- Thường Tín vươn lên chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao
- Hành trình viết nên kỳ tích xây dựng nông thôn mới nâng cao ở xã Phú Mãn
- Hội diều làng Bá Dương Nội: Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và niềm tự hào quê hương Đan Phượng
![]() |
Huyện Đông Anh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao |
Gặt hái nhiều kết quả ấn tượng
Thống kê từ Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho thấy, trong giai đoạn 2021–2023, Thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận thêm 11 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Với kết quả này, Hà Nội trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước có 100% huyện, thị xã (17/17 đơn vị) đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành mục tiêu trước hai năm so với kế hoạch Chương trình số 04-CTr/TU.
Bên cạnh đó, việc hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới cũng ghi nhận bước tiến vượt bậc. Từ năm 2021 đến nay, Hà Nội đã công nhận thêm 14 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 382/382 xã, đạt tỷ lệ 100%, hoàn thành chỉ tiêu sớm hơn 4 năm so với mục tiêu đến năm 2025. Đặc biệt, nhiều xã không chỉ dừng lại ở việc “về đích” nông thôn mới, mà tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng tới chuẩn cao hơn.
Đến hết quý I/2025, Hà Nội đã có 229 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm tỷ lệ 59,9%, vượt xa so với mục tiêu 156 xã đề ra trong giai đoạn 2021–2025, tương đương mức hoàn thành 146,8% chỉ tiêu. Về nông thôn mới kiểu mẫu – mức cao nhất trong thang tiêu chuẩn nông thôn mới – Hà Nội cũng ghi nhận bước nhảy vọt khi đã có 109 xã được công nhận, đạt 136,2% kế hoạch đề ra đến năm 2025. Những con số này không chỉ cho thấy sự nỗ lực vượt bậc của chính quyền và Nhân dân Thủ đô, mà còn chứng minh tính đúng đắn, hiệu quả trong định hướng phát triển của Thành phố.
Về cấp huyện, Hà Nội hiện có 5 đơn vị gồm: Thanh Trì, Gia Lâm, Hoài Đức, Đông Anh và Thanh Oai được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Việc có tới 5 huyện nâng tầm tiêu chuẩn trong thời gian ngắn đã giúp Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước đạt cùng lúc cả 5 tiêu chí then chốt của nông thôn mới ở cấp xã và huyện, gồm: huyện nông thôn mới; huyện nông thôn mới nâng cao; xã nông thôn mới; xã nông thôn mới nâng cao; xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Hoàn thành toàn bộ 8 tiêu chí của Trung ương
Theo Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, để được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần đáp ứng đầy đủ 8 tiêu chí khắt khe. Qua rà soát thực tế, đến nay, Hà Nội đã hoàn tất toàn bộ các tiêu chí này.
Cụ thể, Thành phố đã có 100% huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 100% thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; ít nhất 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Ngoài ra, Hà Nội cũng đã xây dựng và thông qua Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021–2025 tại HĐND Thành phố; bảo đảm diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng tối thiểu 4m²/người; đồng thời có ít nhất 70% chiều dài tuyến đường huyện, đường tỉnh và quốc lộ trên địa bàn được trồng cây xanh dọc hai bên đường – một trong những điểm nhấn đặc trưng về cảnh quan đô thị của Thủ đô.
Đặc biệt, theo quy định mới tại Quyết định số 125/QĐ-TTg (sửa đổi Quyết định 321), Hà Nội còn phải đạt thêm chỉ tiêu về Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (chỉ số SIPAS) với mức từ 80% trở lên. Thành phố đã đạt và vượt chỉ số này, cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ về chất lượng phục vụ và lòng tin của người dân vào bộ máy công quyền.
Quyết tâm giữ vững vị thế tiên phong
Theo ông Ngọ Văn Ngôn – Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, đến thời điểm này, Thành phố đã hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, báo cáo minh chứng và đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, thẩm định, đề nghị công nhận Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021–2025.
Việc đạt được danh hiệu này không chỉ giúp Hà Nội hoàn thành các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, mà còn khẳng định vai trò là "lá cờ đầu" trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia. Đó là kết quả của sự kiên trì, đổi mới và sáng tạo không ngừng trong quá trình tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Thành phố, xây dựng nông thôn mới không phải là điểm dừng. Trong định hướng phát triển giai đoạn tiếp theo, Hà Nội sẽ tập trung chuyển hướng từ “xây dựng nông thôn mới” sang “xây dựng nông thôn văn minh hiện đại”, chú trọng hạ tầng đồng bộ, dịch vụ công đầy đủ, an sinh xã hội được bảo đảm, môi trường sống an toàn, trong lành. Thành phố cũng xác định rõ: nông thôn mới phải gắn chặt với đô thị hóa, với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng vùng, khu vực.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, từ năm 2025 đến 2030, Hà Nội sẽ tiếp tục ưu tiên bố trí ngân sách để nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, đồng thời hỗ trợ những địa phương còn khó khăn. Việc duy trì và nâng cao chuẩn nông thôn mới sẽ được triển khai trên tinh thần “có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc” – thể hiện sự liên tục, bền vững của quá trình phát triển nông thôn.
Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khuyến nghị các sở, ngành, chính quyền địa phương tăng cường truyền thông, vận động Nhân dân tham gia vào công cuộc xây dựng nông thôn mới một cách thực chất, hiệu quả. Chính sự tham gia tích cực của người dân – từ thay đổi nếp sống, giữ gìn vệ sinh môi trường đến chủ động hiến đất, góp công xây dựng hạ tầng – sẽ tiếp tục là nhân tố quyết định thành công của chương trình trong giai đoạn mới.
Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội