Gợi ý trả lời cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam” (18)

ANTĐ - Về cơ bản, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục kế thừa các quy định của Hiến pháp năm 1992 về đại biểu HĐND, về mối quan hệ giữa HĐND, UBND với MTTQVN và các tổ chức thành viên

Câu 7.

Cấp chính quyền địa phương quy định trong Hiến pháp năm 2013 gồm những cơ quan nào? Bạn hãy nêu nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với Nhân dân.
Trả lời (Tiếp):
Những điểm mới trong các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương trong Hiến pháp năm 2013
7. Quy định về đại biểu Hội đồng nhân dân

Về cơ bản, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục kế thừa các quy định của Hiến pháp năm 1992 về đại biểu HĐND (Điều 121 và 122 Hiến pháp năm 1992). Cụ thể, Điều 115 Hiến pháp năm 2013 quy định như sau:

“1. Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương; liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đại biểu Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật, chính sách của Nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, động viên Nhân dân tham gia quản lý nhà nước.

2. Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Thủ trưởng cơ quan thuộc Uỷ ban nhân dân. Người bị chất vấn phải trả lời trước Hội đồng nhân dân. Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị ở địa phương. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị này có trách nhiệm tiếp đại biểu, xem xét, giải quyết kiến nghị của đại biểu”.

Đại biểu Hội đồng nhân dân phải thường xuyên tiếp xúc với cử tri, báo cáo với cử tri về các hoạt động

Trong quá trình xây dựng Hiến pháp năm 2013, các quy định về đại biểu Hội đồng nhân dân nhận được sự đồng thuận cao của các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân. Tuy nhiên, cũng có ý kiến của một số nhà khoa học cho rằng không nên tiếp tục quy định quyền chất vấn của Đại biểu HĐND đối với Chánh án TAND vì quy định ấy không có lợi cho việc bảo đảm tính độc lập trong xét xử của tòa án trong quá trình thực thi quyền tư pháp của mình. Trong khi đó, một số chuyên gia, nhà khoa học lại cho rằng, quy định quyền chất vấn kể trên là phù hợp với nguyên tắc tổ chức và hoạt động của nhà nước ta (tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân), phù hợp với tính chất là người đại biểu nhân dân của các đại biểu Hội đồng nhân dân.

8. Quy định về mối quan hệ giữa Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên

Về cơ bản, các quy định trong Hiến pháp năm 1992 được tiếp tục kế thừa trong quy định tại Điều 116 Hiến pháp năm 2013 về mối quan hệ giữa HĐND, UBND với MTTQVN và các tổ chức thành viên. Cụ thể, Điều 116 Hiến pháp năm 2013 quy định như sau:

“1. Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thực hiện chế độ thông báo tình hình của địa phương cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các tổ chức này về xây dựng chính quyền và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân động viên Nhân dân cùng Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương.

2. Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương được mời tham dự các kỳ họp Hội đồng nhân dân và được mời tham dự hội nghị Uỷ ban nhân dân cùng cấp khi bàn các vấn đề có liên quan".

Trong quá trình xây dựng Hiến pháp năm 2013, các quy định kể trên của Hiến pháp nhận được sự đồng thuận cao trong các ý kiến góp ý, đề xuất của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân.

9. Yêu cầu đặt ra đối với việc hoàn thiện pháp luật về chính quyền địa phương

Hiến pháp năm 2013 đã có những quy định mang tính nguyên tắc cụ thể về phân định nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cấp chính quyền địa phương phải do luật định, đồng thời cũng thiết kế một số quy định mở để tạo điều kiện cho việc nghiên cứu chín muồi trong quá trình xây dựng Luật tổ chức chính quyền địa phương (liên quan đến tổ chức của chính quyền địa phương). Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung nhiều quy định mới có tính chất mở đường cho việc phân định rõ nhiệm vụ của từng cấp “chính quyền địa phương quyết định các vấn đề của địa phương do luật định” (Điều 112) và thiết kế mô hình chính quyền địa phương ít tầng nấc hơn, không nhất thiết phải rập khuôn mô hình chính quyền nông thôn cho chính quyền đô thị, quy định rõ hơn nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa chính quyền trung ương với chính quyền địa phương v.v. chính quyền trung ương với chính quyền địa phương diễn ra thuận lợi hơn.

Thẩm quyền của từng cấp chính quyền địa phương, về cơ bản phải được xác định bởi luật (Điều 112 Hiến pháp) mà không phải do các cấp chính quyền chuyển giao cho nhau. Về nguyên tắc, các đạo luật không được làm cho quyền quyết định của từng cấp chính quyền bị thu hẹp đi. Hơn nữa, theo tinh thần Điều 112 Hiến pháp thì cấp trung ương (Chính phủ, các Bộ) cũng chỉ là một trong các cấp chính quyền trong mối tương quan và bảo đảm tính độc lập của từng cấp chính quyền.

Dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương là một trong những dự án luật về tổ chức bộ máy nhà nước quan trọng, có nhiệm vụ thể chế hóa các văn bản của Đảng và Hiến pháp năm 2013 với mục tiêu giải quyết các vấn đề vô cùng phức tạp, có sự tác động, ảnh hưởng đáng kể tới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp. Bên cạnh đó, cần phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của Luật tổ chức chính quyền địa phương với Luật ngân sách nhà nước vì Luật ngân sách nhà nước có nhiệm vụ bảo đảm tài chính cho chính quyền địa phương mà vấn đề tài chính là vấn đề cốt lõi của phân quyền, phân cấp, của tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương không chỉ được bảo đảm về tài chính trong việc thực hiện nhiệm vụ được ủy quyền mà các nhiệm vụ được phân quyền cần phải được bảo đảm, như vấn đề tài chính, tổ chức, nhân sự, ban hành quy định để thực hiện những thẩm quyền luật định.

Bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương cần được xác định là mục tiêu của tiến trình cải cách nền hành chính công, hiện đại hoá hoạt động của nhà nước.

(Còn nữa)