Hà Nội lập lại trật tự lòng hè đường

(ANTĐ) - Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, qua 1 tháng triển khai giai đoạn 1 Quyết định 20 về quản lý sử dụng hè phố, lòng đường, các lực lượng chức năng đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, tiến hành ký cam kết với các hộ dân về việc không lấn chiếm hè, đường phố.

Từ hôm nay 1-7:

Hà Nội lập lại trật tự lòng hè đường

(ANTĐ) - Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, qua 1 tháng triển khai giai đoạn 1 Quyết định 20 về quản lý sử dụng hè phố, lòng đường, các lực lượng chức năng đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, tiến hành ký cam kết với các hộ dân về việc không lấn chiếm hè, đường phố.

Từ hôm nay, 62 tuyến phố sẽ không được phép bán hàng rong
Từ hôm nay, 62 tuyến phố sẽ không được phép bán hàng rong

Để chuẩn bị cho giai đoạn 2 bắt đầu từ hôm nay, 1-7, Sở GTVT và các quận đã hoàn thành cắm 332 biển báo cấm trên 62 tuyến phố.

Đến  cuối giờ chiều qua, 30-6, Sở GTVT vẫn tiếp tục cử các đoàn công tác làm việc với các quận để tiến hành rà soát, sắp xếp lại hệ thống các điểm trông giữ xe đạp, xe máy.

Bắt đầu từ 7h sáng nay, 1-7, các lực lượng chức năng đồng loạt tiến hành nhắc nhở và xử lý đối với các trường hợp vi phạm, tập trung vào các tuyến phố cấm để xe đạp, xe máy, cấm bán hàng rong, đồng thời giải tỏa tất cả các vi phạm lấn chiếm hè phố, lòng đường.

Theo bà Nguyễn Thị Như Mai - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, 400 cán bộ QLTT cũng sẽ được huy động tham gia vào các tổ công tác của thành phố trong đợt này.

Sở Công thương cũng đã chỉ đạo các chợ đầu mối tuyên truyền, thông tin đến bà con bán hàng rong về kế hoạch của thành phố để có hình thức chuyển đổi.

“Từng bước làm cho đường phố văn minh, sạch đẹp hơn. Triển khai lâu dài, đồng bộ, nhưng vẫn đảm bảo an sinh xã hội” - Tinh thần của đợt lập lại trật tự, kỷ cương lòng đường, hè phố của Hà Nội đã được ông Nguyễn Thịnh Thành - Chánh Văn phòng UBND TP truyền đạt lại như vậy.

Ông Thành cho biết, những ngày đầu tháng 7 sẽ lập biên bản có tính chất cam kết đối với những cá nhân vi phạm, sau đó sẽ áp dụng những biện pháp xử phạt mang tính răn đe cao hơn.

“Thành phố cũng yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát, xem xét sắp xếp cho bà con có điều kiện kinh doanh tốt hơn” - ông Thành nói.

Hôm qua, 30-6, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo đã ký Văn bản số 4156 yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện, sở ngành liên quan phải xác định việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định của thành phố về quản lý, sử dụng hè phố, lòng đường và hoạt động bán hàng rong là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài trong công tác quản lý đô thị.

Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu duy trì thường xuyên, liên tục công tác kiểm tra, kiểm soát để đôn đốc, nhắc nhở và kiên quyết xử lý vi phạm.

Trong đợt lập lại trật tự kỷ cương đô thị lần này, Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP về việc triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn.

Phương Anh

Danh mục các tuyến phố không được kinh doanh, buôn bán trên hè phố

Quận Hoàn Kiếm có 16 tuyến phố, bao gồm: Đinh Tiên Hoàng, Lê Lai, Lê Thạch, Lê Thái Tổ, Bà Triệu, Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi, Hàng Lược, Chả Cá, Hàng Cân, Lương Văn Can, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Bài, Nhà Chung.

Quận Ba Đình có 26 tuyến phố, bao gồm: Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Chu Văn An, Độc Lập, Hùng Vương, Phan Đình Phùng, Nguyễn Tri Phương, Điện Biên Phủ, Lê Hồng Phong, Trần Phú, Chùa Một Cột, Ông Ích Khiêm, Bà Huyện Thanh Quan, Lê Trực, Sơn Tây, Thanh Niên, Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Bắc Sơn, Mai Xuân Thưởng, Nguyễn Chí Thanh, Vạn Phúc, Liễu Giai, Văn Cao, Phan Huy Ích, Vạn Bảo.

Quận Đống Đa có 12 tuyến phố, gồm: Cát Linh, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn, Trường Chinh, Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, Đào Duy Anh, Chùa Bộc, Thái Hà, Khâm Thiên, Đê La Thành.

Quận Hai Bà Trưng có 3 tuyến phố, gồm: Bạch Mai, Phố Huế, Trương Định.

Quận Cầu Giấy có 3 tuyến phố là Xuân Thủy, Cầu Giấy, Trần Duy Hưng. Quận Thanh Xuân có 2 tuyến phố là Nguyễn Huy Tưởng và Khương Trung.