Hà Nội: Bệnh thủy đậu vào mùa

ANTĐ - Cũng giống như dịch sởi và một số bệnh truyền nhiễm khác do virus, từ trước Tết Nguyên đán đến khoảng 10 ngày nay, bệnh thủy đậu đã xuất hiện và gia tăng mạnh tại Hà Nội. Đáng chú ý,  “mùa dịch” năm nay, không chỉ trẻ em mà có rất nhiều người lớn cũng mắc bệnh này. 

Bệnh thủy đậu gia tăng mạnh trong mùa đông xuân

Hàng chục bệnh nhân mỗi ngày

Bác sĩ chuyên khoa I Hồ Thị Hoài Thu, khoa Khám bệnh – Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho biết, dịch thủy đậu bắt đầu xuất hiện trên địa bàn Hà Nội từ trước Tết Nguyên đán đến nay, với rất nhiều bệnh nhân vào khám. “Bình quân mỗi ngày, riêng phòng khám của tôi tiếp nhận 1-3 bệnh nhân thủy đậu. Tính chung cả khoa Khám bệnh, ước chừng mỗi ngày tiếp nhận khoảng trên dưới 20 bệnh nhân thủy đậu vào khám, điều trị. Con số này tương đương với cao điểm của mùa dịch thủy đậu những năm trước và hiện số bệnh nhân mắc vẫn đang tiếp tục gia tăng nhưng chưa có dấu hiệu gì bất thường” – bác sĩ Hoài Thu cho biết.

Theo bác sĩ Hồ Thị Hoài Thu, thủy đậu là một bệnh rất dễ lây, dễ bùng phát thành dịch. Cũng giống như sởi và một số bệnh do virus khác, thủy đậu thường bùng phát vào mùa đông xuân hàng năm, kéo dài cho tới hết mùa xuân. Đáng chú ý, trong số những bệnh nhân thủy đậu đến khám tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội năm nay, không chỉ trẻ em mà còn có khá nhiều người lớn, ở nhiều độ tuổi khác nhau. Đa số người mắc chưa được tiêm vaccine phòng thủy đậu, tuy nhiên cũng có một số đã tiêm vaccine rồi vẫn mắc bệnh. Điều đáng mừng là tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội năm nay chưa ghi nhận bệnh nhân bị thủy đậu biến chứng nặng mà chủ yếu là những trường hợp nhẹ, được chỉ định điều trị ngoại trú.

Tương tự, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai hay Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương…, hiện tiếp nhận rải rác mỗi ngày khoảng chục bệnh nhân bị thủy đậu vào khám. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ đầu tuần đến nay tại khoa đón tiếp khoảng 10 bệnh nhân bị thủy đậu vào khám nhưng tất cả đều được chỉ định điều trị ngoại trú. Đa số trẻ vào khám với triệu chứng sốt và xuất hiện nhiều nốt ban ở vùng đầu và mặt. Theo TS. Nguyễn Tiến Dũng, với thủy đậu sau khi khởi bệnh 2-3 ngày mới xuất hiện dấu hiệu đặc trưng là các nốt mụn nước (còn gọi là mụn bóng nước), còn lúc đầu chỉ là các vết đỏ như nốt xuất huyết trên da nên rất nhiều người nhầm lẫn bệnh thủy đậu với sốt phát ban hay tay chân miệng.  

Tránh sai lầm trong điều trị

Nhiều người quan niệm khi bị thủy đậu phải kiêng nước, kiêng gió thật kỹ nên khi bị thủy đậu thường kiêng không tắm rửa, vệ sinh cơ thể, thậm chí không dám ra khỏi nhà vì tránh gió. Đây là một quan niệm sai lầm. Bác sĩ Hồ Thị Hoài Thu cho biết, với bệnh thủy đậu, người bệnh vẫn cần tắm rửa, vệ sinh hàng ngày nhưng cần phải đun nước ấm, tốt nhất tắm bằng nước lá chè xanh đun sôi, giữ ấm cơ thể, chú ý súc miệng nước muối thường xuyên và ăn uống nhiều chất để tăng cường đề kháng. Thực tế có những bệnh nhân khi mắc thủy đậu, vì kiêng nước quá kỹ, không dám tắm rửa mấy ngày liền dẫn đến nhiễm trùng ở các vết mụn nước (do ngứa, gãi nhiều dẫn đến xước, các mụn nước bong vẩy sớm). Trường hợp bị nhiễm trùng nặng, bội nhiễm, virus tấn công vào bên trong cơ thể qua chỗ da xước, gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong. 

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, thủy đậu là bệnh do virus Varicella zoster gây nên. Bệnh lây qua đường hô hấp khi người lành hít phải những giọt li ti trong không khí thải ra từ mũi, họng người bệnh khi ho, hắt hơi hoặc lây qua sự tiếp xúc với mụn nước của người bệnh. Bệnh thậm chí có thể lây khi trẻ tiếp xúc với dụng cụ học tập, quần áo, đồ chơi… có chứa siêu vi trùng gây bệnh. Các bác sĩ cũng cảnh báo, bệnh thủy đậu đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ có thai. Trong nửa đầu của thai kỳ nếu mắc thủy đậu thì thai nhi có thể bị dị dạng. Nếu trước sinh một tuần, người mẹ bị thủy đậu, trẻ sinh ra có nguy cơ tử vong. Để phòng thủy đậu, biện pháp tốt nhất là tiêm phòng vaccine. Đáng tiếc là do vaccine thủy đậu không nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, phải tiêm dịch vụ nên hiện khá nhiều người chủ quan không cho con tiêm vaccine này.     

Bệnh nhân mắc thủy đậu thường bắt đầu bằng triệu chứng sốt cao, trên da nổi những vết dát đỏ, sau 1-2 ngày thì nổi các mụn bóng nước ngoài da. Mụn bóng nước lúc đầu chứa một chất dịch trong, khoảng 1 ngày sau trở nên đục như mủ rồi 2-3 ngày kế tiếp thì vỡ ra, các mụn sẽ đóng vẩy. Đây là một bệnh tương đối lành tính, ít biến chứng nguy hiểm. Nếu điều trị đúng chỉ định và vệ sinh sạch sẽ, không bị biến chứng thì bệnh thủy đậu sẽ khỏi sau 
5-7 ngày.