Gói viện trợ quân sự kỷ lục 38 tỷ USD

ANTD.VN - Mỹ và đồng minh chí cốt tại khu vực Trung Đông chiến lược là Israel đã đạt được thỏa thuận viện trợ quân sự lịch sử mà theo đó Washington sẽ viện trợ 38 tỷ USD cho Tel Aviv trong 10 năm tới.

Hàng năm Mỹ dành khoản tiền trị giá 500 triệu USD cho Israel phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa mang tên “Mái vòm sắt”

Ngày 14-9, Mỹ và Israel đã cùng đặt bút ký thỏa thuận viện trợ quân sự trị giá lên đến 38 tỷ USD, được đánh giá là gói viện trợ quân sự lớn nhất trong lịch sử mà Washington dành cho một quốc gia đồng minh.

Thỏa thuận mới với tổng số tiền viện trợ tăng thêm 7 tỷ USD so với thỏa thuận 10 năm trước đó, đạt được giữa 2 quốc gia đồng minh thân cận này sẽ bắt đầu có hiệu lực sau khi gói viện trợ hiện tại kết thúc vào năm 2018 và sẽ kéo dài trong vòng 10 năm, từ năm 2019 đến năm 2028.

Không dễ dàng để Mỹ và Israel đi tới thỏa thuận viện trợ quân sự ký kết ngày 14-9 vừa qua. Cho dù là nước nhận viện trợ, song Israel với vị trí chiến lược trọng yếu tại “yếu huyệt” Trung Đông với lợi ích toàn cầu của Mỹ đã rất biết cách “làm mình làm mẩy” để đòi ông bạn đồng minh chí cốt phải viện trợ cho mình tới 4,5 tỷ USD mỗi năm, tức tổng cộng 45 tỷ USD trong 10 năm.

Không những thế, Tel Aviv còn đòi Washington để cho họ có quyền dùng một phần lớn số tiền viện trợ hàng năm để mua vũ khí “cây nhà lá vườn” của Israel, chứ không phải chỉ nhập vũ khí của Mỹ như những thỏa thuận viện trợ trước.

Sau thời gian dài đàm phán căng thẳng, cuối cùng Mỹ và Israel cũng đạt được thỏa thuận viện trợ quân sự trị giá 38 tỷ USD, tức 3,8 tỷ USD mỗi năm. Dù không yêu cầu được mức tối đa 45 tỷ USD, nhưng Tel Aviv cũng có lý do để bằng lòng với tổng số viện trợ 38 tỷ USD bởi một phần không nhỏ trong số tiền rất lớn này, theo các nguồn tin là chiếm khoảng hơn 26%, được dùng để mua vũ khí trang bị do chính Israel sản xuất.

Một điểm quan trọng khác khiến Tel Aviv hài lòng là mỗi năm Mỹ sẽ dành khoản viện trợ khoảng 500 triệu USD cho việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa “mái vòm sắt” của Israel. Ngoài ra, thỏa thuận cũng cho phép Israel trở thành quốc gia đồng minh đầu tiên được Mỹ cung cấp máy bay tiêm kích tàng hình hiện đại nhất F-35 với tổng số lượng 33 chiếc, trong đó 2 chiếc đầu tiên sẽ được giao ngay trong tháng 12 tới.

Phát biểu sau khi chứng kiến thỏa thuận được ký giữa quyền Giám đốc Hội đồng an ninh quốc gia Israel Jacob Nagel và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Thomas Shannon tại Washington, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice nhấn mạnh rằng thỏa thuận đạt được giữa Mỹ và Israel lần này đã phản ánh mối quan hệ sâu đậm giữa hai nước và sự hỗ trợ bền chặt mà Mỹ luôn dành cho đồng minh Israel.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhấn mạnh, thỏa thuận viện trợ lịch sử này sẽ giúp Israel tăng cường sức mạnh quân sự và hệ thống phòng thủ tên lửa, đồng thời nêu rõ việc đầu tư cho an ninh của Nhà nước Do Thái cũng sẽ thúc đẩy an ninh khu vực Trung Đông và phục vụ cho cả lợi ích của Mỹ. 

Tuy nhiên, các quốc gia Arập Trung Đông tỏ ra lo ngại trước tiềm lực quốc phòng vốn vượt trội của Israel so với các nước khác trong khu vực nay lại được tăng cường thêm “nanh vuốt”. Giới quan sát thì cho rằng Washington luôn lớn tiếng là một trong các nhà “bảo trợ hòa bình Trung Đông”, song làm sao giữ được vai trò “trung gian hòa giải” khi Mỹ là bên viện trợ quân sự kỷ lục cho Israel.