Nội luôn ở mức cao.

Tại các chợ dân sinh, vẫn còn tình trạng kinh doanh trái cây không đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP). Một số cửa hàng kinh doanh trái cây chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật về kinh doanh trái cây, không có các trang thiết bị bảo quản, giám sát chất lượng trái cây, sử dụng nhiều chất bảo quản ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng… Việc kiểm soát truy xuất nguồn gốc, đảm bảo ATTP còn gặp nhiều khó khăn, trái cây vẫn được bán tràn lan ở vỉa hè, lòng đường.

Do đó, việc mở rộng triển khai các điểm bán trái cây an toàn trên địa bàn thành phố sẽ góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh; kiểm soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây thực hiện đúng quy định pháp luật về ATTP từ khâu sản xuất, sơ chế, cung ứng ra thị trường và tới tay người tiêu dùng, đảm bảo ổn định sản lượng và tiêu chuẩn chất lượng, qua đó bảo vệ người tiêu dùng.