Bộ GTVT trình Chính phủ đề án:

Hà Nội chưa thống nhất đổi giờ

ANTĐ - Trong khi Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ đề án thay đổi giờ làm việc, giờ học của các nhóm đối tượng trên địa bàn TP vào ngày 27-10 vừa qua, đại diện Sở GTVT chiều 28-10 cho rằng, UBND TP vẫn đang bổ sung ý kiến của các sở, ngành trên địa bàn để đi đến thống nhất.

Cảnh tắc đường trên phố Cát Linh chiều 28-10-2011

Chỉ nên đổi giờ của 2 nhóm đối tượng

Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, báo cáo của UBND TP sẽ được hoàn tất vào đầu tuần tới, ngày 31-10. Trong hội thảo liên quan tới lĩnh vực giao thông diễn ra vào sáng 28-10, ông Vũ Hoan - Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật cho rằng, với phương án điều chỉnh giờ làm việc, giờ học tập chỉ nên chia ra làm hai đối tượng, không nên chẻ nhỏ làm 9 đối tượng như tờ trình Thủ tướng của Bộ GTVT đưa ra.

Theo đó, ông Hoan phân chia, nhóm đối tượng độc lập với giao thông và nhóm đối tượng phụ thuộc vào giao thông. Cụ thể, nhóm đối tượng thứ nhất gồm học sinh bậc trung học và sinh viên, ông Hoan cho rằng, nhóm đối tượng này có thể tự tham gia giao thông, tự đi lại. Thời gian học của nhóm này nên bắt đầu từ 6h sáng và kết thúc vào 19h chiều. Nhóm đối tượng thứ 2 gồm cán bộ, công nhân viên chức Trung ương và Hà Nội và học sinh mầm non, tiểu học. Trong đó, cán bộ công chức sẽ bắt đầu giờ làm vào 9h và kết thúc vào 17h; nhóm học sinh mầm non, tiểu học sẽ bắt đầu vào học từ 8h và kết thúc vào 18h. “Như vậy, nhóm cán bộ, công chức sẽ có khoảng thời gian 1 giờ đồng hồ để đưa con đi học, đến cơ quan. Sau giờ tan ca thì có 1 tiếng đồng hồ để di chuyển từ nơi làm việc đến nơi đón con” - ông Hoan nói.

Ngoài ra, ông Hoan cũng cho rằng, việc thay đổi giờ làm việc phải xem xét ở những gốc độ khác nhau như thời gian, khả năng tham gia giao thông, ngành nghề… Cần phải có những nghiên cứu khoa học, xã hội cụ thể, không thể đưa ra những giải pháp cầu hòa, hoặc có thể tiến hành ở một số điểm thường xuyên ùn tắc cục bộ mà không cần phải áp dụng trên toàn địa bàn TP.

Giảm phương tiện theo lộ trình

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Vũ Hoan cũng như nhiều chuyên gia khác, việc thay đổi giờ làm việc, giờ học tập chỉ là một trong những giải pháp để đưa giao thông ra khỏi tình trạng lộn xộn như hiện nay. Về lâu dài, cần phải xây dựng chiến lược quy hoạch mạng lưới giao thông, kết hợp sử dụng đất đô thị hợp lý hiện có.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Đại úy Huỳnh Tấn Nam, Phó Đội trưởng Đội Tham mưu - Phòng CSGT Hà Nội cũng cho rằng, UBND TP nên sớm hoạch định lộ trình giảm dần đối với một số loại phương tiện theo từng khu vực. Trước mắt, nên hạn chế một số loại phương tiện trên một số tuyến đường theo từng khung giờ, quy định những tuyến đường không được dừng, đỗ, những tuyến đường chỉ được đỗ một bên. Kết hợp với việc xử lý nghiêm các vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, trông giữ phương tiện gây cản trở hoạt động giao thông.

Theo Phòng CSGT Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có 25 nút giao thông trọng điểm phức tạp, 28 chốt trong giờ cao điểm. Với các nút giao thông này, Phòng CSGT bố trí lực lượng làm việc khép kín từ 6h30-22h. Duy trì 73 tổ thường xuyên tuần lưu, kết hợp xử lý các vi phạm với tổ chức phân luồng, giải quyết ùn tắc trên các tuyến.

Hoàn thành đề án hạn chế phương tiện cá nhân trước tháng 1-2012

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đề nghị thành lập Ban Xây dựng đề án hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông theo tinh thần Nghị quyết 88/NQ-CP ngày 24-8-2011 của Chính phủ. Theo đó, Bộ này đề nghị hai thành phố trên chỉ đạo hoàn thành đề án, gửi về Bộ GTVT trước ngày 15-1-2012.

Liên quan tới việc hạn chế ùn tắc, Bộ GTVT cũng kiến nghị UBND thành phố Hà Nội cấm xe taxi và hạn chế xe cá nhân lưu thông trên một số tuyến có lưu lượng lớn, hay ùn tắc vào giờ cao điểm. Bên cạnh đó, dừng cấp phép thành lập thêm hãng taxi cũng như không cho tăng số lượng xe taxi của các hãng đang hoạt động; kiên quyết không dùng lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh điểm đỗ xe…

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia giao thông, taxi là phương tiện vận tải hành khách công cộng chứ không thể xem là phương tiện cá nhân như Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nói tại cuộc họp với UBND TP Hà Nội và các sở, ngành vừa qua.