Hà Nội cần nhiều giải pháp giảm áp lực tuyển sinh lớp 10 công lập

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hà Nội vẫn chưa giảm nhiệt tuyển sinh đầu cấp, đặc biệt với lớp 10 năm nay do tỷ lệ tuyển sinh hệ công lập quá thấp khiến áp lực còn căng thẳng hơn tuyển sinh đại học.
Hà Nội có hơn 25.000 học sinh lớp 9 trượt nguyện vọng vào lớp 10 công lập

Hà Nội có hơn 25.000 học sinh lớp 9 trượt nguyện vọng vào lớp 10 công lập

Đăng ký trực tuyến để không còn cảnh phụ huynh xếp hàng xuyên đêm

Mùa tuyển sinh năm học 2023-2024 của Hà Nội dường như trở nên nóng hơn với hình ảnh phụ huynh xếp hàng xuyên đêm chờ nộp hồ sơ đăng ký tuyển sinh lớp 10 của cả trường công lập tự chủ lẫn tư thục. Nhiều phụ huynh bức xúc khi điểm của con họ cao hơn điểm chuẩn nhà trường, nhưng vẫn mất cơ hội nhập học chỉ vì không xếp hàng từ đêm để lấy số thứ tự. Nhiều ý kiến cũng cho rằng bước vào thời đại 4.0, yêu cầu chuyển đổi số mạnh mẽ thì cách thức làm thủ tục nhập học trực tiếp như vậy là rất lạc hậu.

Trước sự việc này, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết đã chấn chỉnh và thời gian tới sẽ triển khai tuyển sinh trực tuyến, góp phần giảm sự vất vả cho phụ huynh. “Hà Nội phấn đấu từ kỳ tuyển sinh năm học 2024 - 2025, tất cả các trường trên địa bàn sẽ triển khai đăng ký tuyển sinh trực tuyến, không còn trường nào thu hồ sơ đăng ký tuyển sinh trực tiếp” - ông Trần Thế Cương nói.

Được biết, hiện Hà Nội đã áp dụng đăng ký tuyển sinh trực tuyến với các lớp đầu cấp học, trong đó có lớp 10 công lập. Tuy nhiên với các trường công lập tự chủ, các trường ngoài công lập, thì công tác tuyển sinh sẽ do trường chủ động lên phương án khiến cơ quan chủ quản không thể can thiệp kịp thời, gây không ít khó khăn cho phụ huynh học sinh. Mặt khác, việc triển khai tuyển sinh trực tiếp hay trực tuyến cũng không phải là giải pháp căn cốt. Vấn đề tạo áp lực lớn hơn là toàn thành phố hiện đang có tới hơn 25.000 học sinh trượt lớp 10 công lập.

Có tình trạng thừa thiếu cục bộ

Ông Trần Thế Cương cho biết, năm học 2023 - 2024 toàn thành phố có 129.210 học sinh dự xét tốt nghiệp THCS. Thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, năm học 2023 - 2024 số lượng học và tỷ lệ tuyển sinh vào trường THPT theo kế hoạch là khoảng 102.000 học sinh. Trong đó, tuyển vào công lập 77.480 học sinh (chiếm tỷ lệ 59,96%) gồm 4 trường THPT chuyên và có lớp chuyên, 115 trường THPT không chuyên, 9 trường THPT công lập tự chủ tài chính, 4 trường THPT công lập hiệp quản.

Sau khi căn cứ vào kết quả tuyển sinh lớp 10 thực tế trên địa bàn thành phố, Sở GĐ-ĐT đã xét duyệt điểm chuẩn bổ sung cho 31 trường để đảm bảo quyền lợi tối đa cho học sinh. Theo đó, Hà Nội dự kiến tỷ lệ học sinh nhập học vào lớp 10 công lập đạt 60,9% với tổng số 78.623 học sinh, tăng 1.000 học sinh so với năm học trước. Mặc dù xét về tổng thể, học sinh tốt nghiệp THCS Hà Nội có thể không thiếu chỗ học với các loại hình đào tạo theo chương trình phổ thông, học nghề… tuy nhiên tình trạng thiếu chỗ học, đặc biệt là hệ công lập với các quận nội thành là có thật.

Mới đây, tại buổi kiểm tra của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh về các dự án đầu tư xã hội hóa trường học chậm tiến độ, chậm triển khai tại quận Hoàng Mai, ông Trần Thế Cương cho biết, ngoài Hoàng Mai thì quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm cũng là địa bàn có sức “nóng” về số lượng học sinh khi tập trung nhiều khu dân cư mới, chịu sức ép lớn về tăng dân số cơ học dẫn tới thiếu trường học công lập. Áp lực này sẽ còn lớn hơn khi theo dự báo của Sở GD-ĐT Hà Nội, trong 3 năm học tới, số học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS tăng khoảng 28.912 học sinh, tương đương khoảng 722 lớp.

Hàng loạt giải pháp giảm áp lực tuyển sinh lớp 10

Đối với áp lực tuyển sinh lớp 10 công lập của Hà Nội năm nay, giải pháp được Sở GD-ĐT Hà Nội đặt ra là đẩy nhanh tiến độ xây dựng và thành lập mới, sửa chữa cải tạo các trường THPT công lập giai đoạn 2021 - 2025; rà soát những ô đất đã quy hoạch xây dựng trường học các cấp và trong các khu đô thị, khu nhà trên địa bàn thành phố, đặc biệt tại những nơi thiếu trường, lớp học; xây dựng quy hoạch mạng lưới trường trên địa bàn thành phố đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nêu rõ vị trí ô đất, diện tích, quy mô trường lớp; tiếp tục ưu tiên dành quỹ đất sau khi di dời các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy…; tiếp tục phân tuyến tuyển sinh cho 30 quận huyện, thị xã theo 12 khu vực nhằm điều hòa hợp lý, đảm bảo chỗ học cho học sinh; tăng nguồn lực tài chính và đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường lớp theo hướng đồng bộ kiên cố hóa, hiện đại hóa và chuẩn hóa.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Hà Nội gây căng thẳng với phụ huynh, học sinh hơn thi đại học

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Hà Nội gây căng thẳng với phụ huynh, học sinh hơn thi đại học

Thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng trường THCS và THPT Lương Thế Vinh (quận Cầu Giấy) cho rằng, áp lực tuyển sinh vào lớp 10 công lập của Hà Nội vẫn sẽ tiếp diễn nếu chỉ lo trước mắt mà không có giải pháp căn cơ lâu dài. Việc rà soát, tăng thêm trường lớp, đặc biệt là ở những khu vực nội thành, đông dân cư, tập trung nhiều khu chung cư, đô thị như quận Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… là biện pháp cấp thiết bởi áp lực tăng dân số cơ học với khu vực này rất lớn. Việc dự báo số lượng học sinh trong vài năm tới là rất cần thiết để bổ sung trường lớp, phân tuyến phù hợp. Tuy nhiên, về lâu dài, giải pháp xây thêm trường lớp cũng không phù hợp vì nội thành cạn quỹ đất, Nhà nước không thể đáp ứng hết nhu cầu người dân muốn cho con em vào trường công lập.

Ở đây cần giải bài toán giảm áp lực trường công thông qua việc hỗ trợ, đầu tư cho hệ thống tư thục, giáo dục nghề nghiệp, kéo gần khoảng cách giữa các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố. “Với hệ thống tư thục, đặc biệt những trường mới thành lập, rất cần có sự hỗ trợ của Sở GD-ĐT về đào tạo đội ngũ giáo viên, chia sẻ kinh nghiệm với các trường để phụ huynh tin cậy, gửi gắm con em họ. Việc thành phố có chính sách hỗ trợ, đầu tư ban đầu cho hệ thống trường tư thục sẽ đem lại lợi ích lâu dài trong việc giảm tải trường công” - thầy Nguyễn Quốc Bình nhấn mạnh.

Riêng với việc nâng cao mặt bằng chất lượng trường học nội và ngoại thành để tránh tình trạng thừa/thiếu cục bộ, thầy Nguyễn Quốc Bình cho rằng, cần có giải pháp đầu tư cơ sở vật chất đến nâng cao chất lượng đào tạo các trường ngoại thành để phụ huynh có nhiều lựa chọn hơn. Việc nâng cao chất lượng các trường không nhất thiết chỉ tập trung vào kết quả thi và điểm số vì một trường top dưới với 17 điểm đầu vào không thể phấn đấu bằng trường top đầu với điểm đầu vào 43 - 44 điểm. Mỗi trường cần xác định thế mạnh của mình giúp học sinh có nhu cầu, năng lực phù hợp.