Gom "dịch vụ nhạy cảm" vào một khu riêng sẽ quản lý tốt hơn

ANTĐ - Đó là ý kiến của ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, tại hành lang Quốc hội trong phiên làm việc sáng 26-10, liên quan đến vấn đề “Cần phải gom các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm vào một khu riêng”, theo đề xuất của đại diện Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM.

Gom "dịch vụ nhạy cảm" vào một khu riêng sẽ quản lý tốt hơn ảnh 1Gom khu riêng biệt kinh doanh “dịch vụ nhạy cảm” phải đi đôi với công tác quản lý chặt chẽ 
 (Trong ảnh: Kiểm tra tình hình lưu trú tại nhà nghỉ và kiểm tra hành chính tại một quán karaoke)

Tại Hội nghị giao ban về công tác phòng chống mại dâm, cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức mới đây tại TP.HCM, các đại biểu tham dự đánh giá tệ nạn mại dâm và tội phạm liên quan đến mại dâm vẫn diễn biến phức tạp. Hiện đã xuất hiện các tổ chức, đường dây hoạt động mại dâm chuyên nghiệp, tinh vi mang tính chất xuyên quốc gia và các cơ sở kinh doanh “nhạy cảm” xuất hiện ở nhiều nơi trong cả nước. Theo đề xuất của đại diện Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hộiTP.HCM, thành phố này sẽ có cơ chế khuyến khích các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” hoạt động trong khu vực quy hoạch.

Gom "dịch vụ nhạy cảm" vào một khu riêng sẽ quản lý tốt hơn ảnh 2

Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM cũng đề xuất, Chính phủ nên chỉ đạo thí điểm ở một số thành phố trọng điểm, việc gom các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” vào một khu vực để tăng cường quản lý. Tại đây, người lao động trong các cơ sở kinh doanh ngành nghề “nhạy cảm” sẽ được đảm bảo quyền lợi, được hưởng lương và được pháp luật bảo vệ bằng nhiều biện pháp, trong đó có khám sức khỏe định kỳ và được tuyên truyền, phổ biến kiến thức để tránh lây truyền căn bệnh HIV/AIDS và các bệnh xã hội lây nhiễm qua đường tình dục khác. 

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội trong ngày 26-10, ông Trần Ngọc Vinh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, đoàn ĐBQH TP Hải Phòng  đồng ý với đề xuất của đại diện Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM và  lưu ý cách tính toán, bước đi  sao cho phù hợp. “Theo tôi, cần phải gom các cơ sở kinh doanh dịch vụ  “nhạy cảm”, để quản lý. Ngoài khu đó ra thì phải xử lý hình sự” - ông Vinh khẳng định thêm. 

Theo ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, về vấn đề đại diện Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM nêu cần khuyến khích nếu địa phương nào có giải pháp tốt hơn thì trình cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết. Qua kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, ông Lê Như Tiến cho rằng, việc gom hoạt động mại dâm vào một khu phố sẽ quản lý tốt hơn những người hành nghề mại dâm. “Việc thu gom hoạt động mại dâm vào một khu phố hiện còn các ý kiến khác nhau. Bởi nếu làm như thế vô hình trung thừa nhận hoạt động mại dâm.

Nhưng nếu chúng ta không thừa nhận, nó có biến mất không hay vẫn tồn tại? Do vậy, khi đưa ra đề xuất này, chúng ta cần nghiên cứu kỹ để tìm giải pháp vừa giảm thiểu tệ nạn xã hội, vừa quản lý được chặt chẽ. Nếu đã có những khu riêng biệt như thế, cần phải đi đôi với công tác quản lý chặt chẽ hoạt động  “nhạy cảm” này và nếu buông lỏng quản lý, coi như chúng ta đã thừa nhận việc đó" - ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM): 
Lập “khu nhạy cảm”: Cán bộ công chức không dám vi phạm

Về quản lý hoạt động “nhạy cảm”, có thể thấy ở nhiều nước, người ta thực hiện biện pháp “gom” lại để quản lý. Ví dụ tại Hà Lan, họ chỉ cho phép sử dụng ma túy nhẹ tại một số điểm, còn nếu ra khu vực khác sẽ bị xử lý. Hà Lan cũng là đất nước có khu vực “đèn đỏ”…, nhưng liệu có ai dám nói ở đó thuần phong mỹ tục băng hoại không? Không chỉ Hà Lan, nhiều quốc gia khác cũng có biện pháp “gom” lại quản lý với các hoạt động “nhạy cảm” và đạt được mục tiêu hạn chế các đối tượng tham gia. 

Nếu đề xuất được thực hiện thì chúng ta sẽ phải tính toán cách làm thật khoa học, có sự chuẩn bị tâm lý, chuẩn bị dư luận, phù hợp với đặc điểm văn hóa, con người Việt Nam, nhất là trong giai đoạn đầu. Đây không phải là việc khuyến khích, nhưng khi gom lại và quản lý thì rất nhiều người có sử dụng dịch vụ “nhạy cảm” sẽ không dám đến, đặc biệt là cán bộ công chức thì lại càng không. 

Phú Khánh (Ghi)