- Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp bảo vệ sức khỏe trong và sau ngập lụt
- Gần 130 trường học ở Hà Nội tạm dừng cho học sinh đến trường vì ngập lụt
Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng (hàng đầu, bên phải) kiểm tra việc chuyển bệnh nhân từ cơ sở 2 Bệnh viện Hòe Nhai đi bệnh viện khác |
Ngày 11-9, TS Nguyễn Đình Hưng - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra công tác phòng chống lụt bão và đáp ứng y tế phục vụ người dân tại phường Phúc Xá (quận Ba Đình) và Chương Dương (quận Hoàn Kiếm).
Đây là nơi có nhiều điểm ngập úng do mực nước trên sông Hồng đang dâng cao những ngày qua.
Do Bệnh viện đa khoa Hòe Nhai cơ sở 2 (phố Tân Ấp, phường Phúc Xá) bị ngập, Sở Y tế Hà Nội đã huy động sự hỗ trợ, phối hợp chuyển bệnh nhân điều trị ngoại khoa của bệnh viện này về Bệnh viện Xanh Pôn; chuyển bệnh nhân điều trị thận của bệnh viện về Bệnh viện Thận Hà Nội và chuyển một số bệnh nhân về Bệnh viện đa khoa Hòe Nhai cơ sở 1.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội trao đổi với lực lượng y tế trực tại địa điểm 67 Phó Đức Chính |
Còn Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đã đi kiểm tra công tác đáp ứng y tế tại trạm y tế phường Phúc Xá (quận Ba Đình) và công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân được sơ tán đến Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên quận Ba Đình (cơ sở 2) ở số 67 phố Phó Đức Chính.
Cũng trong ngày 11-9, Sở Y tế Hà Nội có Công văn khẩn gửi các đơn vị y tế trực thuộc, chỉ đạo về việc bảo đảm công tác đáp ứng y tế và khắc phục hậu quả sau bão số 3.
Trong đó, Sở Y tế phân công 4 bệnh viện đa khoa hạng I của thành phố (gồm Thanh Nhàn; Xanh Pôn; Đức Giang; Hà Đông) hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện đa khoa hạng II và trung tâm y tế trên địa bàn.
Sở Y tế lưu ý, trên cơ sở được phân công, đối với bệnh nhân nặng, nguy kịch cần hội chẩn các chuyên khoa đầu ngành, các bệnh viện được phân công hỗ trợ và cơ sở y tế tuyến dưới có thể lập các nhóm Zalo để trao đổi, hỗ trợ chẩn đoán, điều trị cho người bệnh kịp thời.