- Mới sáng ra đã gặp chuyện khó chịu sao?
- Ra làm bát phở, ai dè phải bỏ vì không nuốt nổi.
- Họ nấu không ngon hay trong bát có con gián?
- Không phải. Quán đông nên phải ngồi chen chúc với bao nhiêu là người. Họ vừa ăn vừa cười hô hố, gọi nhau ầm ĩ. Khi ăn miệng nhai chồm chộp, hắt hơi cũng chẳng buồn che miệng. Lúc xỉa răng mới ghê, tăm ngoáy tanh tách, răng lợi vàng khè nhe ra cả hàm… làm sao tôi nuốt nổi.
- Sao loại người vô ý thức bây giờ nhiều thế nhỉ. Theo bác, họ từ đâu ra?
- Bác phải hỏi là những thói hư tật xấu đó nảy nòi từ khi nào chứ.
- Đúng vậy. Trước đây, người Hà Nội nổi tiếng thanh lịch. Họ chỉ “hư” khoảng chục năm nay, bắt đầu từ khi có làn sóng di cư từ nông thôn ra thành thị.
- Bác nói thế mà nghe được à. Người nông dân nước ta vốn nổi tiếng hiền lành, chất phác, thật thà, họ chỉ “hỏng” khi sống ở thành phố thôi.
- Nói như bác thì chẳng ai có lỗi, chẳng lẽ những cái xấu xa tự rơi từ trên trời xuống?
- Người Việt mình ở trong nước thì thế, khi ra nước ngoài lại khác hẳn. Họ không còn chen lấn xô đấy, không vượt đèn đỏ, không nói to nơi công cộng, không khạc nhổ chỗ đông người… Hễ về nước là họ lại trở thành người… Việt, tức là lại…
- Nhân chi sơ tính bản thiện. Giờ tôi mới hiểu mọi thói tật của con người chủ yếu do nền giáo dục yếu kém, do kỷ cương phép nước không nghiêm, do người trên là gương mờ cho con cháu… thật buồn quá!