Hà Nội: 3 năm trở lại đây, giảm bình quân 29% số vụ cháy

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Nhiều kinh nghiệm, cách làm hay của CATP Hà Nội trong phòng cháy, chữa cháy đã được Đại tá Trần Ngọc Dương – Phó Giám đốc CATP báo cáo, chia sẻ tại hội nghị của Bộ Công an, tổ chức chiều 24-5.
Đại tá Trần Ngọc Dương - Phó Giám đốc CATP tham luận tại hội nghị

Đại tá Trần Ngọc Dương - Phó Giám đốc CATP tham luận tại hội nghị

Tại hội nghị trực tuyến của Bộ Công an về “Tổng kết 1 năm thực hiện cao điểm tuyên truyền, kiểm tra về PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn", Đại tá Trần Ngọc Dương – Phó Giám đốc CATP Hà Nội đã tham luận 3 nội dung quan trọng: Bài học kinh nghiệm trong tổ chức triển khai các giải pháp về phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn tại các khu dân cư; Kết quả rút kinh nghiệm toàn diện các vụ cháy và kiểm điểm trách nhiệm các tập thể và cá nhân có liên quan đến công tác quản lý nhà nước về PCCC, tổ chức chữa cháy và CNCH tại địa bàn, cơ sở xảy cháy; và các biện pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về PCCC.

Bám sát các nhóm giải pháp, chỉ đạo của Bộ Công an

Theo Đại tá Trần Ngọc Dương, thời gian qua, CATP Hà Nội luôn chủ động tham mưu với Thành phố lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn, trong đó bám sát đầy đủ 9 nhóm giải pháp để khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác PCCC và CNCH mà lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo.

Công tác tập huấn được CATP thường xuyên tổ chức đối với cơ sở

Công tác tập huấn được CATP thường xuyên tổ chức đối với cơ sở

Qua đó, góp phần làm giảm số vụ cháy mỗi năm. Trung bình 3 năm trở lại đây, số vụ cháy xảy ra trên địa bàn Hà Nội là 443 vụ/năm; giảm 29%/năm. Riêng các vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng được kiềm chế và kéo giảm theo từng năm.

Từ những kết quả trên, đồng chí Phó Giám đốc CATP Hà Nội chia sẻ, CATP rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quan trọng. Thứ nhất, CATP luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Công an để kịp thời tham mưu cho Thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo. Điển hình như Nghị quyết số 05 của HĐND Thành phố về xử lý các công trình tồn tại về PCCC đưa vào sử dụng trước Luật PCCC;

Chỉ thị 10 về công tác quản lý nhà nước về PCCC đối với nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; Chỉ thị số 11 về tăng cường công tác quản lý Nhà nước về PCCC&CNCH tại các kho hàng hóa, xưởng sản xuất trong khu dân cư; Kế hoạch khắc phục tồn tại và xử lý vi phạm đối với các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động... Trên cơ sở đó, 100% các đơn vị đều có kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.

Thứ hai, CATP luôn chủ động nắm chắc, dự báo tình hình, tổ chức triển khai nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả các quy định, chỉ đạo của câp trên về PCCC trên địa bàn Thành phố như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC, gắn với phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCC&CNCH.

Trong thời gian qua, CATP đã quan tâm, đổi mới sáng tạo các hình thức tuyên truyền như qua tin nhắn Zalo, SMS, trên các kênh truyền thông trung ương, thành phố, qua hệ thống loa phát thanh các nút giao thông trọng điểm... qua đó giúp người dân dễ dàng tiếp cận, hưởng ứng, tham gia.

Lực lượng CS PCCC&CNCH CATP Hà Nội luyện tập kỹ năng thành thục

Lực lượng CS PCCC&CNCH CATP Hà Nội luyện tập kỹ năng thành thục

Hiện nay, đã thành lập 100% Đội dân phòng tại các thôn, tổ dân phố (5.368 đội). Thành phố đã trang bị phương tiện PCCC thiết yếu ban đầu cho các Đội dân phòng để tổ chức chữa cháy ngay từ ban đầu. Thống kê từ tháng 4-2021 đến tháng 4-2022, có 1.089 vụ việc được lực lượng tại chỗ dập tắt, không để cháy lan, cháy lớn, chiếm trên 73% tổng số vụ việc.

UBND thành phố, CATP chỉ đạo các đơn vị, UBND các cấp thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra an toàn PCCC, kịp thời hướng dẫn, kiến nghị, đôn đốc chủ đầu tư, người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình khắc phục những tồn tại, hạn chế về PCCC, loại trừ các nguyên nhân có thể gây cháy lan, cháy lớn; kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động các cơ sở có vi phạm. Đặc biệt trong 3 năm liên tiếp, UBND thành phố, CATP thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc quản lý Nhà nước về PCCC của UBND và Công an cấp huyện, xã.

Thông qua công tác kiểm tra, trách nhiệm của UBND, Công an cấp huyện, xã từng bước được nâng cao; ý thức chấp hành pháp luật về PCCC của người dân, doanh nghiệp đã được nâng lên rõ rệt.

Thứ ba, CATP chủ động xây dựng và tham mưu cho UBND TP phê duyệt, triển khai nhiều kế hoạch, phương án ứng phó sự cố, cháy nổ, cứu nạn theo 3 cấp nhằm sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Hàng năm, CATP tham mưu UBND cùng cấp tổ chức diễn tập nhiều phương án chữa cháy và CNCH có huy động nhiều lực lượng, phương tiện trên địa bàn tham gia.

Chủ động điều tra, khảo sát các lực lượng, phương tiện của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có khả năng hỗ trợ công tác chữa cháy và CNCH như các xe xúc, xe cẩu, xe chở nước, xe cứu thương... và lên phương án huy động hỗ trợ CATP tham gia chữa cháy, CNCH.

Ngoài ra, CATP đã ký và thực hiện quy chế phối hợp với Công an 8 tỉnh lân cận trong công tác chữa cháy và CNCH; giao Phòng CS PCCC&CNCH ký quy chế phối hợp với Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội, kịp thời hỗ trợ xe téc, bơm tăng áp lực nước tại các khu vực khi có cháy nổ xảy ra.

CATP đã đưa trung tâm chỉ huy 114 về Trung tâm chỉ huy CATP, qua đó điều hành, chỉ huy chính xác, khoa học, có hiệu quả, hiệp đồng tác chiến của các đơn vị Cảnh sát PCCC&CNCH, lực lượng Cảnh sát giao thông, lực lượng Cảnh sát trật tự khi có cháy, nổ xảy ra.

“Trong năm 2021, CATP phối hợp cùng lực lượng chức năng đã xây dựng xong hệ thống cơ sở dữ liệu nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy trên bản đồ số Google maps, định vị tọa độ vị trí hơn 4.000 trụ nước chữa cháy, 2.000 nguồn nước tự nhiên, 4.000 các bể nước thuộc cơ sở qua đó kịp thời khai thác hiệu quả các nguồn nước phục vụ chữa cháy”, Đại tá Trần Ngọc Dương thông tin.

Xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong phòng – chữa cháy

Theo Đại tá Trần Ngọc Dương, CATP đã ban hành Hướng dẫn số 29 về công tác tổ chức rút kinh nghiệm vụ cháy, sự cố, tai nạn. Hiện nay, 100% các vụ cháy, cứu nạn đều được tổ chức rút kinh nghiệm nghiêm túc. Qua công tác tổ chức rút kinh nghiệm đánh giá được ưu, nhược điểm trong chiến thuật, kỹ thuật chữa cháy, CNCH, sự hiệp đồng tác chiến của các lực lượng tham gia từ đó rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức CC, CNCH và trong công tác phòng ngừa.

Diễn tập phương án chữa cháy, thoát nạn nhà cao tầng

Diễn tập phương án chữa cháy, thoát nạn nhà cao tầng

Để kịp thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của UBND, Công an cấp huyện, xã trong công tác quản lý Nhà nước về PCCC, CATP đã ban hành văn bản và quy trình thực hiện việc kiểm điểm trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước về PCCC đối với cán bộ, chỉ huy đội, lãnh đạo Công an cấp huyện khi xảy ra cháy tại cơ sở thuộc phạm vi quản lý. Đồng thời, tham mưu UBND Thành phố ban hành văn bản chỉ đạo đánh giá, xem xét trách nhiệm công tác quản lý của UBND cấp xã, các đơn vị liên quan khi xảy ra cháy, nổ trên địa bàn quản lý.

Kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước về PCCC

Phó Giám đốc Trần Ngọc Dương khẳng định, CATP luôn xác định công tác quản lý Nhà nước về PCCC là nhiệm vụ then chốt, nhằm kiềm chế cháy nổ trên địa bàn. Với sự chủ động, quyết liệt, công tác quản lý Nhà nước về PCCC đã được nhiều kết quả quan trọng; số vụ cháy, nổ, sự cố giảm qua các năm.

Chỉ rõ những tồn tại như: cấp ủy, chính quyền cấp xã ở một số nơi còn chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về PCCC&CNCH; một bộ phận người dân, người đứng đầu cơ sở còn chủ quan, lơ là, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với công tác PCCC, còn chạy theo lợi ích kinh tế mà bỏ qua các yêu cầu đảm bảo an toàn PCCC…Đại tá Trần Ngọc Dương nêu xuất một số giải pháp của CATP nhằm khắc phục, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý Nhà nước về PCCC.

Đó là tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Công an để tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo các đơn vị, chính quyền địa phương; Công an các cấp thực hiện công tác PCCC&CNCH, trong đó tập trung tham mưu xử lý các công trình còn tồn tại đưa vào sử dụng trước luật PCCC, công trình vi phạm chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động, công trình sai phạm về xây dựng không đảm bảo các yêu cầu về PCCC…; phối hợp với các đơn vị liên quan trình Ủy ban Thành phố ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả “Đề án tổng thể về nâng cao năng lực và đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”;

Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp, ngành; nâng cao nhận thức, ý thức người dân đối với công tác PCCC và CNCH của chính tại cơ sở, hộ gia đình mình theo phương châm “tại chỗ của tại chỗ”…