Hà Nội có thêm hơn 200.000 người

ANTĐ - Kết quả đợt tổng kiểm tra định kỳ hộ khẩu năm 2011 cho thấy, dân số Hà Nội tăng 200.056 nhân khẩu (2,9%) với mật độ bình quân 2.129 người/km2. Tình hình dân số tiếp tục tăng đã đặt ra một số vấn đề cần được quan tâm, giải quyết…

Dân số tăng ảnh hưởng tới ATGT

Mật độ dân cư phân bố không đồng đều

Theo báo cáo của CATP Hà Nội, tính đến 30-10-2011, toàn thành phố có 1.772.643 hộ, 7.113.217 nhân khẩu; trong đó nhân khẩu nữ chiếm 49,9% dân số; nhân khẩu từ 14 tuổi trở lên chiếm 76,5% dân số; nhân khẩu trong độ tuổi lao động (không tính người nước ngoài, người Việt Nam định cư tại nước ngoài tạm trú) chiếm 62,1% dân số.

So với tháng 10-2010, dân số Hà Nội tăng 70.091 hộ (4,12%), 200.056 nhân khẩu (2,9%) với thành phần dân cư đa dạng, mật độ dân cư phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung ở các quận nội thành cũ; trong đó quận Đống Đa có mật độ dân số cao nhất (38.201 người/km2), gấp 60 lần so với huyện Ba Vì (644 người/km2). Điều đó cho thấy các khu vực nội thành cũ chịu sự quá tải về dân số làm ảnh hưởng tới một số lĩnh vực như giao thông, nhà ở, y tế, giáo dục, TTCC, TTVS, mỹ quan thành phố.

Một số địa bàn như các huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai và quận Tây Hồ tiếp tục tăng số hộ, nhân khẩu là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tạm trú. Các huyện Đông Anh, Từ Liêm và các quận Long Biên, Hoàng Mai, Hà Đông, Cầu Giấy là nơi có số hộ, nhân khẩu đăng ký thường trú ở tỉnh, thành phố khác đến tạm trú tại địa bàn quản lý của CSKV, CAPT xã, công an xã làm ăn theo thời vụ (KT4) tăng nhiều. 

Thường xuyên thay đổi chỗ ở

Qua kiểm tra định kỳ hộ khẩu năm 2011 cũng cho thấy, nhiều hộ, nhân khẩu đăng ký thường trú ở phường, xã, thị trấn khác thuộc thành phố Hà Nội đến nơi cư trú ổn định tại địa bàn quản lý của CSKV, CAPT xã, công an xã (KT2 đến) đủ điều kiện đăng ký thường trú vẫn không tự giác làm thủ tục đăng ký thường trú về nơi cư trú mới (trên 265 nghìn nhân khẩu). Ngoài ra, cũng có nhiều hộ,  nhân khẩu đăng ký thường trú tại địa bàn nhưng thường xuyên cư trú ngoài phạm vi phường, xã, thị trấn (KT2 đi); trong đó có số hộ, nhân khẩu không còn nhà đất tại nơi đăng ký thường trú nhưng người dân không làm thủ tục cắt chuyển hộ khẩu về nơi cư trú mới… đã gây khó khăn cho công tác quản lý của lực lượng CSKV, CAPT xã, công an xã.

Mặt khác, một số loại hộ, nhân khẩu tạm trú thường xuyên thay đổi chỗ ở, nơi làm việc, nhất là số nhân khẩu lao động tự do (KT4) chiếm 80%; học sinh, sinh viên các tỉnh về Hà Nội học tập chiếm 30% cũng gây khó khăn trong công tác nắm và quản lý của công an cấp cơ sở. Nhiều trường hợp CSKV, CAPT xã, công an xã chưa hoàn chỉnh các biện pháp quản lý thì số nhân khẩu đã chuyển đi nơi khác… Bên cạnh đó, qua kiểm tra định kỳ hộ khẩu xác định các ký túc xá của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề mới đáp ứng được chỗ ở cho 30,4% học sinh, sinh viên; còn lại 69,6% nhân khẩu học sinh, sinh viên tạm trú ở các khu vực dân cư, tách khỏi sự quản lý của nhà trường và gia đình, thường xuyên thay đổi chỗ ở cũng gây khó khăn cho công tác quản lý của lực lượng CSKV, CAPT xã, công an xã…

Không chỉ giúp cho CATP, UBND thành phố Hà Nội và chính quyền các cấp nắm được thực trạng, tình hình số hộ, nhân khẩu hiện cư trú trên địa bàn thành phố từ đó hoạch định các chính sách phù hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội đảm bảo ANTT trên địa bàn Thủ đô, đợt tổng kiểm tra định kỳ hộ khẩu năm 2011 còn giúp cho chỉ huy các đơn vị thấy rõ nguyên nhân và những sơ hở, thiếu sót, khó khăn, vướng mắc của lực lượng Cảnh sát QLHC, CSKV, CAPT xã, công an xã trong công tác quản lý hộ, nhân khẩu để khắc phục tồn tại, từng bước đưa công tác quản lý hộ khẩu, nhân khẩu vào nền nếp.