Hà Nội cần cơ chế giảm phương tiện giao thông cá nhân
(ANTĐ) - Để giảm ùn tắc giao thông, bên cạnh giải pháp tổng thể, quy hoạch tốt, Hà Nội cần có cơ chế đặc thù nhằm hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, tăng phương tiện công cộng... Đó là ý kiến của bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ.
Bức bối giờ tan tầm |
- Bà Ngô Thị Doãn Thanh: Vừa qua, HĐND TP đã tổ chức chất vấn giữa kỳ họp, một trong những vấn đề bức xúc được cử tri quan tâm đó là nạn ùn tắc giao thông. Mục đích của chất vấn là cùng nhau tìm ra các giải pháp để khắc phục có hiệu quả ùn tắc giao thông, chứ không phải là để dồn nhau vào chân tường. Mặc dù vậy, chúng ta cũng chỉ có thể áp dụng những giải pháp tình thế, thuộc phạm vi và thẩm quyền của thành phố, còn các giải pháp có tính vĩ mô, liên quan đến các Bộ, ngành Trung ương thì cần phải xin ý kiến của Chính phủ. Và trên thực tế, Hà Nội đã áp dụng các biện pháp tình thế như xén hè, tổ chức phân luồng, tăng cường tuyên truyền giáo dục ý thức cho người tham gia giao thông, tăng cường lực lượng chức năng ứng trực tại những điểm nóng, những giờ cao điểm...
Năm 2008 sẽ đồng khởi về hạ tầng giao thông “Năm 2008 sẽ tập trung đầu tư nhiều cho cơ sở hạ tầng, kể cả đường bộ, cảng biển... Đặc biệt là hạ tầng phục vụ cho các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh như tinh thần Chính phủ đã chỉ đạo. Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng sẽ được chuẩn bị để khởi công vào cuối năm sau. Đoạn Cầu Giẽ - Ninh Bình thì đang triển khai rồi, còn đường Láng - Hòa Lạc cũng sẽ phải khởi động lại... Cầu Vĩnh Tuy do Hà Nội làm chủ đầu tư và một số nhà thầu thuộc Bộ GT-VT có tham gia. Công trình này chậm cũng có một số nguyên nhân khách quan. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo để cơ bản hoàn thành cây cầu này vào đầu năm 2008. Cầu Thanh Trì thì xong rồi nhưng đường dẫn còn đang làm. Cái này vướng một số vấn đề về GPMB, kỹ thuật. Chúng tôi đang phối hợp với Hà Nội tháo gỡ để tích cực thi công. Dự kiến, trong năm 2008, sẽ kết thúc được những đoạn chủ yếu của đường dẫn cầu Thanh Trì và đường Vành đai III. Tất nhiên, trừ một số đoạn đi qua ao hồ, nơi có những túi bùn lớn thì phải có thời gian để xử lý, gia tải, chống lún...” Bộ trưởng Bộ GT-VT Hồ Nghĩa Dũng |
Tuy nhiên, dù áp dụng những biện pháp như thế cũng chỉ làm giảm phần nào ùn tắc giao thông, muốn giải quyết triệt để, cần có sự vào cuộc của Trung ương. Trước hết, Hà Nội cần có hạ tầng giao thông đồng bộ, thông suốt. Hà Nội mong muốn những công trình giao thông do Trung ương đang tiến hành đầu tư, xây dựng trên địa bàn cần được nhanh chóng hoàn thiện dứt điểm để đưa vào sử dụng, bởi chính những công trình, dự án dở dang đó là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc.
Ví dụ như đường Vành đai III, khi có Hội nghị APEC thì làm được 600 mét, hiện còn 400 mét qua cổng trụ sở UBND quận Thanh Xuân vẫn còn dang dở, gây ra nhiều tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường; hay đường 32, đoạn đường qua trụ sở UBND huyện Từ Liêm cũng dang dở...
- PV: Hà Nội vừa đưa ra ý tưởng bố trí làm việc lệch giờ để giảm ùn tắc, ý kiến của bà như thế nào?
- Bà Ngô Thị Doãn Thanh: Về việc Hà Nội có nên áp dụng việc đổi giờ làm việc cho một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn để tránh ùn tắc hay không, theo tôi đây cũng chỉ là một biện pháp tình thế, bởi dù có đổi giờ làm việc thì lượng người tham gia giao thông cũng không giảm.
Có 4 yếu tố để góp phần giảm ùn tắc giao thông, đó là hạ tầng, phương tiện, công tác quản lý, và ý thức của người tham gia giao thông. Theo tôi cần ưu tiên trước cho hạ tầng giao thông và ý thức người tham gia giao thông.
- PV: Nhiều ý kiến cho rằng trong lúc hạ tầng còn yếu kém, muốn tránh ùn tắc sẽ phải hạn chế xe máy, Hà Nội sẽ triển khai việc này như thế nào?
- Bà Ngô Thị Doãn Thanh: Trung ương cần cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai địa phương đang rất bức xúc về vấn đề ùn tắc giao thông được hưởng những cơ chế đặc thù nhằm giảm phương tiện giao thông cá nhân, tăng phương tiện công cộng, tiến hành các dự án xây dựng đường sắt trên cao, đường tàu điện ngầm. Trước mắt, cần xây dựng, phê duyệt quy hoạch giao thông Hà Nội. Cần quan niệm chuyện ùn tắc giao thông không phải là chuyện riêng của hai thành phố, bởi nếu để ùn tắc giao thông kéo dài, không có giải pháp hạn chế hiệu quả sẽ làm hạn chế tốc độ tăng trưởng kinh tế, giảm sức thu hút đầu tư, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Chính vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của hai thành phố, cần có sự vào cuộc của các cơ quan Trung ương.
Ngọc Khánh (Thực hiện)