Hà Nội giao tổng số 2.749 biên chế khối Đảng, đoàn thể trong năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trên cơ sở chỉ tiêu biên chế được Trung ương giao, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã quyết định, giao tổng số 2.749 biên chế năm 2023 cho các cơ quan khối Đảng, đoàn thể thành phố…
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chủ trì cuộc họp

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chủ trì cuộc họp

Chiều qua, 16-12, Ban Chỉ đạo Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị lần thứ sáu, nhiệm kỳ 2020-2025 để đánh giá kết quả công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.

Báo cáo của Ban chỉ đạo tại hội nghị cho biết, trong năm 2022, Ban đã kịp thời tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phương án sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố; giải quyết triệt để sự trùng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ.

Đồng thời, đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế, gắn với tinh giản biên chế theo lộ trình, đẩy mạnh tinh giản biên chế sự nghiệp. Việc triển khai, tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội đã được thực hiện đúng kế hoạch, bảo đảm tiến độ các yêu cầu đặt ra, bộ máy đi vào hoạt động ổn định.

Về nhiệm vụ năm 2023, trên cơ sở chỉ tiêu biên chế được Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương giao giai đoạn 2022-2026, Ban đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy quyết định, giao tổng số 2.749 biên chế năm 2023 cho các cơ quan khối Đảng, đoàn thể thành phố…

Phát biểu chỉ đạo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh yêu cầu phải tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền các nghị quyết của Trung ương về việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Mặt khác, thường xuyên nắm bắt, làm tốt công tác tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý để từ đó lan tỏa tới từng cơ quan, đơn vị và toàn hệ thống chính trị.

Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý nhiệm vụ quan trọng tới đây là triển khai các giải pháp chuyển đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ tài chính; xây dựng Đề án đánh giá thực trạng biên chế sự nghiệp khối giáo dục và đề xuất giải pháp cụ thể về cơ chế chính sách, quy trình, định mức, đơn giá đào tạo, cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu. Đồng chí khẳng định đây là vấn đề lớn, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.