Hà Nội đứng đầu cả nước về phát hiện và xử lý tham nhũng

ANTĐ - Ghi nhận những kết quả tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí của thành phố 9 tháng qua, Thành ủy Hà Nội đã thẳng thắn chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục.

Thành phố đã xử lý nghiêm minh sai phạm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức 

Nhiều vụ việc nghiêm trọng

Về kết quả phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí của TP Hà Nội 9 tháng qua, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, ông Nguyễn Quang Huy cho biết, TP đã đạt được một số kết quả tích cực đáng ghi nhận. 9 tháng qua, Thanh tra TP và các sở ngành, quận huyện thực hiện 258 cuộc thanh tra (đã kết luận 193 cuộc). Qua thanh tra, đã phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi 99 tỷ đồng và 967 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm với 27 tập thể và 32 cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý dẫn tới sai phạm, chuyển cơ quan điều tra 2 vụ. Cùng với đó, Ủy ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ TP đã kiểm tra 152 trường hợp có dấu hiệu vi phạm, kết luận 97 trường hợp có vi phạm, thi hành kỷ luật 53 trường hợp... Ông Nguyễn Quang Huy khẳng định, công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường. Qua đó, các cơ quan có thẩm quyền đã xem xét xử lý kỷ luật một số cán bộ có sai phạm. Những vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý kịp thời. Số vụ tham nhũng đã phát hiện, khởi tố, truy tố, xét xử của Hà Nội đứng đầu cả nước. Cụ thể, CATP Hà Nội khởi tố mới 27 vụ, 43 bị can về các tội tham nhũng và chức vụ. Viện Kiểm sát nhân dân TP thụ lý 18 vụ án, 80 bị can. Tòa án nhân dân TP đã thụ lý 40 vụ (117 bị cáo), đưa ra xét xử 20 vụ (53 bị cáo)...

Dù vậy, Thành ủy Hà Nội cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh kết quả đạt được chất lượng công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí của TP còn chưa đồng đều. Ở một số đơn vị, công tác này còn mang tính hình thức. Các vụ việc tham nhũng tiếp tục diễn biến phức tạp, tập trung ở các lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, đầu tư xây dựng, triển khai dự án dùng vốn ngân sách, GPMB... Trong đó, có một số vụ việc tham nhũng gây bất bình trong dư luận như vụ thi tuyển công chức tại huyện Thanh Trì, vụ làm phiếu xét nghiệm khống ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức... Đặc biệt, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi xảy ra tham nhũng chưa được quan tâm đúng mức. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ còn có biểu hiện nhũng nhiễu, gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân.

Lãnh đạo TP cũng đánh giá, lãng phí trong đầu tư công hay những dự án bỏ đất hoang hóa, nhiều năm không đưa vào sử dụng chưa được khắc phục triệt để, gây bức xúc trong nhân dân. Việc tổ chức thực hiện kết luận thanh tra, quyết định giải quyết khiếu nại tố cáo có hiệu lực pháp luật... tại một số đơn vị còn chậm. Tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản Nhà nước qua thanh tra chưa đạt yêu cầu.

Nâng cao hiệu quả quản lý

Phân tích nguyên nhân những tồn tại, hạn chế, Thành ủy Hà Nội nêu rõ, công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự quyết tâm và bền bỉ. Trong khi đó, hiện nay, hệ thống pháp luật còn chưa đồng bộ, thậm chí chồng chéo, thiếu tính thống nhất. Chế độ tiền lương, đãi ngộ của cán bộ, công chức còn thấp. Quy định về trách nhiệm giải trình của người có chức vụ, quyền hạn chưa rõ ràng...

Bên cạnh đó, nhận thức của một số cấp ủy, lãnh đạo và cán bộ, công chức về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí còn hạn chế. Việc chỉ đạo thực hiện các chương trình, kế hoạch của TP chưa tập trung, thiếu quyết liệt, mang tính hình thức nên kết quả chưa cao. Việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp sai phạm còn thiếu kiên quyết...

Đề ra hàng loạt giải pháp, Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực. Đồng thời, phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. Đặc biệt, Thành ủy yêu cầu xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân bị chiếm đoạt và thất thoát...

Ông Vũ Đức Bảo, Bí thư quận ủy Long Biên: Công chức làm việc không tốt là lãng phí

Hà Nội đứng đầu cả nước về phát hiện và xử lý tham nhũng ảnh 2

“Công chức làm việc không tốt thì đó chính là lãng phí. Hiện nay, có tình trạng công chức tới cơ quan hàng ngày nhưng không có người phân công là không biết làm gì hoặc có làm thì chất lượng không cao. Nếu thủ trưởng quên là cứ ngồi chơi xơi nước, sáng cắp ô đi, tối cắp về. Chưa kể, có một số ít làm việc kiểu chiếu lệ hoặc tệ hơn là tìm mọi cách để gây khó khăn nhưng không có chế tài kiểm soát. Chúng ta mới dừng ở những việc mang tính sự vụ. Ví dụ, khi phát sinh vụ việc thì mới xuống thanh tra, kiểm tra, kết luận chứ chưa có một hệ thống quy định, chế tài mang tính tổng thể. Do đó, rất cần chế tài chung, áp dụng tại tất cả các quận huyện để chất lượng công việc của công chức tốt hơn. Nếu mọi thứ đều làm chính xác, minh bạch thì công chức không giấu lười, giấu dốt được”.