Hà Nội: Điểm đến "An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn"

ANTD.VN - Chủ trương “mở rộng giới hạn thời gian kinh doanh dịch vụ sau 24h” đã xuất phát từ Nghị quyết số 06-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo” do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải ký ban hành ngày 26-6-2016.

Hà Nội: Điểm đến "An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn" ảnh 1Du khách nước ngoài thích thú nhìn trẻ em trong trang phục áo mũ cử nhân
trong khuôn viên Văn Miếu

Cụ thể, tại nội dung “Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu” của Nghị quyết số 06, tại mục 4 có nêu rõ yêu cầu: “Rà soát, nghiên cứu quy định mở rộng giới hạn thời gian kinh doanh dịch vụ ở những khu vực đảm bảo an ninh và trật tự an toàn xã hội để phục vụ du khách”. Đây là cơ sở quan trọng để thành phố Hà Nội tiến tới gỡ bỏ quy định hạn chế kinh doanh dịch vụ sau 24h tại một số khu vực.

Chỉ rõ những thành tựu đạt được cũng như những mặt còn tồn tại, hạn chế của du lịch Hà Nội trong nhiều năm qua, Nghị quyết số 06 nêu rõ quan điểm chỉ đạo: “Xây dựng du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, là nhiệm vụ, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân”; Kết hợp phát triển du lịch với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của Thủ đô và của dân tộc, với bảo vệ thiên nhiên và môi trường, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội của Thủ đô theo hướng bền vững, xây dựng Hà Nội là điểm đến: “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô”.

Thành ủy Hà Nội xác định, phát triển du lịch chất lượng cao, theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm; trong đó, đặc biệt coi trọng phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, nền tảng phát triển các loại hình du lịch khác. Thành ủy cũng đưa ra một số chỉ tiêu rất cụ thể như: đến năm 2020, Hà Nội đón 30 triệu lượt khách, trong đó có 5,7 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trung bình từ 8 - 10%/năm; Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2020 đạt 120.000 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân từ 15 -17%/năm; Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt 60 -65%. Đặc biệt, thành phố yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho 100% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ và cán bộ quản lý du lịch.

Để đạt được các mục tiêu trên, Thành ủy Hà Nội xác định 7 nhóm giải pháp chủ yếu và phân công, phân nhiệm rất cụ thể. Theo đó, thành phố Hà Nội sẽ đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền, quảng bá, hợp tác, xúc tiến đầu tư và phát triến thị trường; khẩn trương rà soát, bổ sung các quy hoạch du lịch trên địa bàn; tập trung phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hạ tầng kỹ thuât đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển du lịch và dịch vụ du lịch...